Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Mang lời Chúa đến mọi nơi
18.10 Thánh Luca, Thánh Sử
Rm 2:1-11; Tv 62:2-3,6-7,9; Lc 11:42-46
Mang lời Chúa đến mọi nơi
Theo các nhà Kinh Thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta hai tác phẩm: một là cuốn Tin Mừng thứ ba và hai là sách Tông Đồ Công Vụ.
Qua các tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc. Ngài đã hết lòng ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa. Qua những truyện như: Người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành… chúng ta thấy đuợc phần nào chủ ý của thánh nhân khi ngài muốn trình bày cho chúng ta thấy một cách cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa.
Tin Mừng thánh Luca cũng là Tin Mừng về đời sống cầu nguyện. Ngài đặt trước mắt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Chúa chịu phép rửa, trước khi khi chọn môn đệ, trước khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn Giệtsimani và cả trên thánh giá.
Tin Mừng của ngài là Tin Mừng cho những người bị áp bức. Không Tin Mừng nào làm cho chúng ta có thể thấy được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Tin Mừng thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn… Không một Tin Mừng nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.
Tin mừng của thánh Luca là Tin Mừng của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàng bạc trong Tin Mừng của ngài, có rất nhiều chỗ nói về niềm vui như loan báo tin vui cho Zacharia, truyền tin cho Maria. Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh…Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui nân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem. Ðúng như Harnack đã nói: “Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót.”
Tin Mừng của thánh Luca còn được gọi là Tin Mừng của những người phụ nữ bởi vì không Tin Mừng nào vai trò của người phụ nữ được nhắc tới với một lòng kính trọng như Tin Mừng của thánh Luca. Những câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt như những chị em phụ nữ đi theo phục vụ Chúa Giêsu và tông đồ đoàn chỉ có thể tìm thấy trong Tin Mừng của thánh Luca.
Sau hết, khi trình bày, thánh Luca như cố ý cho chúng ta thấy những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa cũng như để đuợc gia nhập Nước Trời. Những điều kiện đó là đức tin, lòng khiêm nhường, thống hối, dám chấp nhận những khó khăn, biết sống bác ái và kiên trung trong đau khổ.
Cũng như Tin Mừng, cuốn Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống truyền giáo của các tông đồ và đời sống của Giáo Hội lúc sơ khai. Đây cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội. Đọc sách Công vụ chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động đuợc bùng phát lên từ sự nhận biết Thiên Chúa của các tín hữu đầu tiên, và rồi kết quả sau đó là một cuộc sống được định hướng bằng tình bác ái chân thực, bằng tinh thần hy sinh xả kỷ, cũng như bằng bầu khí cầu nguyện, bằng sự hiệp nhất cao độ, lòng hợp lòng, với một đức tin, và một tình yêu duy nhất để hình thành nên những cộng đoàn thánh thiện giữa các tông đồ và những người tin Chúa của Giáo hội sơ khai.
Đọc Tin Mừng thứ ba và Công vụ tông đồ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp. Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ. Thánh nhân tỏ ra rất nghệ thuật trong việc bố cục câu chuyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình, chẳng hạn dụ ngôn người con người phung phá và câu chuyện hai người du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy.
Hơn thế, thánh Luca còn là một người rất sành tâm lý. Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Tin Mừng cũng như trong các dụ ngôn những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với điạ vị riêng của họ. Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chữ trọn hảo địa vị Cứu thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi. Chúa tự hiến mình trên thập giá để tẩy xóa mọi tội trần và thông ban ơn sủng đời sống mới cho các tâm hồn.
Ngày nay thánh Luca là quan thầy của các lương y và bác sĩ. Ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung Đức Mẹ đầu tiên mà nay chúng ta quen gọi là ảnh “Đức Mẹ hằng cứu giúp”.
Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính lễ thánh Luca vào ngày 18.10 mỗi năm.
Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng ta được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như người để chúng ta đem tin lành cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.
Luca, “người thầy thuốc yêu quý” là bạn đồng hành của thánh Phaolo và cũng là tác giả sách Tin Mừng, trong sách này người đã trình bày lòng nhân hậu của Chúa Kitô rõ ràng hơn ai hết. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương như người, Tin Mừng trở thành bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui tươi và lạc quan phấn khởi. Luca là người tông đồ được Chúa sai đi vào cánh đồng truyền giáo giống như bảy mươi hai môn đệ được sai đi trong đoạn Tin Mừng Lc 10,1-9 .
Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu khuyên bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này, Thầy sai anh em đi như chiên con ở giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường…”
Trước khi ra đi, Người môn đệ phải cầu nguyện và có sự chuẩn bị. Hành trang của các môn đệ được sai đi phải rất đơn giản. Cần tránh những lời chào hỏi, những cuộc trò chuyện thường hay kéo dài, theo thói tục người Đông Phương, vì sứ điệp mang đến cho dân là một cái gì rất khẩn thiết.
“Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà người ta đón tiếp, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.” Chúa mong muốn cho các sứ giả thừa sai của Người không bận tâm về cách được tiếp đón và những tiện nghi vật chất, và hoàn toàn dấn thân cho sứ mạng truyền giáo của họ. Sự gần gũi sẽ giúp cho người môn đệ dễ dàng hoàn thành sứ mạng của mình. Đây cũng chính là điều mà Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong chuyến hành hương Ad Limina 2018 vừa qua.
Sứ điệp mà các môn đệ mang đến cho dân chúng là sự bình an, và loan báo Nước Thiên Chúa đã gần đến. Đó cũng chính là việc đem niềm vui, ơn chữa lành đến cho muôn dân: “Hãy chữa lành những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Như thế, người được Chúa sai đi là người của sự bình an, của công lý và hòa bình.
Mang sứ điệp lời Chúa đến với tha nhân : đó là sứ mạng của người môn đệ. Để hoàn thành sứ mạng đó, người môn đệ cần sống tinh thần đơn sơ, phó thác, luôn biết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa để dấn thân cho công lý và hòa bình. Các thánh Tông Đồ đã sống tinh thần ấy và đã trở thành nền tảng của Giáo Hội. Xin cho Hội Thánh ngày càng có nhiều người trẻ dấn thân phục vụ cho công lý và hòa bình để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.