skip to Main Content

Ai nấy được no nê

Ngày 6 tháng 12

Màu tím. Thứ 4, tuần 1, Mùa Vọng. Các bài đọc: Is 25,6-10a; Mt 15,29-37. Thánh Nicôla, Giám mục (màu trắng).

Ai nấy được no nê

Thánh Nicôla là một tu sĩ đạo Thiên Chúa. Ngài sống vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên tại thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thánh Nicôla sinh ra trong một gia đình giàu có và sùng đạo Thiên Chúa. Cha mẹ của ông đã dạy ngài về lòng mến Chúa, sự quảng đại, bác ái… Chẳng may, cha mẹ của ngài bị chết vì bệnh dịch trong lúc ngài còn nhỏ. Theo lời dạy của Chúa Giê-su, Nicola đã dùng số tiền cha mẹ để lại giúp đỡ người nghèo và bệnh tật.

Ngoài ra, vì là một người sùng đạo nên Thánh Nicôla đã hiến thân phục vụ Giáo hội. Ông nhanh chóng được yêu mến vì lòng hảo tâm và được bầu làm Giám mục khi còn rất trẻ.

Suốt cuộc đời của mình, thánh Nicola đã cứu chữa nhiều người nghèo bệnh tật. Đặc biệt, mỗi dịp Giáng sinh, ông dành nhiều món quà, đồ ăn, đồ chơi… cho các trẻ em.

Dưới sự cai trị của hoàng đế Diocletianô, những người theo đạo Thiên Chúa người bị bắt bớ và đối xử tàn nhẫn. Thánh Nicôla cũng bị bắt, bị tra tấn và bỏ tù. Một thời gian sau, hoàng đế Constantinô lên ngôi. Ông cho khôi phục đạo Thiên Chúa và tha bổng tất cả những người từng bị bắt. Lúc ấy, thánh Nicôla được ra tù và trở lại làm giám mục.

Một số nguồn tin cho rằng thánh thánh Nicôla mất vào ngày 6 tháng 12 năm 343 tại Myra. Thi thể Ngài được chôn trong nhà thờ. Ngày mất của Ngài đã trở thành một ngày lễ kỷ niệm quan trọng trong đạo Thiên Chúa.

Sau khi chữa lành con gái người đàn bà Canaan, Đức Giêsu cùng các môn đệ lên một ngọn núi ở ven biển hồ Galilê. Ở đó, Ngài tiếp đón và quy tụ nhiều người ở khắp nơi. Họ mang đến cho Người nhiều bệnh nhân và Ngài đã chữa lành họ. Trước cảnh đoàn lũ dân chúng bơ vơ không có người chăn, Ngài chạnh lòng thương và ban lương thực nuôi sống họ.

Đức Giêsu lên núi, dân cúng lũ lượt kéo lên nghe Người giảng, và mang theo nhiều bệnh nhân để xin cứu chữa. Chúa chữa họ khỏi hết: câm được nói, què đi được, mù được thấy… nên mọi người hết sức cảm phục và ngợi khen Chúa.Trước cảnh đoàn lũ dân chúng bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt, họ lại đói khát vì theo Chúa nghe giảng dạy ba ngày rồi mà không có gì ăn. Ngài chạnh lòng thương và ban lương thực nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều từ bảy chiếc bánh và mấy con cá, nuôi bốn ngàn người không kể đàn bà và con trẻ. Khi ăn xong các môn đệ lại thu được bảy thúng bánh vụn.

Đức Giêsu bảo các môn đệ hãy lo cho họ ăn, nhưng trong hoang địa thế này làm sao các ông có thể lo cho họ ăn được! Các ông cảm thấy hoàn toàn bất lực. Đúng thế, Chúa có ý cho thấy sự bất lực của các ông trước khi Người làm phép lạ. Để rồi từ đó, qua phép lạ tỏ tường, các ông nhìn ra con người thật của Ngài và sẽ trung thành tin theo Ngài.

Trước phép lạ này, chúng ta thấy có hai phản ứng khác nhau giữa Chúa và môn đệ:

Phản ứng của các môn đệ là “Xin Thầy cho đám đông về, để họ… kiếm thức ăn”: phản ứng theo lý (các môn đệ không có trách nhiệm lo cho dân chúng ăn), và mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa thì họ cũng phải tự lo thức ăn).

Phản ứng của Đức Giêsu là “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó, Đức Giêsu làm cho bánh ra nhiều: phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.

Chúa hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Hỏi như thế là Chúa muốn các môn đệ dâng cho Người những gì mình có, để Chúa biến thành sức sống chăm sóc dân chúng. Chúa muốn người tông đồ dâng cho Người những gì mình có dù nhỏ bé hèn mọn, để Chúa biến thành của ăn tinh thần nuôi dưỡng dân chúng.

Các môn đệ thưa: “Có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15,34).

Hằng ngày chúng ta vẫn thấy nào là trẻ em bụi đời, những kẻ bán máu, nào là những kẻ bệnh hoạn, tật nguyền. Tất cả những điều ấy làm chúng ta nhức nhối, và càng nhức nhối hơn khi nghĩ đến khả năng nhỏ bé của mình. Chúng ta như hoàn toàn bất lực trước những nhu cầu lớn lao ấy.

Thế mà với 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ của ai đó dâng tặng, Đức Giêsu đã làm cho hàng ngàn người được no nê. Chúa chỉ cần một đóng góp nhỏ của chúng ta để làm nên những việc lớn lao. Chẳng lẽ chúng ta nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ ? Chẳng lẽ chúng ta không có được một lời chào, một nụ cười, một lời hỏi thăm, một lời khuyên…

Nếu chúng ta sẵn sàng trao tặng thì tất cả những khả năng nhỏ bé này, nhờ ơn Chúa, chắc chắn sẽ đem lại niềm vui, tình thương, và thậm chí cả niềm tin cho những người bất hạnh nghèo khổ

 

 

Back To Top