skip to Main Content

Thiên Chúa nhẫn nại

23.7
Chúa Nhật thứ Mười Sáu Mùa Quanh Năm

Kn 12:13,16-19; Tv 86:5-6,9-10,15-16; Rm 8:26-27; Mt 13:24-43; Mt 13:24-30

Thiên Chúa nhẫn nại

Bàn tay năm ngón, có ngón dài, có ngón ngắn. Thân xác con người dẫu có hoàn hảo đến mấy cũng luôn có những khiếm khuyết. Tương tự, trong Giáo Hội cũng như nơi xã hội bên ngoài, lúc nào cũng có người tốt và kẻ xấu sống đan xen, giống như một thửa ruộng có cả lúa tốt lẫn cỏ dại. Người đi gieo giống đâu có gieo cỏ, nhưng cỏ vẫn mọc và lớn lên. Chúa Giêsu đến trần gian và chiêu tập các môn sinh, nhưng trong 12 anh học trò thân thiết vẫn có một Giu-đa. Ngay trong lòng Giáo Hội cũng vậy, chúng ta thấy nhiều gương mẫu thánh thiện, nhưng cũng không thiếu những gương mù. Bởi vì chính ma quỷ gieo mầm sự ác vào trong cuộc sống con người. Vậy, chúng ta phải có thái độ thế nào trước thực trạng này.

Chúa vừa nói với chúng ta những lời dễ hiểu. Thế gian này là thửa ruộng có cỏ xấu mọc chen với lúa tốt, có người dữ sống lẫn với người lành. Hiện tượng này có thật; ai ai cũng thấy và nhiều khi làm khổ chúng ta.

Hơn nữa, nhiều lần chúng ta cũng giống như những người tôi tớ trong bài Tin Mừng, muốn xin lửa bởi trời xuống đốt sạch phường gian ác đi, để thế giới này được bình an và hạnh phúc hơn. Nhưng không hiểu sao một vấn đề xa xưa như vậy mà vẫn còn y nguyên từ đời này qua đời khác. Và khi ngoái cổ nhìn lại chỗ vừa nhổ xong, họ lại thấy cỏ xấu muốn mọc lên. Loài người muốn kêu lên Thiên Chúa để Người giúp đỡ. Nhưng họ chẳng tìm được an ủi nào, trừ những Lời mạc khải chúng ta vừa nghe đọc. Thế nên chúng ta cần thành kính đọc đi đọc lại những bài Thánh Kinh hôm nay để tìm thấy lẽ sống trước một vấn đề nan giải.

Lời Chúa ở đây rất sống động. Ðó là một màn kịch nhỏ, mau lẹ nhưng đầy ý nghĩa. Người ta thấy thái độ nông nổi của tôi tớ. Còn ông chủ thì chín chắn và thực tình muốn xây dựng. Ông chỉ đích danh tác giả gây ra cỏ lùng; nhưng đồng thời ông cũng muốn tôi tớ phải khiêm cung: này, ý tứ khi nhặt cỏ lùng, lỡ ra các anh lại nhổ lúa cả rễ một thể. Nghĩa là phán đoán của các anh chưa bảo đảm đâu. Hơn nữa các anh đừng quên bổn phận của các anh vì “hãy cứ để chúng mọc lên cả hai cho đến mùa gặt”. Giống tốt cũng phải mọc lên và sinh bông trái; nếu không, đến mùa gặt là ngày tận thế, giống tốt cũng chỉ là cỏ và khi ấy cũng sẽ bị bó lại để thiêu đi. Thật ra người ta không thu cỏ lùng trước đâu. Người ta thường chỉ gặt lúa mang về nhà. Còn rươm rạ sẽ cắt sau. Nhưng ở đây vì tôi tớ đang muốn biết về số phận của cỏ lùng, nên buộc lòng người chủ phải nói đến nó trước.

Như vậy, qua bài Tin Mừng, Chúa Yêsu cho chúng ta thấy thêm nhiều yếu tố của vấn đề lành dữ lẫn lộn trong thế gian. Nguyên nhân gây nên sự dữ là Satan, kẻ thù của Thiên Chúa. Người ta không nên dán nhãn hiệu lãnh dữ vào trán nhau vì tất cả đang còn thay đổi, đang thời lớn lên. Hãy cố gắng sinh bông trái kẻo trở thành cỏ dại bị thiêu đi sau này. Tuy nhiên ý tưởng cốt yếu ở đây là thời tận thế, lúc chung cuộc. Người ta phải đợi đến ngày ấy để thấy kẻ dữ bị thiêu đi và người lành sáng chói lên.

