Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Giới thiệu Chúa cho anh em
5.1 Thánh Gioan Neumann, Gm
1 Ga 3:11-21; Tv 100:1-2,3,4,5; Ga 1:43-51
Giới thiệu Chúa cho anh em
Gioan Nepomucene Neumann sinh ngày 28 tháng 3 năm 1811 tại Prachititz, Bohemia (Czech Republic). Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng tượng rằng Bohemia dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín. Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Ðể theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ. Ở Nữu Ước, thầy John được thụ phong linh mục ngày 28 tháng 6 năm 1836. Cha Gioan là một trong 36 linh mục trông coi 200,000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước, kéo dài từ Hồ Ontario đến Pennsylvania. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.
Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và đã ngài gia nhập dòng Chúa Cứu Thế tại Pittsburgh, Pennsylvania năm 1840, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi.
Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm làm giám mục Philadelphia. Việc đầu tiên khi làm giám mục là ngài tổ chức trường Công Giáo trong giáo phận. Là một nhà tiên phong trong việc giáo dục, ngài nâng số trường Công Giáo từ con số đơn vị lên đến 100 trường.
Ðức Giám Mục Gioan không bao giờ lãng quên sự lưu tâm đến dân chúng — đó là điều làm giới trưởng giả ở Philadelphia khó chịu. Trong một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Ðức Gioan khôi hài, “Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy chưa!”
Khả năng biết tiếng ngoại quốc đã đưa ngài đến Hoa Kỳ thì nay lại giúp Ðức Gioan học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Ðức để nghe giải tội bằng sáu thứ tiếng. Khi phong trào di dân người Ái Nhĩ Lan bắt đầu, ngài lại học tiếng Gaelic và sành sõi đến nỗi một bà Ái Nhĩ Lan cũng phải lầm, “Thật tuyệt là chừng nào khi chúng ta có được vị giám mục người đồng hương!”
Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Ðức, đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy sũng nước, ngài trả lời, “Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được.”
Đức Gioan Neumann qua đời ngày 05 tháng 1 năm 1860 vì tai biến mạch máu nảo tại nhà số 13th và Vine Streets, Philadephia, Pennsylvania, USA, khi mới 48 tuổi. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và sở học cũng như các trước tác tôn giáo và bài giảng.
Đức Giáo Hoàng Paul VI đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 13 tháng 10 năm 1963 rồi mười bốn năm sau chính Đức Thánh Cha đã nâng Đức Giám Mục John Neumann lên hàng hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1977. Ngài là Giám Mục người Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh.
Cuộc đối thoại giữa Philipphê và Nathanaen là cuộc trò chuyện giữa hai người bạn. Philipphê khoe với bạn của mình về tung tích của Đấng Cứu Thế là “con ông Giuse, người Nadaret”. Trước niềm vui mừng của Philipphê, Nathanaen lại tỏ ra không quan tâm, vì ông cho rằng, Nadaret là vùng quê nghèo và hẻo lánh thì làm gì có chuyện Đấng Mêsia lại xuất thân ở đó. Thế nhưng, Philipphê không hề tỏ vẻ tức giận hay cãi lại, mà rất bình tĩnh và trả lời: “Hãy đến mà xem”.
Tin Mừng hôm nay tường thuật ơn gọi của Philíp và Nathanael:
Philíp là người môn đệ thứ tư (3 ông trước là Gioan, Anrê và Phêrô). Ông “là người thành Bếtsaiđa, quê quán của Anrê và Phêrô”. Chúa Giêsu gọi ông trực tiếp.
Sau khi được Chúa gọi, Philíp đã đến gặp Nathanael và giới thiệu Chúa cho ông này. Nathanael là người thường “ở dưới cây vả”. Kiểu nói “ở dưới cây vả” có nghĩa là người thích tìm hiểu Thánh Kinh. Nathanael tìm hiểu Thánh Kinh, nhưng bị giam hãm trong những thành kiến cũ nên không tin rằng từ Nadarét có thể xuất hiện một thứ gì hay được. Nhưng rất may là Chúa Giêsu đã trực tiếp đến với ông, tỏ cho ông thấy Ngài đúng là một ngôn sứ, nên cuối cùng Nathanael cũng đi theo làm môn đệ Ngài.
“Philíp gặp Nathanael và nói với ông: ‘Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp’.”: Tường thuật của Gioan về ơn gọi những môn đệ đầu tiên cho thấy Chúa thường gọi qua trung gian: Gioan và Anrê được gọi qua trung gian của Gioan Tẩy Giả, Phêrô được gọi qua trung gian Anrê, và Nathanael qua trung gian của Philíp. Trung gian mà Chúa dùng có thể là một người mà cũng có thể là một sự việc, một biến cố nào đó.
Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?”: Mặc dù đã từng “ở dưới cây vả” mà nghiền ngẫm Sách Thánh nhưng Nathanael không tìm gặp được Đấng Cứu Thế, bởi ông mang nặng thành kiến, thành kiến về địa danh Nadarét tầm thường nhỏ bé.
Không thể dùng thành kiến mà đánh giá con người hay vấn đề được, bởi vì thành kiến chỉ là một nhận định cục bộ từ một vài trường hợp cá biệt. Không phải vì đã có một vài trường hợp đã xảy ra như thế rồi kết luận rằng tất cả mọi trường hợp đều sẽ phải xảy ra như thế.
Thế nhưng con người lại rất dễ nhiễm thành kiến và thường xét đoán theo thành kiến. Có lẽ tôi cũng thế khi có thành kiến với người khác.
Mỗi chúng ta, rất có thể đã từng là Nathanael của năm xưa. Cho dù là khi ta phải vất vả long đong với cơm áo gạo tiền, hay ngược xuôi trong trách nhiệm với tha nhân, kể cả khi phải dấn thân cho lý tưởng cộng đồng,… thì cái chất, cái cá tính Nathanael vẫn phảng phất ẩn hiện đâu đó trong nếp nghĩ, trong lối sống, trong khát vọng của ta. Liệu tôi, bạn và anh chị có gặp được Ngài, có cho Ngài cơ hội để gặp được chúng ta, có chấp nhận thiết lập mối tương giao yêu thương với Ngài ?
Bởi vì, dù muốn dù không, đức tin mách bảo và nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: Chỉ với Chúa, trong Chúa, nhờ Chúa và vì Chúa, ta mới tìm được lời giải đáp cho mọi trăn trở vật vã phận người. Bởi vì, Ngài luôn thấy rõ, biết rõ từng ngõ ngách đời ta.
Ước gì từng khoảnh khắc đặt mình trước Lời Chúa và trong từng bước chân loan báo Tin Mừng, ta biết mở trí, mở tâm và mở tay ra đón Chúa. Nhớ đó Ngài có thể làm cho bừng sáng, cho mới mẻ, cho ý nghĩa, cho hồi sinh cuộc sống và sứ vụ của ta.