Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
QUA SỰ CHẾT MỚI ĐẾN VINH QUANG
29.5 Thứ Tư trong tuần thứ Tám Mùa Quanh Năm
1 Pr 1:18-25; Tv 147:12-13,14-15,19-20; Mc 10:32-45
QUA SỰ CHẾT MỚI ĐẾN VINH QUANG
Thiên Chúa yêu thương con người và đáp lời yêu thương đó bằng cách cụ thể là gửi Con Một từ trời xuống cứu độ con người. Nhưng không phải bằng bạo quyền thống trị theo thói người đời. Như hai anh em nhà Dê-bê-đê lầm tưởng. Nhưng bằng khiêm nhường phục vụ. Đến hi sinh mạng sống.
Chúng ta thấy như Chúa dạy dỗ các tông đồ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Con đường của Chúa là con đường khiêm nhường. Hạ mình để phục hồi anh em. Chịu chết để cứu sống anh em. Chịu nhục nhã để anh em được vinh quang.
Vì thế Chúa quả quyết lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Điều đó khiên các môn đệ kinh hoàng. Nhưng đó mới là con đường vinh quang. Chúa được vinh quang. Và Chúa phục hồi ta trong vinh quang.
Chính vì thế thánh Phê-rô khuyên nhủ chúng ta. Trước hết phải nhận biết sự thật. Chúng ta được phục hồi không phải do thế lực trần gian. Nhưng do bửu huyết của Chúa Giê-su. Chúa đi vào con đường khiêm nhường phục vụ. Chịu chết rồi phục sinh. Đó là niềm hi vọng của chúng ta. Nếu đã biết sự thật. Ta hãy thanh luyện tâm hồn khỏi các thế lực trần gian. Hãy biết khiêm nhường phục vụ lẫn nhau. Yêu thương nhau: “Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn. Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi”
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có thể ví như nước thủy triều dâng. Tại sao thế? Thưa! Vì Đức Giêsu đang tiến dần đến cái chết của Ngài. Ngài tiến gần cả về địa lý lẫn thời gian cũng như khung cảnh bề ngoài.
Về mặt địa lý, Ngài đang lên gần đến thành Giêrusalem;
Về thời gian, đây là thời điểm thuận lợi để những người Pharisêu, Kinh Sư và những kẻ không ưa Ngài dễ dàng thực hiện ý định giết Ngài;
Về tâm lý, việc Ngài giảng dạy hấp dẫn và những việc Ngài làm thu hút dân chúng, nên người ta không ngớt lời khen ngợi, đây là dịp châm ngòi cho sự ghen tương sẵn có nơi giới lãnh đạo Dothái.
Vì thế, Ngài đã loan báo lần cuối cùng về số phận của Người Tôi Trung: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.
Chết là quy luật không thể bỏ qua cho những ai muốn sống. Không có sự chết, không có phục sinh. Nhưng điều quan trọng là chết như thế nào và làm sao phải chết? Đây mới là điều cốt lõi.
Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.
Chết là điều tất yếu của thân phận làm người. Ðã nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Ngài bị chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược dòng đời.
Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Ðấng đã đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con đường của Chúa Kitô, con đường dẫn đến sự sống đích thực.
Dù sống trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin vào Ðấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu, đó là vì yêu thương mà không chịu xã hội mua chuộc; không chấp nhận sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen mà đánh mất tinh thần vâng phục cũng như sứ vụ cứu rỗi nhân loại… Vì thế, Đức Giêsu đã chấp nhận chết vì yêu, vì sứ vụ.
Mỗi người Kitô hữu cần phải xác định rõ quy luật tất yếu này là: nếu ta thuộc về Đức Kitô, ấy là chúng ta chấp nhận đi cùng Ngài để lội ngược dòng. Khi lội ngược dòng như thế, chúng ta sẽ không tránh khỏi sự thù nghịch, khinh khi, và ngay cả mạng sống.