skip to Main Content

ĐỪNG SÁT NHÂN

3.6Thánh Charles Lwanga và các bạn tử đạo

2 Pr 1:2-7; Tv 91:1-2,14-15,15-16; Mc 12:1-12

ĐỪNG SÁT NHÂN

Kitô giáo còn hoàn toàn mới lạ đối với Phi châu cho tới khi việc truyền bá đạo Công giáo bắt đầu khai mào từ năm 1879. Các linh mục là những tu sĩ dòng Thừa Sai Phi Châu. Các ngài được mọi người biết đến dưới tước hiệu “các cha áo trắng” vì các ngài mang bộ tu phục màu trắng.

Vua Mwanga chẳng biết Kitô giáo rao giảng những gì nhưng ông cảm thấy bực mình khi một tín hữu Công giáo là Giuse Mkasa khiển trách lối sống của ông. Vua đã sát hại một nhóm Kitô hữu và cả vị giám mục thân yêu của họ. Vua cũng can dự vào sinh hoạt đồng tính luyến ái. Ông đặc biệt ưa thích các chú tiểu đồng. Rồi sự bực mình của vua Mwanga trở nên phẫn nộ và căm thù đối với Giuse Mkasa và tôn giáo của anh. Một số giới chức tham tham của nhà vua đã kích động tâm trạng vua với những lời xu nịnh gian trá. Thế là vào ngày 18 tháng Mười Một năm 1885, Giuse Mkasa bị đem ra xử trảm. Cuộc bách hại khủng bố bắt đầu. Trước khi nó kết thúc, hàng trăm người đã bị thiệt mạng. Hai mươi hai người trong số họ được tôn phong lên bậc hiển thánh.

Với cái chết của Giuse Mkasa, Carôlô Lwanga trở thành thầy dạy đạo chính yếu cho các chú tiểu đồng của vua. Vào ngày 26 tháng Năm năm 1886, vua Mwanga nhận thấy một số tiểu đồng của ông là tín hữu Công giáo. Ông cho gọi Đênis Sêbugwawo vào. Ông hỏi có phải Đênis đã dạy đạo cho các tiểu đồng không. Đênis trả lời phải. Nhà vua liền chụp lấy ngọn giáo của mình và phóng xuyên qua cổ họng chàng thanh niên. Rồi ông la lớn tiếng không cho phép ai được rời khỏi tổng hành dinh của ông. Tiếng trống đấu tranh vang lên thâu đêm. Trong một căn phòng kín ẩn, Carôlô Lwanga đã bí mật rửa tội cho bốn chú tiểu đồng. Một em trong bọn trẻ là thánh Kizitô, chú bé mười ba tuổi có tính tình vui tươi quảng đại. Kizitô là người bé nhất trong nhóm. Thánh Carôlô Lwanga thường hay bảo vệ Kizitô thoát khỏi lòng ham muốn dâm dật của vua Mwanga.

Hầu như hai mươi hai vị thánh tử đạo Uganđa này đã bị giết chết vào cùng ngày mùng 3 tháng Sáu năm 1886. Các ngài bị bắt đi bộ chừng năm mươi chín cây số đến nơi hành quyết. Sau ít ngày bị giam tù, người ta ném các ngài vào một đống lửa lớn. Mười bảy người trong số ấy là những chú tiểu đồng thuộc vương gia. Một trong các cậu bé tử đạo là thánh Mbaga. Hôm ấy chính thân phụ ngài là người đao phủ. Một vị tử đạo khác là thánh Anrê Kagwa, mất ngày 27 tháng Giêng năm 1887, cũng ở trong số hai mươi hai vị tử đạo được đức thánh cha Phaolô VI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1964.

Carôlô Lwanga là thánh bổn mạng của giới trẻ da mầu Phi châu. Ngài và các bạn tử đạo đã hết sức hiểu rõ và quý trọng ơn đức tin của mình. Các ngài đã là những anh hùng! Chúng ta hết thảy hãy cầu xin cùng thánh Carôlô Lwanga và các thánh tử đạo Phi châu này. Hãy xin các ngài chỉ cho chúng ta biết cách làm chứng cho Đức Chúa Giêsu và Giáo hội như các ngài.