Nhưng ý tưởng của phần giải thích dụ ngôn dường như lại nhấn mạnh đến hình phạt dành cho kẻ dữ. Chúng ta không nên lấy làm lạ vì sự chuyển hướng này. Nó cho chúng ta thấy ở mỗi thời Lời Chúa muốn mạc khải một khía cạnh riêng biệt. Vì người khôn trong Nước Trời phải biết bắt chước người gia chủ “rút ra cả cái mới cũ” mà xây dựng cuộc đời.

Trong cánh đồng này, vấn đề là về sự phối hợp, với niềm tín thác lớn lao vào Thiên Chúa và vào Sự Quan Phòng của Ngài, hai thái độ dường như trái khuấy nhau: quyết định và nhẫn nại. Quyết định là muốn là hạt giống tốt  – tất cả chúng ta đều muốn điều này, với tất cả sức mạnh của mình, và do đó, tự tách bản thân chúng ta ra khỏi Ma Quỷ và những cám dỗ của nó. Sự nhẫn nại có nghĩa là yêu thích một Giáo Hội vốn là nắm men trong khối bột, một Giáo Hội không sợ vấy bẩn đôi bàn tay của mình để giặt áo cho con cái mình, hơn là một Giáo Hội của “những người trong sạch”, vốn giả vờ đề phán xét trước thời hạn ai là người không được ở trong Nước Thiên Chúa.

Thiên Chúa kiên nhẫn để chờ đợi con người phát triển chính mình, vươn lên những tầm cao mới, hay thay đổi những lối sống xưa nay không phù hợp với bản tính thiện của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta có kiên trì để làm điều tốt thay cho những điều chưa tốt mà chúng ta thường làm cho người khác. Bởi lẽ, Chúa đã kiên nhẫn chờ đợi chúng ta, vậy chúng ta có kiên nhẫn làm lại cuộc đời hay chúng ta cứ tiếp tục để cho ma quỷ gieo cỏ lùng qua những thói hư tật xấu, qua những giận hờn ghen tương….

Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Giáo Hội có rất nhiều thánh nhân, nhưng cũng có vô số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành thánh nhân trong lòng xót thương của Chúa. Thiên Chúa biết cỏ lùng, biết ai đã gieo nó vào ruộng lúa của mình, nhưng Ngài kiên nhẫn đợi chờ. Lòng nhẫn nại của Ngài không những không loại bỏ những tội nhân, mà còn tiếp đón họ: Chúa không đoán xét bất công…nhưng khoan dung và hy vọng.

Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.Nhìn lại thửa ruộng tâm hồn của mình, chúng ta suy gẫm, hạt giống tốt được gieo, nhưng có hạt đã rơi vào bụi gai, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi và có số hạt rơi vào đất tốt. Trong khi đó, hạt giống cỏ lùng đã được gieo tràn lan, phát triển nhanh và như muốn chen lấn làm hạt giống tốt khó vươn lên. Không thể nhổ hết cỏ lùng, nhưng chúng ta cần vun xới cho hạt giống Lời Chúa lớn lên và sinh hoa trái. Cần phải gìn giữ đức tin cho đến cùng như lời Thánh Phaolô dạy: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7). Sau cuộc lữ hành đức tin, Thánh Phaolô chia sẻ: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,8).

Như vậy, xuyên qua hình ảnh cỏ lùng, Chúa Giêsu nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với loài người: về phương diện thực vật, cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt, nhưng trên bình diện thiêng liêng, kẻ chưa tốt có thể trở thành người tốt, nếu họ được người khác nêu gương sáng, tác động để họ biết vận dụng những ơn lành Thiên Chúa trao ban cho họ. Chính vì thế, chỉ khi biết mình yếu đuối, con người cậy dựa vào Thiên Chúa, con người mới nên mạnh mẽ (x. 2 Cr 12,9). Và như vậy, để bột có thể dậy men, cây có thể phát triển, con người có thể hoán cải chính môi trường tốt và đời sống làm gương giúp cho những người chung quanh nhìn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa yêu thương.

 

 

Back To Top