skip to Main Content

Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa

22.10 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm

Is 45:1,4-6; Tv 96:1-3,4-5,7-8,9-1011; Mt 22:15-21

Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa

Thời bấy giờ, dân Do Thái đang sống dưới ách thống trị của đế quốc Lamã. Có những kẻ cộng tác với đế quốc, thì ủng hộ việc nộp thuế. Nhưng cũng có những người muốn lật đổ ách thống trị, thì chống đối việc nộp thuế, bởi vì làm như thế chẳng khác nào nối giáo cho giặc.

Trong một bối cảnh như vậy, câu hỏi có nên nộp thuế cho César hay không, quả là một cái bẫy. Trả lời là có thì mất lòng dân. Còn trả lời là không thì sẽ bị kết án là chống đối nhà nước. Trước hết Chúa Giêsu bảo họ đưa cho mình xem đồng tiền La mã. Hành động này đẩy họ vào cái thế phải trả lời cho chính câu hỏi đã nêu ra, bởi vì mang trong người đồng bạc La mã là chấp nhận những sự ràng buộc của La mã. Tiếp đến hình và chữ ký trên đồng tiền này đã đem lại cho Chúa Giêsu một câu trả lời đầy lý tưởng: Của César hay trả cho César, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.

Với câu trả lời này, Chúa Giêsu không nề nhằm mục đích đưa ra nền tảng cho một học thuyết chính trị, cũng không hề có ý định tách biệt thế giới làm hai. Một thuộc về César, một thuộc vê Thiên Chúa. Ngài để việc này tuỳ cá nhân quyết định vì mỗi người phải giải quyết về những đối nghịch giữa Thiên Chúa và trần gian.

Là người Kitô hữu, chúng ta có hai quyền công dân đi đôi với nhau, sở dĩ như vậy vì chúng ta là công dân của hai thế giới, đó là thế giới trần gian và thế giới thiên quốc. Như vậy, chúng ta phải tôn trọng những đòi buộc của mỗi bên. Chính vì thế mà trong bức thư gởi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã khuyên nhủ: Hãy vâng phục các vị cầm quyền, hãy nộp cho họ những gì chúng ta mắc nợ. Mong rằng giữa hai quyền công dân này không bao giờ xảy ra những xung đột, nhưng luôn đi song song và bổ túc cho nhau, vì đạo chỉ đẹp khi ở trong đời và đời chỉ tốt khi ở trong đạo.

Thái độ của những người Do Thái đồng hương với Đức Giêsu đối với đế quốc Rôma rất khác nhau, tùy theo kế sách của họ phản ứng trước sự đô hộ như thế nào. Một số người thì muốn an phận, và chấp nhận nộp thuế để khỏi phiền hà, cho dù họ rất khó chịu. Một số khác bằng lòng nộp thuế vì họ coi nhà cầm quyền Rôma như là đại diện cho quyền bính của Thiên Chúa (xem Rm 13, 1-7; 1P 2, 13-17). Một số khác, theo phe thân vua Hêrôđê, sẵn lòng cộng tác với chính quyền Rôma, và được nhà nước bảo hộ trao ban những đặc quyền trong các tổ chức dân sự. Họ tự nguyện nộp thuế, không phản đối. Một số khác thì hoàn toàn tuyệt vọng, vì tiền thuế cao là một gánh nặng, khiến họ dễ lâm cảnh nợ nần, mất đất đai để sinh sống.     Khi không còn tiền để trả nợ, họ sẽ bị bán làm nô lệ (Mt 18, 23-25). Còn một nhóm khác lại nhất quyết không chịu nộp thuế, vì họ nghĩ tất cả mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa (Lv 25,23). Một ít thành phần thì hoàn toàn cự tuyệt chống đối, và bất hợp tác với đế quốc trong bất cứ vấn đề gì. Cũng có một số người cực đoan, ngấm ngầm hình thành nhóm ái quốc, quyết nổi dậy cướp chính quyền bằng vũ lực, lật đổ sự cai trị của đế quốc. Sử gia Josephus có nêu tên một vài lãnh tụ cách mạng, cầm đầu nhóm nổi dậy vào đầu thế kỷ thứ nhất, trong đó có Guiđa người Galilê (Cv 5,37) người đã nổi dậy chống nền đô hộ, đương nhiên chống cả việc nộp thuế, nhưng cuộc nổi dậy bị thất bại.

Khi đưa ra câu hỏi hóc búa này để vặn hỏi Đức Giêsu, người Pharisiêu muốn hạ uy tín Ngài. Nêú Ngài cổ vũ việc nộp thuế, có nghĩa là Ngài thỏa hiệp với ngoại bang, với kẻ thù của dân tộc, như vậy dân sẽ không còn tin Ngài là một ngôn sứ nữa. Các sứ ngôn luôn rao giảng về đường lối Thiên Chúa đối kháng với đường lối cầm quyền của đế quốc, của Xê-da. Nếu chủ trương như thế, uy tín của Đức Giêsu sẽ không còn. Còn nếu Ngài trả lời không phải nộp thuế, Ngài tự đặt mình vào tình huống rất nguy hiểm vì sẽ bị nhà cầm quyền Rôma sờ gáy ngay lập tức.

Giữa hai trạng huống này, Đức Giêsu đã tìm ra một giải pháp. Đồng tiền thuộc về hoàng đế Xê-da, hãy trả về cho Xê- da. Rồi quay về Thiên Chúa, Ngài nói với đám đông, tất cả mọi sự phải quy hướng về Thiên Chúa. Những gì thuộc về Thiên Chúa, phải trả về cho Thiên Chúa. Đối với những người tin, thì tất cả mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, không chừa cái gì. Thế rồi, Đức Giêsu phóng một tầm nhìn để tương đối hóa những quyền bính trần gian, khi Ngài nhấn mạnh rằng chỉ Thiên Chúa mới là Đấng tối cao, nắm quyền trên mọi sự. Câu trả lời khôn ngoan của Đức Giêsu khiến những kẻ chống đối và muốn gài bẫy Ngài rất kinh ngạc. Họ câm họng không nói được gì, và đợi chờ một dịp khác để bắt bí Ngài.

Trong Tin Mừng, những người chất vấn Đức Giêsu nêu ra câu hỏi không phải với dụng ý ngay chính và thật lòng. Họ chỉ muốn gài bẫy để ám hại Ngài. Dẫu sao, trình thuật cũng có thể gợi ý cho các Kitô hữu thời nay biết cách ứng xử, khi phải đối mặt với một chính quyền có những hành động đi ngược thánh ý của Thiên Chúa và thiết định những luật lệ về luân lý trái nghịch với lương tâm Công giáo.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta quy hướng về nước Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Ngài trong câu trả lời về bổn phận đối với Thiên Chúa và đồng thời cũng phải chu toàn nghĩa vụ trần thế, mời gọi chúng ta trước tiên phải luôn hướng vọng về Thiên Chúa, và đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng trong cuộc đời chúng ta.

Lời Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy dấn thân nhiều hơn nữa, đặt Chúa vào chỗ nhất trong cuộc sống của mình, đặt Chúa vào chỗ nhất trong mọi sinh hoạt xã hội của mình. Tất cả mọi biến cố, tất cả những gì chúng ta đang thừa hưởng là đến từ Thiên Chúa và đều do tình yêu thương của Ngài trao ban.

 

Back To Top