Trong dụ ngôn chúng ta nghe hôm nay, ông chủ vườn nho ám chỉ Thiên Chúa; còn các tá điền sát nhân ám chỉ các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão được nói tới trong Mc 11, 27. Những người này có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc Israel, là vườn nho, nhưng đã không biết làm cho vườn nho (12, 1) sinh lời.

Trái lại, họ đã ngược đãi các đầy tớ của “ông chủ” là “các ngôn sứ”. Và rồi, nhân vật cuối cùng được cử đến là chính Chúa Giêsu – Người Con yêu dấu của “ông chủ”. Tuy nhiên, vì muốn chiếm đoạt gia tài, nên họ đã bắt và đã giết chết Người ngoài Giêsusalem (bên ngoài vườn nho). Do vậy, vườn nho sẽ được giao lại cho người khác, là các tín hữu gốc dân ngoại. Còn, đá tảng chỉ về Chúa Giêsu (Tv 118, 12). Người như đá tảng góc tường làm vững chắc ngôi nhà.

Dụ ngôn khắc hoạ rõ nét cho chúng ta chân tướng của kẻ cướp. Họ không phải là chủ mà là người làm thuê. Thế mà họ toa rập với nhau, đánh đập, bắt bớ, làm hại hết người này đến người khác vốn là sứ giả của chủ. Rồi cả đến người con duy nhất, họ cũng giết đi và kéo ra khỏi vườn nho hòng âm mưu cướp cả vườn nho. Từ kẻ tá điền, họ muốn đổi ngôi thành ông chủ, từ người làm thuê, họ muốn đóng vai người định đoạt vận mệnh của chủ vườn. Chỉ chi tiết này thôi cũng gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ.

Xem ra tội kiêu căng ngạo mạn đang trở nên quá phổ biến trong thế giới chúng ta sống đây. Adam và Eva đã đi quá làn ranh đỏ của việc ăn trái cấm, muốn gnang bằng Thiên Chúa. Thứ AND kiêu ngạo ấy vẫn ngấm trong máu chúng ta và di truyền ngàn đời. Càng tân tiến, con người càng tưởng mình có thể làm được mọi sự, thay Chúa định đoạt mọi sự. Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lần đã nói đại ý rằng, Chúa đang trở nên mờ nhạt vì cái tôi quá lớn của con người. Phải, như dụ ngôn nói, họ còn giết và kéo đứa con duy nhât của chủ ra khỏi vườn. Chủ thuyết duy vật và tục hoá của thế giới hôm nay cũng muốn loại Thiên Chúa ra khỏi thế giới mà Ngài dựng nên cách tốt đẹp, có tự do để cho chúng ta giết chết Ngài và loại bỏ Ngài như thế.

Chúng ta thấy, khi nghe dụ ngôn, người Do Thái đã hiểu ngay là Chúa Giêsu muốn ám chỉ về họ. Do vậy, họ đã định tâm tìm cách bắt Người. Nhưng tại sao thay vì ăn năn hối cải, họ lại muốn bắt và loại trừ Chúa Giêsu?

Thực ra, họ đã muốn loại trừ Chúa Giêsu từ lúc Người mới sinh ra tại Bêlem, khi Người còn là một hài nhi bé bỏng, chưa thể nói ra được một lời nào. Vì thế, nguyên nhân ý đồ của họ không phải là do lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã chạm tự ái họ, nhưng vì sự có mặt của Người đã làm xáo trộn cuộc sống ổn định của họ. Hêrôđê thì sợ mất ngôi vua, còn các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão thì lại sợ mất chỗ đứng của họ. Vì lẽ, trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, họ là những người có địa vị, những đấng bậc được trọng vọng nhất. Đó là lý do sâu xa!

Ngày nay cũng thế, muốn sống Lời Chúa thì buộc ta phải thay đổi sao cho phù hợp với tin thần Phúc Âm. Đây là điều mà không mấy người dễ chấp nhận, bởi vì sự thay đổi như thế sẽ đem đến sự xáo trộn trong cuộc sống đã ổn định, bắt ta phải hy sinh và từ bỏ nhiều thứ. Vì thế, ta không tìm cách loại trừ Chúa, nhưng lại loại trừ Lời Chúa, và loại trừ cả những đòi hỏi của Lời Chúa nữa. Đó là nghịch lý của cuộc sống!

 

 

 

 

Back To Top