Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tin tưởng và hy vọng vào Chúa Phục Sinh
4.4 Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 3:11-26; Tv 8:2,5,6-7,8-9; Lc 24:35-48
Tin tưởng và hy vọng vào Chúa Phục Sinh
Chúa Kitô Phục Sinh là mầu nhiệm cao cả và là trung tâm điểm của người Kitô hữu. Chúa Phục Sinh để chứng tỏ vinh quang và quyền năng của Ngài, Ngài đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, đem lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay cũng nói cho chúng ta về việc Chúa Phục Sinh.
Sách Công Vụ cho chúng ta thấy : “Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.
Còn bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.
Vậy trước sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi để làm gì?
Trước tiên, chúng ta được mời gọi tin tưởng và hy vọng vào Chúa Phục Sinh. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ.
Tuy nhiên, các ông cứ tưởng Ngài là ma. Thấy thế, Ngài đã cho các ông cảm nhận được sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Ngài, khi mời gọi các ông sờ vào thân thể Ngài. Cho đến khi ngồi ăn trước mặt các ông, Ngài phá tan mọi nghi ngờ trong các ông. Ngài đã củng cố niềm tin cho các tông đồ, rằng Ngài đã thực sự sống lại. Chính những điều ấy, càng đem lại niềm tin và niềm hy vọng cho chúng ta.
Trong tông huấn Niềm hy vọng Kitô giáo, Đức Phanxicô có nói: “Đức kitô Phục Sinh là niềm hy vọng của chúng ta và sự sống lại của Chúa Kitô gia tăng niềm tin cho chúng ta”. Nếu Chúa Giêsu không sống lại có lẽ mọi sự đã kết thúc, nhưng không Ngài đã sống lại để chứng tỏ Ngài chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, đó cũng là niềm hy vọng cho sự phục sinh trong tương lai của chúng ta sau này. Thánh Phaolô đã nói những lời mạnh mẽ này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì việc chúng tôi rao giảng sẽ chẳng có nghĩa lý gì; cả đức tin của anh em cũng là những gì vô bổ. Anh em vẫn còn vướng mắc tội lỗi”.
Tiếp theo, chúng ta được mời gọi chấp nhận đau khổ thập giá, để cũng được sống lại với Chúa Phục Sinh. Ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc sống nhẹ nhàng, êm đềm, nhưng đó không phải là điều Chúa muốn. Chúa muốn chúng ta cùng vác thánh giá, cùng chịu đau khổ với Người. Chúng ta được mời gọi nhìn vào nỗi khốn khổ hiện tại của chúng ta: có thể đó là những đau khổ của bệnh tật, những khó khăn trong công việc, trong học tập, trong tình cảm, trong tương quan với anh em.
Tuy nhiên những đau khổ này của chúng ta có là gì so với những đau khổ mà Chúa Giêsu đã phải chịu. Ngài có đủ quyền năng để chọn cứu độ cách dễ dàng, nghĩa là khỏi phải đau khổ và không phải chết. Nhưng không, Ngài đã chọn đau khổ, thập giá. Đây cũng là bài học cho mỗi người chúng ta. Khi gặp đau khổ, chúng ta thường nhìn theo hướng tiêu cực để rồi đổ lỗi, than thở.
Qua thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn đau khổ theo hướng tích cực để nhận ra đau khổ chính là phương thế cứu độ. Vì đau khổ không chỉ giúp tôi luyện đức tin chúng ta mà nhờ đau khổ chúng ta tham dự vào cuộc Khổ nạn của Đức Kitô và kết hiệp với Ngài. “Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”, nghĩa là Chúa Giêsu đã phải trải qua đau khổ mới tiến vào vinh quang. Như vậy, để đến được vinh quang, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác, không có con đường nào khác bằng việc chấp nhận những đau khổ, vác thập giá mỗi ngày.
Cuối cùng, chúng ta được mời gọi hãy để cho Chúa Kitô Phục Sinh biến đổi con người chúng ta. Chúng ta thấy được sự biến đổi rõ rệt từ các tông đồ: Trước khi Chúa hiện ra, các ông là những người nhút nhát, sợ sệt, không dám bước ra khỏi nhà, nhưng sau khi xác tín Chúa đã sống lại thật, các ông đã mạnh dạn ra đi loan báo về Đấng đã sống lại cho mọi người. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà chủ nghĩa vật chất dường như chi phối tất cả tư tưởng, đạo đức cũng như lối sống của con người thế nên hình ảnh Thiên Chúa bị lu mờ.
Con người có quá nhiều tham vọng, không muốn biến đổi và hoán cải. Đứng trước biến cố Chúa Kitô Phục Sinh, mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại để xem những tiêu cực có tồn tại trong đời mình hay không? Tội lỗi đã làm cho chúng ta chết, nay chúng ta cũng được sống lại, bằng cách để cho Chúa Kitô Phục Sinh biến đổi con người chúng ta: từ con người tội lỗi, thành con người trong sáng; từ con người chỉ sống cho mình, thành con người sẵn sàng chia sẻ phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự đắc, thành con người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Chúng ta thấy rằng biến cố Phục sinh chỉ được hiểu và đón nhận một cách đầy đủ nhất khi nó được nhìn nhận như là sự hoàn tất của lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa đã loan báo trong suốt thời Cựu Ước. Những chứng từ của Mô-sê, của các Ngôn sứ hay trong truyền thống cầu nguyện của dân Israel (Thánh vịnh) là những nền tảng cần thiết cho những người tin vào Đấng Phục sinh. Chính Đức Giê-su, trong đoạn Phúc Âm hôm nay, đã mở trí cho các môn đệ nhằm giúp các ông hiểu Kinh Thánh và lời của Kinh Thánh chép về Người: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.
Trước sự sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi: tin tưởng và hy vọng vào Chúa Phục Sinh; chấp nhận đau khổ thập giá, để cũng được sống lại với Chúa Phục Sinh; và để cho Chúa Kitô Phục Sinh biến đổi con người chúng ta. Chúa chính là ánh sáng, là tình yêu, là bình an, là niềm vui và là niềm hy vọng của chúng ta. Ước gì tình yêu Chúa Giêsu Phục Sinh thúc đẩy chúng ta phục sinh chính con người chúng ta.