skip to Main Content

Quả phúc bởi lòng ông bà

26.7 Thánh Joachim và Anna, thân phụ mẫu Đức Mẹ

Xh 16:1-5,9-15; Tv 78:18-19,23-24,25-26,27-28; Mt 13:1-9

Quả phúc bởi lòng ông bà

Thánh Gioakim và Thánh Anna là song thân của Đức Mẹ, tức là Ông Bà Ngoại của Chúa Cứu Thế Giêsu.  (Xin được mở ngoặc: Có một số người thường viết lộn hoặc đọc sai là Gioan-kim).

Tên Gioakim được tạo bởi chữ YHWH (tiếng Do thái: יְהוֹיָקִים Yəhôyāqîm, tiếng Hy Lạp: Ἰωακείμ Iōākeím), nghĩa là “sự chuẩn bị của Gia-vê”.

Thánh Gioakim là Phu quân của Thánh Anna và là Thân phụ của Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ của Chúa Giêsu, theo truyền thống Công giáo Rôma, Chính Thống giáo, và Anh giáo.  Câu chuyện về Thánh Gioakim và Anna xuất hiện lần đầu tiên ở ngụy thư Phúc Âm thánh Giacôbê.  Thánh Gioakim và Thánh Anna không được nhắc tới trong Kinh Thánh.

Hai Ông Bà được Giáo hội kính nhớ vào ngày 26 tháng Bảy hằng năm.  Đây là ngày lễ của những người đã làm ông bà (nội hay ngoại).  Lễ này nhắc nhớ quý ông bà nội ngoại về trách nhiệm xây dựng các thế hệ tương lai, phải tạo truyền thống gia phong lễ giáo như phần di sản đạo đức làm của hồi môn cho cháu chắt.  Tuy nhiên, lễ này cũng là lời nhắn nhủ dành cho thế hệ trẻ: Phải tôn kính người lớn hơn mình, nhất là những người già, phải biết trải nghiệm, đánh giá cao cuộc sống chứ không được coi nhẹ hoặc làm ngơ.

Gia phả của Chúa Giêsu trong Phúc Âm thánh Matthêu và Luca không nói rõ tên cha mẹ của Đức Maria, nhưng có liệt kê tên người cha của thánh Giuse, nhiều học giả trong nhóm của John ở Damascus (thế kỷ 8), và đặc biệt là các học giả Tin Lành, tranh luận rằng gia phả trong Phúc Âm theo thánh Luca mới đúng là phả hệ của Đức Mẹ, và Heli là cha.  Để giải quyết vấn đề thánh Giuse có hai người cha – một thuộc dòng dõi Vua Salomom, hậu duệ của Nathan, con Vua Đa-vít, truyền thống từ thế kỷ 7 xác định rằng Heli là anh em họ đầu tiên của Thánh Gioakim.

Theo truyền thống, Bà Anna sinh tại Belem, kết hôn với Ông Gioakim người Nadaret, cả hai đều là dòng dõi thánh vương Đa-vít.  Trong Protoevanggelium của thánh Giacôbê, thánh Gioakim được mô tả là người giàu có và đạo đức, thường giúp đỡ người nghèo và tới Đền thờ tại Sepporis.  Truyền thống nói rằng cha mẹ của Đức Maria mới đầu sống ở Galilê, sau đó định cư ở Giêrusalem.  Tuy nhiên, Bà Anna là phụ nữ son sẻ, ông Gioakim bị các thầy thượng tế sa thải và từ chối lễ vật hy sinh của ông, vì việc Bà Anna không có con được hiểu là việc không đẹp lòng Chúa.  Ông Gioakim rút vào hoang địa để ăn chay và đền tội 40 ngày.  Lúc đó các thiên thần hiện ra hứa với Ông Bà Gioakim và Anna là sẽ có con nối dõi.  Sau đó, ông Gioakim trở lại Giêrusalem và đón bà Anna tại cổng thành.  Có niềm tin cổ cho rằng đứa con sinh bởi người mẹ già là đã được tiền định về điều gì đó kỳ lạ.  Trong Cựu ước có trường hợp của Bà Hannah, Thân mẫu của Ngôn sứ Samuel.

Truyền thuyết liên quan Ông Bà Gioakim và Anna có trong “Cổ Tích Vàng” (Golden Legend) và vẫn phổ biến trong nghệ thuật Kitô giáo cho tới khi Công đồng Trentô xác nhận đó là các sự kiện ngụy tạo.

