Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
ĐỨNG VỀ “PHE” CỦA CHÚA GIÊ-SU
7.3Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mùa Chay
Gr 7:23-28; Tv 95:1-2,6-7,8-9; Lc 11:14-23
ĐỨNG VỀ “PHE” CỦA CHÚA GIÊ-SU
Khởi đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giê-su đã được Chúa Thánh Thần dẫn vào trong sa mạc để chịu quỷ cám dỗ và sau khi đã tìm mọi cách cám dỗ Người, quỷ đã bỏ đi và chờ đợi thời cơ khác (x. Lc 4,1-13). Cuộc chiến giữa Chúa Giê-su và Sa-tan nơi sa mạc vẫn tiếp tục xảy ra trong cuộc đời rao giảng của Chúa và cụ thể trong bài Phúc Âm hôm nay, Người đã trừ một tên quỷ câm.
Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay đã dùng chính ngón tay Thiên Chúa để trừ một tên quỷ câm, đồng thời Ngài cũng tỏ cho con người biết “Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa họ” (x.c.20).
Thế nhưng, những người lãnh đạo Do thái đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa đang ẩn hiện nơi con người Đức Giêsu. Họ đã đồng hoá Ngài với quỷ vương Bêendêbun. Bởi lẽ lòng chai dạ đá của họ đã ngăn cản không cho họ nhận biết Thiên Chúa và sức mạnh vô song của Ngài.
Có lẽ trong mỗi chúng ta cũng đã hơn một lần lãnh đạm trước tình yêu Thiên Chúa; khô khan cứng lòng trước quyền năng Ngài đang hoạt động trong chúng ta và trên thế giới. Tâm hồn chúng ta khi đó đầy dẫy những vướng bận của trần thế, của lo toan và những bon chen muôn mặt . . . Rồi những tên quỷ câm vô hình đã thừa cơ hội để tấn công và chiếm đoạt chúng ta.
Đức Giêsu ngày càng uy tín trước mặt dân chúng vì những việc tốt đẹp và lời dạy khôn ngoan của Ngài, khiến dân chúng tôn vinh Ngài là một tiên tri vĩ đại. Vì thế, những Luật Sĩ và Phairisêu bối rối, hoang mang và sinh lòng ghen tuông, tức tối đối với Ngài.
Họ đã dùng đến trò thâm hiểm nhất để bêu rếu và mục đích nhằm hạ gục Đức Giêsu khi nói là Ngài “nhờ tướng quỷ để mà trừ quỷ”.
Khi gán cho Đức Giêsu như thế, họ muốn nói với dân rằng: Đức Giêsu là người thuộc về thế giới của ma quỷ. Khi Ngài đã thuộc về ma quỷ, thì lẽ đương nhiên không nên tin vào con người này cũng như những lời dạy dỗ của Đức Giêsu.
Đây là một phương pháp triệt hạ đối phương bằng cách đánh vào uy tín.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đặt ngược lại vấn nạn với hai câu hỏi để lật tẩy trò đê hèn của chúng, Ngài hỏi:
“Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”; và: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ?”!
Khi hỏi như thế, Đức Giêsu một mặt cho thấy lý chứng của những Luật Sĩ và Pharisêu tự mâu thuẫn, khập khiễng, không ăn khớp với nhau, bởi vì cứ theo lập luận của họ, thì phải chăng một nước mạnh lại dùng chính kẻ mạnh để tiêu diệt kẻ yếu cùng đồng minh với mình hay sao? Hay nếu Quỷ Vương cho mượn quyền lực của hắn để tiêu diệt tay chân của hắn thì nước đó đã đến thời mạt vận?
Trong đời sống của chúng ta hôm nay nhiều khi rơi vào tình trạng của những Luật Sĩ và Pharisêu khi sử dụng những chiêu thức bỉ ổi là nói hành, nói xấu để bôi nhọ thanh danh tiếng tốt của anh chị em mình.
Giúp con người thoát khỏi sự ràng buộc của thế lực sự dữ và ban cho họ đời sống mới là sứ mạng của Chúa Giê-su nơi trần gian. Sa-tan đã chiến thắng tất cả mọi người khi đã cám cám dỗ thành công con người đầu tiên là A-đam. Và từ thời điểm này, Sa-tan trở thành “một người mạnh được vũ trang đầy đủ” để canh giữ của cải – là những linh hồn đã bị nó chiếm hữu. Nhưng Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, giờ đây là “người mạnh thế hơn” đã đến trần gian để chiến thắng Sa-tan và tước bỏ mọi vũ khí của nó. Với cái chết và sự phục sinh của Người, sự dữ đã bị đánh bại hoàn toàn và con người được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, phục hồi phẩm giá đã bị mất xưa kia và được ban ân huệ để bước vào Vương Quốc dành cho những người con của Thiên Chúa.
Cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô trở lại trong vinh quang, cuộc chiến đấu với Sa-tan còn tiếp diễn khi mà con người vẫn đang gặp phải những cám dỗ và lôi cuốn để làm sự dữ. Nhưng bây giờ Sa-tan chỉ có thể bủa vây xung quanh mà không có khả năng làm hại tới những người đã thuộc về Đức Ki-tô cách trọn vẹn. Vì thế mỗi người chúng ta được mời gọi đứng hoàn toàn về phía của Chúa. Giữa Sa-tan và Chúa, chúng ta chỉ được chọn một như lời Người đã khẳng định: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (c. 23). Ước gì, trong mùa Chay thánh này, mỗi chúng ta hãy nhìn nhận những lầm lỗi, thiếu sót của mình và thân thưa với Chúa rằng: “Xin cứu con thoát khỏi địch thù, lạy Chúa, bên Ngài con trú ẩn” (Tv 143,9).
Lời Chúa hôm nay đang mời gọi và thức tỉnh chúng ta, hãy mạnh dạn và can đảm dứt khoát với những quyền lực của sự dữ, để cải hoán con người và biến đổi cuộc sống. Thiên Chúa tình yêu đang mở rộng vòng tay yêu thương từ ái để đón nhận chúng ta trở về với Ngài. Chúng ta đáp lại tiếng yêu của Ngài thế nào đây?
Vâng, mùa chay cũng chính là thời gian của triều đại Thiên Chúa, là thời gian của cầu nguyện, chay tịnh và sám hối, giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ qua cuộc tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô.
Chúng ta cần cầu nguyện để có đủ ơn Chúa Thánh Thần mà nhận ra tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Cầu nguyện để khám phá ra thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Cầu nguyện để lắng nghe và đáp lại lời mời gọi của Chúa, Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ. Nhờ thế, nhiều con chiên đang tản mác muôn phương được quy tụ về mái nhà Cha để được chung chia niềm hạnh phúc vĩnh cửu.