Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
KHIÊM TỐN THẬT THÌ MỚI ĐƯỢC THA THỨ
9.3Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mùa Chay
Hs 6:1-6; Tv 51:3-4,18-19,20-21; Lc 18:9-14
KHIÊM TỐN THẬT THÌ MỚI ĐƯỢC THA THỨ
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật lại cho chúng ta Dụ ngôn về một người Pha-ri-sêu và một người thu thuế, cả hai cùng lên Đền Thờ cầu nguyện, nhưng một người thì được trở nên công chính, người còn lại thì không.
Nếu ta đặt ra câu hỏi tại sao cả hai cùng lên Đền Thờ cầu nguyện, nhưng một người được Thiên Chúa nhận lời và ban cho nhiều ơn lành hồn xác còn người Pha-ri-sêu không được gì cả, trái lại còn bị lên án nữa, mặc dù xem ra ông này sống rất đàng hoàng, tử tế, không trộm cướp, không ngoại tình, bất chính.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở tấm lòng, ở thái độ. Người thu thuế biết ăn năn sám hối, biết thân, biết phận mình là kẻ tội lỗi nên với lòng khiêm tốn đó, ông chỉ trông cậy vào lòng Thiên Chúa xót thương, xin Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi cho mình mà thôi. Ngược lại, người Pha-ri-sêu thì tự coi mình có nhiều công trạng, tự cao tự đại cậy mình là người tốt lành, không những thế ông ta còn tỏ thái độ coi thường và phán xét người khác: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cướp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18, 11).
Trước Thánh Nhan Chúa chúng ta chỉ là một tạo vật yếu đuối, tội lỗi thấp hèn, rất cần đến lòng thương xót, bao dung của Thiên Chúa, chúng ta có cái gì mà dám tự phụ khoe khoang công trạng của mình? Nếu chúng ta có làm được gì thì cũng chỉ là do Thiên Chúa trợ lực ban ơn mà thôi. Lại nữa, khi chúng ta có được may mắn, có cuộc sống tốt đẹp, tử tế, không sa ngã vào những tệ nạn này kia thì chúng ta phải biết yêu thương, tôn trọng và nâng đỡ những người anh em khác không được may mắn như chúng ta, chứ đừng bao giờ vướng thói xấu xa; đó là nói xấu người khác để làm cho mình được tôn lên.
Những ai sống hiền hậu và khiêm nhường thì chắc hẳn sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì khi xưa khi đi rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su đã từng làm gương và kêu gọi những ai muốn bước đi theo Ngài thì : “Hãy học cùng tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Thánh Gia-cô-bê đã khẳng định trong thư gửi cho mười hai chi tộc Do Thái rằng: “ Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”. (Gc 4, 6)
Khi sống hiền hậu và khiên nhương chúng ta không những được Thiên Chúa yêu thương, ban ơn mà ngay cả khi ở đời này còn được những người sống chung quanh yêu thương, kính trọng nữa.
Ngẫm lại trong cuộc đờim nhiều lần nhiều úc tôi cũng đầy tâm thức giống y như người pha-ri-sêu: Tôi tự phụ, tôi sống ảo tưởng mình được phước hơn những Ki-tô hữu khác vì mình được tháp nhập vào Dòng, được học hỏi, được cơ hội hiểu biết hơn những người chỉ là “giáo dân”, còn tôi được diễm phúc là “giáo dân Đa Minh”. Thật khốn nạn cho tôi !
Mùa Chay là mùa thuận tiện để tôi canh tân đời sống. Có thể nói được rằng: điều kiện cần để canh tân đời sống chính là cầu nguyện.
Mùa Chay còn là mùa cầu nguyện. Cầu nguyện để thanh luyện thái độ tôi mỗi ngày, lời cầu nguyện đích thực đẹp lòng Chúa chính là thật lòng ăn năn, sám hối, khóc tội của mình. Cầu nguyện để tôi thêm lòng trông cậy, tín thác vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy sẽ xoá tan mọi mặc cảm tội lỗi và mang lại cho tôi tự do đích thực của con cái Chúa. Cầu nguyện giúp tâm trí tôi nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu. Cầu nguyện để giúp tôi vững lòng trông cậy vào lòng thương xót Chúa. Cầu nguyện là phương thế chay tịnh hãm dẹp những dục vọng thân xác để nuôi dưỡng tâm hồn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình.
Hãy khiêm tốn thật lòng như người thu thuế, Chúa cần những tâm hồn trung thực và thật tâm như vậy, bởi vì tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của con người, chỉ cần con người thống hối ăn năn thì dù tội có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông.