skip to Main Content

Huyền nhiệm của Tình Yêu

14.9
Tôn Vinh Thánh Giá

Cl 3:12-17; Tv 150:1-2,3-4,5-6; Lc 6:27-38

Huyền nhiệm của Tình Yêu

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Suy tôn Thánh giá. Thánh giá là một nghịch lý trong đạo Thiên Chúa giáo nói chung và đạo công giáo nói riêng. Một đàng thánh giá là nguyên nhân thất vọng, tai họa và sự chết. Đàng khác Thánh giá mang lại nguồn hy vọng, toàn thắng và sự sống.

Trước khi Đấng Cứu thế đến, thánh giá là hình phạt khiếp sợ cho tội nhân. Bị coi là một tội nhân nên Đức Giêsu phải chịu đóng đinh trên thánh giá với hai người trộm cướp. Ngày nay Thánh giá đã trở nên dấu hi vọng và toàn thắng cho người Kitô giáo. Đó chính là điều mà thánh Phaolô đã khẳng định: Rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh, điều mà người Do thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hi lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,23-24).

Tin Mừng hôm nay nhắc đến một việc khủng khiếp xẩy ra cho dân Chúa trong sa mạc trên đường tìm về đất hứa. Khi dân chúng phàn nàn, kêu trách Chúa vì họ thiếu đồ ăn, nước uống, Chúa phạt họ bằng cách cho rắn độc đến cắn. Rồi với lòng thương xót, Chúa lại truyền cho ông Môsê làm cây gậy đồng để cứu chữa họ. Bất cứ khi nào ai bị rắn cắn, mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa khỏi (Ds 21,4b-9). Chúa Giêsu coi việc treo con rắn đồng trong sa mạc là dấu chỉ Người sẽ bị treo trên thập giá để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,15). Thánh Phaolô cũng đã rao giảng về Đức Kitô chịu đónh đanh cho tín hữu Phi-líp-phê: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,8).

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Như vậy theo Thánh kinh thì ơn cứu độ đến với loài người qua thánh giá và phục sinh. Thánh giá và phục sinh của Đức Kitô không thể nào tách rời được. Không có thánh giá, không thể có phục sinh. Không có phục sinh, không thể có sự sống vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao Giáo Hội có thể nói đến sự toàn thắng của thánh giá trong nền tảng thần học của thánh giá.

Thánh Gioan dùng hình ảnh con rắn đồng Môsê treo lên, những ai bị rắn độc cắn nhìn lên rắn đồng sẽ được chữa khỏi. Đức Kitô bị treo lên thánh giá đem lại ơn cứu độ cho những người nhìn lên Người với lòng cậy trông, sẽ nhận biết Người là con Thiên Chúa. Người trộm lành, môn đệ Gioan, viên sĩ quan Rôma, ông biệt phái Nicôđêmô, ông Giuse Arimathia, nghị viện hội đồng, đây là những vị được vây quanh Thánh Giá Đức Giêsu, mọi sự đã lìa những vị này, chỉ có một người liên kết với các vị ấy là Đức Giêsu trên thập giá.

Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết những mầu nhiệm của Thiên Chúa: Đức Giêsu là Người tôi tớ đã chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang xuất hiện từ thập giá, một nghịch lý của mặc khải Kitô giáo tại thế này. Thiên Chúa đã hạ mình thấp hèn trong Đức Giêsu, để mặc khải những sự lạ lùng hơn tất cả mọi quyền năng của thế gian này và nhờ thế đã giải thoát chúng ta khỏi thế gian này.

Trong khi nhìn lên thánh giá, chúng ta cảm tạ Chúa Cha, Ngài đã ban Con Ngài cho chúng ta, và chúng ta nhận ra ý nghĩa đời sống của chúng ta:

Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, chúng ta biết đặt mình trước mặt Đức Kitô trên thánh giá. Chúng ta muốn chiêm ngắm Chúa, thì hãy nhìn lên thánh giá, Ngài sẽ hiện ra cho chúng ta nhìn ngắm, nhờ cái nhìn này chúng ta được cứu độ.

Hôm nay Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu Mầu Nhiệm Thập Giá trong đời sống Đức Tin của chúng ta. Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars bên Pháp, đã nói: “Thập giá là quyển sách cao siêu nhất… Chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm quyển sách này, những người đó mới thật sự là người thông thái”. Thập giá Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất, bởi vì, đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu. “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu”.

Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất của con người đã có thể nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình Yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu dâng hiến cho nhân loại…

Suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta được đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Chúa. Trong Mầu Nhiệm ấy, cuộc sống của chúng ta không còn bị đè bẹp dưới sức nặmg của những đau khổ nữa, nhưng luôn mang lấy một ý nghĩa: đó là ý nghĩa của Tình Yêu.

 

 

Back To Top