skip to Main Content

“Thà có một Hội Thánh bị bầm dập…”

“Thà có một Hội Thánh bị bầm dập…”

 

1- Lời Chúa trong Chúa nhật 12 thường niên năm A nhắc nhở chúng ta sứ mạng loan báo Tin Mừng, tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, bất chấp những trở ngại, bách hại và khổ đau.

2- Trước hết, bài đọc I cho thấy Giêrêmia (Gr 20,10-13) đã phải chiến đấu để trung thành với sứ mạng loan báo Lời Chúa. Sứ vụ của ông gay go bạc bẽo. Ông phải loan báo những hoạn nạn sẽ xảy tới, và nghe riết người ta đặt cho ông cái tên “lão tứ phía kinh hoàng” và tránh xa ông như tránh dịch. Ông bị nhà cầm quyền bắt nhốt và kết tội phản quốc. Họ hàng thân thích cũng khử trừ. Ông một thân một mình chịu bao đau khổ, chấp nhận không vợ không con theo lệnh của Đức Chúa. Là tiên tri, ông sống trước nơi bản thân số phận cay đắng của dân bội bạc. Tất cả chỉ bởi một nguyên do, bởi trung thành với sứ vụ loan báo Lời Chúa.

Tuy bị ghét bỏ và tấn công tứ phía, nhưng Giêrêmia vẫn trung thành với sứ vụ, bởi như lời ông nói: “Chúa luôn ở với tôi, như một trang chiến sĩ oai hùng”, hoặc bởi lý do sâu xa hơn như lời tâm sự trước đó: “Tôi đã định không nghĩ đến Người nữa, không nhân danh Người mà nói nữa, nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bùng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt, khiến tôi không thể nào nén được”. Sứ vụ loan báo Lời Chúa như một định mệnh phải thi hành, phải ưu tiên, và Thần Khí Chúa ban bảo đảm cho việc hoàn thành.

 

3- Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm (Mt 10,26-33) cũng gợi lên tính cách cấp thiết của việc loan báo Tin Mừng: “Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, các con hãy nói ra nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy công bố trên mái nhà”. Cấp thiết đến nỗi liên hệ đến phận số đời đời của người tông đồ: “Ai tuyên xưng Thầy ra trước mặt người đời, thì Thầy cũng sẽ tuyên xưng người ấy ra trước mặt Cha Thầy. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy cũng sẽ chối bỏ nó trước mặt Cha Thầy”.

Tính cấp thiết này còn rõ nét hơn trong lệnh truyền giáo được thánh Luca ghi lại: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền…, cũng đừng chào hỏi ai dọc đường… Hãy chữa lành những người đau yếu tật nguyền, và nói với họ: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Trường hợp người ta không đón tiếp, có phải giũ bụi chân trả lại, cũng vẫn phải lên tiếng loan báo: “Tuy nhiên, các ông phải biết điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,10-11).

4- Tin Mừng hiện nay chưa đến được với 93% dân số Việt Nam, dù rằng Tin Mừng đã được khởi động từ gần 500 năm rồi. Nguyên nhân phải chăng vì người Công giáo Việt Nam dửng dưng không bận tâm, xem việc loan báo Tin Mừng như trách nhiệm của ai đó hay của một vài người mà không phải mình, không cảm nhận được cái tâm của Chúa, không cảm thấy được Thánh Thần thôi thúc từ bên trong, hoặc bởi ngại ngùng xấu hổ, bởi sợ hãi, bởi không muốn ra khỏi sự an toàn cá nhân?

5- Đâu là cảm nhận, là xác tín của chúng ta trước bảo đảm và thôi thúc của chính Chúa Giêsu: “Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác…. Ngay cả tóc trên đầu anh em cũng đã được đếm cả rồi. Vậy đừng sợ, anh em đáng giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,29-31).

“Khi bị nộp, anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì chính giờ đó Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì, vì không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 19-20).

“Ai bền đỗ đến cùng, sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).

Tình yêu quan phòng của Chúa Cha, sức mạnh và miệng lưỡi từ Chúa Thánh Thần, và phần thưởng là lời tuyên xưng của chính Đức Kitô trước mặt Chúa Cha, hạnh phúc đích thực và siêu việt. Quả thật, Chúa Giêsu cho các tông đồ được hưởng một thứ hạnh phúc không ai lấy mất được, niềm vui và kiêu hãnh ngay trong tù đày và tra tấn. Thánh Phêrô và các tông đồ bị đánh một trận đòn trước khi được trả về. Khi ra về, các ngài vừa đi vừa hát, lòng sung sướng vì được chịu đánh đòn vì Chúa (Cv 5,40-41). Thánh Phaolô và thánh Xila sau khi bị đánh đòn nhừ tử và bị tống vào ngục thì ca hát khiến rúng động cả trại giam. Vì sao? Bởi được chịu đánh đòn vì Đấng mà mình rao giảng (Cv 16,22-26). Sau đó là Tin Mừng lan rộng khắp miền Địa Trung Hải. Thậm chí Tin Mừng còn được thánh Tôma đem đến tận Ấn Độ.

6- Thời Giáo hội sơ khai là thế, còn Giáo hội hôm nay thì sao? Đó là điều phải ngẫm nghĩ, phải đấm ngực sám hối để quay lại với tâm ý của Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh luôn khao khát các linh hồn và phát lệnh: “Anh em hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”, Tin Mừng “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Phải sám hối, vì mục vụ giáo xứ hôm nay là “dừng chân” và “củng cố nội bộ” hơn là ra đi loan báo Tin Mừng. Hiện nay có biết bao giáo xứ chỉ tăng dân số do con cháu mình sinh ra. Tin Mừng đến với Việt Nam từ những năm 1533, vậy mà qua lịch sử 500 năm số tín hữu vẫn chỉ là con số khiêm tốn hơn 7 triệu, chiếm tỷ lệ 7,21%. Tại sao vậy? Anh em Tin Lành chỉ mới được chính thức cho phép hoạt động từ vài chục năm nay. Thế mà họ đã tăng trưởng đến ba bốn trăm phần trăm. Phải chăng vì người Công giáo Việt Nam không cảm nghiệm được lời trăng trối mang nặng thao thức bức xúc của Chúa là phải khẩn trương bung Tin Mừng đi khắp muôn dân?

7- Chúng ta đừng để bị cướp mất niềm say mê truyền giáo (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 80), đừng để bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng (số 83) là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh (số 15), để toàn thể Hội Thánh, từ gia đình cho đến giáo xứ (số 28), giáo phận (số 3031), mọi phong trào, dòng tu (số 29), thậm chí cả Đức Giáo Hoàng và các cơ quan Tòa Thánh (số 32) cùng tiến tới theo con đường của sự sám hối mục vụ và truyền giáo (số 25), để đi ra cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô, vì “thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích vì đi ngoài đường, hơn là một Hội Thánh bị giam hãm vì bám víu vào sự an toàn của mình…, trong khi ở ngoài cửa người ta đang chết đói và Đức Giêsu không ngừng thôi thúc chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6,37// x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 49).

 

Giám mục Ðaminh Nguyễn Văn Mạnh

Back To Top