Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Thiên Chúa cứu chuộc thế gian bằng tình yêu
17.3 Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay
Gr 31:31-34; Tv 51:3-4,12-13,14-15; Dt 5:7-9; Ga 12:20-33
Thiên Chúa cứu chuộc thế gian bằng tình yêu
Thánh Gioan hôm nay đã dùng hình ảnh quen thuộc để diễn tả ý nghĩa đích thực của cái chết của Chúa Giêsu: hình ảnh của một hạt giống bị mục thối đi trong lòng đất để dẫn đến một mùa gặt phong phú. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác”. Cũng vậy, những đau thương Chúa Giêsu sắp trải qua sẽ không kết thúc ở một cái chết cằn cỗi mà sẽ dẫn đến sự phì nhiêu sung mãn của sự sống lại, một sự sống có khả năng tập họp mọi dân nước trong Nước Trời.
Tuy nhiên, là Thiên Chúa nhưng cũng là con người và như mọi con người, Chúa Giêsu cũng đã phải trải qua những giờ phút xao xuyến trong tâm hồn khi phải đương đầu với kẻ thù và cái chết nhuốc hổ trên thập giá: “Bây giờ tâm hồn Con xao xuyến, Con biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này…” Chúa Giêsu đã từng bị cám dỗ xin Cha Ngài giải thoát Ngài khỏi “Giờ” đen tối hay khỏi “uống chén đắng” này. Trong bài đọc 2, chúng ta còn được Thánh Phaolô cho thấy tâm trạng của Chúa Giêsu khi đứng trước “Giờ” của thập giá: “Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khấn nguyện lên Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết…”
Cuối cùng, Chúa Giêsu đã không xin Cha cứu Ngài khỏi chết mà xin cho Danh của Cha được tôn vình. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu muốn cầu xin Thiên Chúa hãy tỏ ra Ngài là một người Cha, bằng cách hoàn tất công trình yêu thương của Ngài đối với con người, ngang qua cái chết và sống lại của Con của Ngài. Qua lời cầu xin này, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đã gián tiếp đón nhận “Giờ” của sự phục vụ cho tới hơi thở cuối cùng trên thập giá, nhưng đồng thời cũng là “Giờ” Con Người bước vào vinh quang.
Có điều “vinh quang” ở đây không theo ý nghĩa thường tình của chúng ta. Vinh quang ở đây đòi phải trải qua khổ nhục. Vinh quang của hạt lúa đã trổ bông, nặng trĩu và chín vàng, nhưng là sau khi bị chôn vùi dưới bùn rồi nứt nẻ, bứt phá khỏi hình thức hẹp hòi của vỏ trấu, để giờ này mới trở thành nguồn sống, và lại sẵn sàng nẩy mầm, phát triển, tăng gấp mãi.
Thánh Gioan đã diễn tả chân lý này như một quy luật tất yếu cho sự sống phát sinh và đạt tới ý nghĩa cuối cùng: Hạt lúa và bất cứ thứ hạt giống thực vật nào, đều mang ý nghĩa và sứ mạng truyền sinh, tăng gấp nguồn sống ẩn chứa trong bản thân. Thế nhưng, muốn thể hiện ý nghĩa và sứ mạng này, nó phải qua tiến trình biến dạng hoàn toàn, phải chết đi. Chúa Giêsu đã chấp nhận quy luật này, và vẫn đang “lôi kéo mọi người theo Ngài”.
Trong khi bài Tin Mừng được tuyên bố, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói một lời khó hiểu: “Khi tôi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi”. Lời này ám chỉ hai điều: việc Ngài sắp bị đóng đinh thập giá và tầm ảnh hưởng vô biên từ cái chết của Ngài trên thập giá.
Vì không có thói quen nhắc đến những nguyên nhân trừu tượng và những ý niệm tổng quát không thể kiểm chứng được, Chúa Giêsu mời chúng ta lưu ý đến một biến cố sắp xảy ra liên quan đến Ngài cách tuyệt đối –bởi Ngài là người độc nhất bị nâng lên khỏi mặt đất- và sẽ liên quan đến chúng ta một cách cũng tuyệt đối như thế bởi vì hết thảy mọi người sẽ được lôi cuốn bởi biến cố này và sẽ dấn thân vào đó.
Thập giá không phải là một biến cố anh hùng mà Chúa Kitô ao ước đương đầu bằng tất cả bầu nhiệt huyết cách mạng. Đây là một biến cố khá nhỏ nhen, bần tiện, với một hậu cảnh tôn giáo chính trị khó hiểu, mà Chúa Giêsu đã tìm cách tránh trong một thời gian dài, nhưng vẫn không trốn thoát nó. Khi Ngài thấy biến cố này đang đến và Ngài không thể hoãn lại lâu hơn nữa, Ngài đã đón nhận nó bằng tác động vâng phục hoàn toàn tự do của một người con, sẵn sàng tự hiến như Chúa Cha đã yêu cầu Ngài.
Vì trong cơ bản thập giá là cuộc tự hiến hoàn toàn mà Chúa Con dâng lên Cha Ngài bằng hành vi vâng phục được thể hiện trong một vụ án bất công, kèm theo sự ruồng bỏ của những kẻ thuộc về Ngài, trong một cái chết gây ra bởi nỗi đau đớn tột cùng do việc bị đóng đinh thập giá. Qua hành vi vâng phục này Chúa Giêsu hiến mình trong một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha Đấng có thể cứu Người khỏi chết và khỏi quyền lực tối tăm đang tấn công Ngài.
Chúa Giêsu không chấp nhận thập giá vì Ngài, Ngài chấp nhận nó vì chúng ta. Chính thập giá của thế giới mà Ngài đã mang, thập giá mà sự bất tuân của chúng ta và việc chúng ta từ chối Chúa Cha đã áp đặt cho chúng ta, nó là công trình tay chúng ta làm ra, hoa quả trổ sinh từ những bất chính của chúng ta. Khi chấp nhận thập giá chung của loài người, khi mang nó như thể nó thuộc về bản thân Ngài, Chúa Giêsu đã sống nó trong một tiếng kêu hy vọng và tin tưởng mà Chúa Cha sẽ đón nhận. Sự hiến dâng và lời khẩn cầu của Ngài đã cứu Ngài và cứu chúng ta nữa cùng với Ngài.
Sự cứu độ của chúng ta, với tư cách là cộng đồng nhân loại và với tư cách cá nhân, chỉ nằm trong việc trở về với Thiên Chúa, trong ý muốn vâng phục của con cái, hoa quả của một Giao Ước Mới. Và chúng ta không thể thực hiện được điều này bằng sức riêng mình, vì việc từ chối ban đầu chống lại tình yêu Thiên Chúa tiếp tục đè nặng trên chúng ta và áp đặt cho chúng ta một gánh nặng ngày càng khiến chúng ta tê liệt.