Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
LÒNG QUẢNG ĐẠI
12.4 Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mùa Phục Sinh
Cv 5:34-42; Tv 27:1,4,13-14; Ga 6:1-15
LÒNG QUẢNG ĐẠI
Phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều là phép lạ duy nhất được tường thuật trong cả bốn Phúc Âm. Ðiều này chứng minh cho chúng ta biết tầm quan trọng của dấu lạ này trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu, cũng như trong sinh hoạt của cộng đoàn Kitô tiên khởi thời các tông đồ.
Những người Kitô đầu tiên thường dùng dấu hiệu bánh và cá để nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi thế gian, và là của ăn ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ giải thích điểm này rộng rãi hơn trong bài giảng tiếp sau biến cố phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều. Chúng ta sẽ lần lượt suy niệm về những lời giảng dạy này trong những ngày tới.
Trong những phút suy niệm hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến thái độ của dân chúng đối với dấu lạ Chúa thực hiện. Có thể nói rằng dân chúng đã hiểu lầm ý định của Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng dân chúng đã trần tục hóa biến cố, họ hiểu biến cố trong lăng kính vụ lợi vật chất cho bản thân. Phúc Âm theo thánh Gioan ghi lại chi tiết này: “Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi mà tôn lên làm vua”, có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất, cho những tham vọng của họ.
Thay vì biến đổi con người mình trở nên sẵn sàng hơn để lắng nghe sứ điệp của Chúa muốn nói với họ. Hãy cố gắng để được ăn của ăn không hư nát, để được sống đời đời, thì dân chúng lại giới hạn dấu lạ trong chiều kích trần tục của cơm bánh để nuôi sống thể xác mà thôi. Ðây có thể nói là một trong những cám dỗ thường hằng của con người qua mọi thời đại, cám dỗ bắt buộc Thiên Chúa phải và chỉ phục vụ cho những nhu cầu vật chất trần tục mà thôi.
Phép lạ bánh hoá nhiều, đó là một lời tiên báo về Bí Tích ThánhThể mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện sau này. Bí Tích Thánh Thể, cũng như những ơn mà chúng ta đươƯc qua Bí Tích đó, đó là những đoá hoa mà chúng ta có thể chiêm ngắm nhờ “ống kính vạn hoa Đức Tin”. Bởi chỉ có Đức Tin, chúng ta mới thấy được vẻ đẹp cũng như ân sủng lớn lao mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta trong Bí Tích này. Chỉ có Đức Tin chúng ta mới nhận ra được rằng Bí Tích Thánh Thể là hoa trái của tình tình thương lớn lao mà Chúa dành cho loài người.
Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Khởi đi từ lòng thương xót của Ngài: “Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: ‘Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?’”(Ga 6, 5).
Tiếp theo là tấm lòng quảng đại của một em bé: “Có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”, và, Đức Giêsu đã tiếp nhận tấm lòng nhỏ bé nhưng tinh thần lớn lao của em để kết hợp với lòng thương xót của Ngài, Ngài làm nên chuyện phi thường là làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 11).
Ai nấy đều được no nê nhờ vào tấm lòng của vị Mục Tử Giêsu và sự quảng đại của em nhỏ.
Bài học mà Giáo Hội đón nhận từ phép lạ ấy thật rõ ràng: lòng quảng đại, sự san sẻ của con người là chìa khóa giúp giải quyết vấn đề nghèo đói. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, và Giáo Hội tin rằng Ngài vần tiếp tục nhân bánh và cá ra nhiều cho những người nghèo đói. Qua bao nhiêu thế kỷ với những đóng góp và chia sẻ của các tín hữu, đã có biết bao người được ăn uống no nê. Những hoạt động từ thiện những chương trình trợ giúp phát triển của Giáo Hội vì những phép lạ mà Chúa Giêsu không ngừng thực hiện cho những người nghèo đói. Những mẹ Têrêxa Calcutta, những cha Pierre, những nữ tu Emmanuel và bao nhiêu gương mặt âm thầm khác trong Giáo Hội, đó là những em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá đa đõng góp vào việc thực hiện phép lạ.
Có một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá…Đó có lẽ là phần ăn của một em bé ngày hôm đó. Bài Tin Mừng hiểu ngầm rằng em đã sẵn sàng dang cho Chúa Giêsu để Ngài làm phép lạ hôm nay. Sự sống của đám đông người nay cần phải có sự đóng góp nhỏ bé của một em nhỏ. Điều đó rất có ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay. Ta có thể coi đây là phép lạ của lòng quảng đại của em bé nầy. Chúa làm cho sống, Chúa nuôi con người nhưng Chúa cũng cần sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta.
Vì thế, trong cuộc sống, những chia sẻ của chúng ta đối với người nghèo nhiều khi chỉ là như hạt muối bỏ vào biển. Nhưng chúng ta cứ quảng đại đóng góp, phần còn lại để Chúa lo. Từ sự quảng đại tuy nhỏ bé của chúng ta, Chúa có thể làm những việc to lớn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chia cơm sẻ bánh cho nhau, tức là sống với nhau trong tinh thần liên đới, trách nhiệm. Đạo Công Giáo không bao giờ chấp nhận chuyện mạnh ai nấy sống. Sống như thế là ích kỷ, là chỉ biết đến cái bụng mà không hề làm cho trái tim lớn lên trong tình yêu.
Bên cạnh đó, chúng ta còn học được bài học tin tưởng, phó thác nơi Chúa, vì có Chúa là có tất cả, không chỉ vậy, mà còn dồi dào. Hình ảnh các môn đệ “thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng” có ý muốn nói và củng cố cho chúng ta về lòng tín thác nơi Thiên Chúa.