Phụng vụ theo lịch Tridentine không có lễ Thánh Gioakim.  Lễ này được thêm vào Công Lịch Rôma từ năm 1584, mừng vào ngày 20-3, ngay sau lễ Đức Thánh Giuse Phu quân Đức Mẹ.  Năm 1738, lễ này được chuyển sang Chúa nhật sau tuần bát nhật lễ Đức Mẹ Mông Triệu.  Với nỗ lực để Phụng vụ các Chúa nhật được cử hành, Đức Giáo Hoàng Piô X đã chuyển lễ này sang ngày 16 tháng Tám, sau lễ Đức Mẹ Mông Triệu, để Thánh Gioakim được kính nhớ trong khi cử hành cuộc khải hoàn của Đức Mẹ.  Trong lịch các thánh của Giáo hội Công giáo Rôma (năm 1969), lễ Thánh Gioakim được mừng chung với Thánh Anna vào ngày 26 tháng Bảy.

Giáo hội Chính thống Đông phương và Công giáo Hy Lạp kính nhớ thánh Gioakim và thánh Anna vào ngày 9 tháng Chín.  Thánh Gioakim và thánh Anna là thánh bổn mạng của các cha mẹ, các ông bà nội ngoại, những người kết hôn, những người đóng tủ và những người buôn vải.  Có một số biểu tượng gắn liền với thánh Gioakim: Cuốn sách hoặc cuộn giấy tượng trưng người dệt vải, chiếc gậy chăn chiên tượng trưng chữ nghĩa của Kitô giáo, và cái rổ đựng đôi chim bồ câu tượng trưng sự hòa bình.  Thánh Gioakim thường có trang phục màu xanh lá cây, màu của niềm hy vọng.

Trong Kinh thánh, hai thánh sử Matthêu và Luca cung cấp gia phả của Chúa Giêsu, cho thấy rằng Chúa Giêsu là đỉnh cao của Giao ước (những lời hứa).  Chúng ta không biết gì nhiều, ngay cả ông bà ngoại Gioakim và Anna cũng chỉ được nhắc tới sau khi Chúa Giêsu chịu chết được hơn 100 năm.

Đức tính anh hùng và sự thánh thiện của các ngài được suy ra từ bầu khí gia đình liên quan Đức Maria trong Kinh thánh.  Dựa vào truyền thuyết thời thơ ấu của Đức Maria hoặc suy đoán từ thông tin trong Kinh thánh, chúng ta thấy sự viên mãn của nhiều thế hệ của những con người cầu nguyện, chính Đức Mẹ đã say đắm cầu nguyện theo truyền thống tôn giáo.

Tính cách mạnh mẽ của Đức Maria thể hiện khi quyết định “xin vâng” (Lc 1:38), liên lỉ cầu nguyện, tuân thủ luật đức tin, sự vững vàng khi gặp khủng hoảng, và tận tụy với những người thân (Lc 1:39-45) – cho thấy gia đình gắn bó yêu thương, trông mong thế hệ kế tiếp duy trì những điều tốt đẹp nhất của quá khứ.

Ông Bà Gioakim và Anna biểu hiện các thế hệ khá lặng lẽ khi trung thành thực hiện trách nhiệm, sống đức tin và thiết lập môi trường tốt lành cho Đấng Thiên Sai tới.

Dẫu không biết nhiều về cuộc đời các ngài, nhưng theo suy luận tự nhiên của trí khôn con người, mà chính Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: “Xem quả thì biết cây”, chúng ta được thúc giục, kính phục, mến yêu và bắt chước gương lành của các ngài, để chúng ta biết để lại cho tha nhân những hoa thơm trái ngọt, nhờ đời sống tốt lành thánh thiện của chúng ta.

Chúa nói: “Mắt anh em thật có phúc, vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe”, chúng ta có cảm nhận được phúc mà Chúa Giêsu nói không? Thánh Gioakim và Anna dù không được chiêm ngắm công trình cứu độ, không được lắng nghe tiếng Đấng Cứu Thế, nhưng các ngài đã trung kiên trong niềm tin vào Chúa; đã cộng tác vào công trình cứu độ, khi sinh thành, dưỡng dục Mẹ Maria, để xứng đáng là Mẹ Đấng Cứu Thế.

Hôm nay, chúng ta đã được thấy và nghe Lời Chúa Giêsu, lời cứu độ, lời chân lý, chúng ta có sống tốt hơn các ngài, có trung kiên sống niềm tin vào Chúa, để cuộc sống ta mang lại hoa trái tốt lành cho môi trường sống không?

Mỗi người, mỗi gia đình chúng ta hãy kiểm điểm lại: chúng ta đã sinh ra được hoa trái nào cho lối xóm, cho cộng đoàn? Sách Huấn ca kêu mời chúng ta “hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những người đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng”. Người được Kinh Thánh ca ngợi, là những người “đạo hạnh” và để lại “công đức”, chứ không phải là những người quyền cao chức trọng ở thế gian, hoặc để lại những lăng tẩm, đền đài, cơ nghiệp sang giàu.

 

 

Back To Top