Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Yêu thương và phục vụ
30.6
St 16:1-12,15-16; Tv 7:21-29; Mt 8,5-17
Yêu thương và phục vụ
Mỗi ngày sống của chúng ta, dù có thế nào đi nữa thì cũng chỉ được gói trọn trong 24 giờ đồng hồ. Thế nên, chúng ta phải sống làm sao để một ngày trôi qua thật là ý nghĩa và giá trị. Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay là một mẫu sống tuyệt vời cho chúng ta. Một ngày sống của Chúa tràn đầy tình yêu thương và tinh thần phục vụ. Tình yêu thương phục vụ ấy đã được lan tỏa đến mọi người, không phân biệt lương giáo hay đẳng cấp trong xã hội.
Sau khi chữa người bị phong hủi (8,1-4), Chúa Giêsu vào thành Ca-phác-na-um. Ngay lúc ấy có một viên đại đội trưởng đến gặp Người để xin chữa lành cho một người đầy tớ. Chúa nhận lời sẽ đến nhà ông. Nhưng với một lòng tin vững mạnh, ông chỉ xin Chúa phán một lời thì đầy tớ của ông sẽ lành mạnh (c.5-8). Lòng tin của ông đã được Chúa Giêsu đề cao và ngay giờ đó Chúa đã chữa cho người đầy tớ của ông được khỏi bệnh (c.13).
Hình ảnh và lòng tin sắt đá của viên đại đội trưởng hẳn làm chúng ta phải tự hổ thẹn với chính bản thân mình. Bởi lẽ trong cuộc sống, mỗi khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta rất dễ nghi nan, ái ngại, rồi nản chí, những lúc ấy lòng tin của chúng ta như vẫn còn dang dở, mờ ám, bấp bênh. Vẫn biết rằng, Chúa luôn hiện diện ngay bên để trợ giúp và hướng dẫn chúng ta ngay giữa những thăng trầm của cuộc sống. Nhưng nào chúng ta có nhận ra Ngài đâu chứ? Chúng ta vẫn cứ mải mê với những sự vật trần thế, vẫn bám víu vào những trợ lực mau qua của con người thời đại, mà quên đi Chúa đang đồng hành bên chúng ta.
Đây là cơ hội để chúng ta tự vấn về lòng tin của mình: khi những gian nan thử thách đến với chúng ta, liệu chúng ta có dám vững tin rằng Chúa đang âm thầm ngự trên con thuyền đời mình không? Dù rằng đôi lúc Chúa vẫn im lặng và ngủ say trên con thuyền đời ta. Nhưng đâu phải là Ngài chẳng biết điều gì đang xảy ra cho chúng ta, mà có lẽ là chưa tới giờ của Ngài đó thôi. Vì Ngài vẫn mãi mãi yêu thương và luôn luôn sẵn sàng phục vụ chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có dám buông thả đời mình trong vòng tay yêu thương của Ngài không? Như viên đội trưởng trong bài Tin Mừng, đã dám tin rằng chỉ một lời Ngài phán ra, đủ để cứu mạng sống người đầy tớ của ông.
Về phần Chúa Giêsu, Ngài đến trần gian để đem ơn cứu độ đến cho mọi người, không phân biệt dân Do thái hay dân ngoại. Bởi đó tất cả mọi người đều có quyền hưởng ơn cứu độ. Ngài đến để xây dựng một gia đình mới trong tình yêu Thiên Chúa. Một gia đình trong đó mọi người là anh chị em với nhau, có Thiên Chúa là Cha, cùng sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau cách chân thành quảng đại. Do đó tất cả mọi người đều được mời gọi gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng được mời gọi theo gương Ngài, sống yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ, phục vụ mọi người chung quanh, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp. Đó chính là một cuộc sống đầy ý nghĩa và giá trị nhất. Một cuộc sống mà Thiên Chúa luôn ước mong nơi mỗi người chúng ta trong cõi đời đầy thương đau thử thách này.
Phép lạ thứ hai trong đoạn Tin Mừng là việc Chúa chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô khỏi cơn sốt, sau đó bà chỗi dậy phục vụ Ngài (c.15). Chính Chúa Giêsu đã đi bước trước để ban ân phúc cho bà, điều đó nói lên tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi người, không phân biệt giới tính hay đẳng cấp (vì theo quan niệm Do thái: phụ nữ bị xếp vào loại công dân hạng hai, không có tiếng nói trong cộng đoàn). Hình ảnh bà chỗi dậy phục vụ Ngài đã diễn tả sứ mạng phục vụ của Giáo hội theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Cũng vậy, Giáo hội và mỗi người chúng ta sau khi được Thiên Chúa thanh tẩy và chữa lành nhờ sự Phục sinh của Đức Kitô, đều có sứ mạng phục vụ nhân loại, phục vụ Nước Thiên Chúa.
Như thế, yêu thương và phục vụ chính là sứ mạng quan trọng nhất của Giáo hội và của chúng ta. Thế giới và con người thời đại hôm nay đang rất cần những chứng tá đích thực của một tình yêu chân chính, cần được cảm nghiệm thực sự những nghĩa cử phục vụ tận tình vô vị lợi của những người môn đệ Đức Kitô. Chúng ta phải trở nên những chứng nhân thực sự của Tin Mừng giữa thế giới hôm nay. Chúng ta phải để cho mọi người chất vấn chúng ta về sứ mạng yêu thương và phục vụ.
Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng đã phục vụ không biết mỏi mệt và không ngừng phục vụ. Tất cả những ai đến với Ngài đều được chữa lành và được chúc phúc (c.16). Chúng ta thử hồi tâm xét lại lòng mình xem chúng ta đang ở ngưỡng nào trên hành trình yêu thương và phục vụ?
Mỗi bước chân yêu thương phục vụ của chúng ta theo gương Chúa Giêsu trong từng ngày sống sẽ có tác dụng rất lớn cho con người và thời đại hôm nay. Vì ơn cứu độ và hạnh phúc Nước Trời thuộc về tất cả mọi người mà chúng ta có nhiệm vụ rao truyền và sẻ chia. Những hành vi yêu thương và nghĩa cử phục vụ của chúng ta sẽ có sức mạnh lôi kéo nhiều người đến gia nhập Giáo hội để lãnh nhận ơn cứu độ, đặc biệt trong Năm Thánh này.
Nhiều tâm hồn đang khát khao tìm kiếm công lý, yêu thương và an bình giữa một thế giới đầy hận thù, chiến tranh và chia rẽ. Chúng ta có sứ mạng làm chứng tá cho Nước Trời, Vương Quốc của tình yêu, thứ tha và an hòa.