skip to Main Content

Tỏa chiếu ánh Tin Mừng như Thánh Irênê   

28.6 Thánh Irenaeus, Gmtđ

St 15:1-12,17-18; Tv 105:1-2,3-4,6-7,8-9; Mt 7:15-20

Tỏa chiếu ánh Tin Mừng như Thánh Irênê

Thánh Irênê sinh tại Tiểu Á và giữa thế kỷ II. Chúng ta biết được phần nào ngày sinh của Ngài, dựa vào bản tường thuật Ngài viết về thánh Policarpô. Ngài viết cho Flôrinô:

– “Tôi có thể nói với ông nơi thánh Pôlicarpô ngồi khi Ngài rao giảng lời Chúa, tôi được thấy Người ra vào. Bước chân, phong thái, cách sống và lời Ngài nói in sâu vào lòng tôi. Tôi như còn nghe thấy Người kể lại cách người đàm luận với thánh Gioan và các tông đồ khác đã thấy mặt Chúa. Người nói lại cho chúng tôi những lời nói và những điều các Ngài đã học được liên quan đến Chúa Giêsu. Các phép lạ và giáo thuyết của Chúa.

Thánh Irenê còn phấn khởi ghi thêm:

– “Tôi ghi nhận các hành vi và lời nói ấy không phải trên bảng viết mà là trong sâu thẳm tâm hồn. Thiên Chúa cho tôi được ơn không ngừng nhớ lại những kỷ niệm ấy trong lòng”.

Như vậy, thánh Irênê luôn nhớ mãi hình ảnh sống động của thánh Policarpô qua đời năm 155. Vậy có thể là thánh Irênê ra đời khoảng từ năm 130 đến 135, và Ngài được giáo dục tại Smyrna, làm môn đồ của thánh Pôlicarpô. Hấp thụ nền giáo dục gần với các tông đồ. Nhất là với thánh Gioan, thánh Irênê còn ở trong vòng ánh sáng mà tâm điểm là tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô. Trong tác phẩm dài “Adversus Haereses” của Ngài. Chúng ta cảm thấy Ngài là người được thấm nhiễm một trực giác hiếm có.

Thánh Pôlicarpô gọi Irênê sang Gaule. Tại đây thánh Pôthinô, giám mục Lyon phong chức linh mục cho Ngài. Phần đóng góp của thánh Irênê cho Giáo hội thật lớn. Ngài chú tâm tới mọi khoa học, chuyên cần suy gẫm thánh kinh. Khi nghiên cứu huyền thoại và các hệ thống triết học ngoại giáo, Ngài biết tìm ra nguồn gốc các sai lầm và bác bỏ các lạc thuyết pha trộn huyền thoại vào Kitô giáo. Tertulianô đã tuyên nhận rằng không có ai nỗ lực tìm tòi hơn là thánh Irênê. Thánh Hiêrônimô, nại đến thánh nhân để củng cố uy tín của mình. Ngài được coi như là ánh sáng các vùng Gaules ở Phương Tây.

Năm 177, thánh Irênê được cử làm đại diện về Rôma, bên cạnh Đức giáo hoàng để thực hiện một sứ mệnh tế nhị là dàn xếp ngày mừng lễ phục sinh

Trở lại Lyon, thánh Irênê gặp lại một giáo đoàn côi cút. Marcô Aureliô vừa mới giết hại các Kitô hữu. Đức cha Pothinô đã bị sát hại. Thánh Irênê được bầu lên kế vị. Ngài trở thành thủ lãnh Giáo hội tại xứ Gaule, bận rộn với công việc rao giảng, thánh nhân vẫn viết sách để chống đỡ chân lý. Ngài phải chiến đấu không ngừng, bởi vì cuộc bách hại tưởng chấm dứt khi Marcô Aureliô qua đời, nhưng các lạc giáo lại nổi lên chống phá Giáo hội. Thánh Irênê dùng hết tâm trí và đức tin chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương những kẻ lầm lạc, Ngài cầu nguyện cho họ van nài họ trở về với Giáo hội thật:

– “Hợp nhất với Chúa là sự sống và là Sự sống …. Khốn khổ cho ai lìa xa sự hợp nhất ấy. Hình phạt đổ xuống họ không phải do Thiên Chúa mà do chính họ, vì khi chọn quay mặt khỏi Thiên Chúa, họ đánh mất mọi tài sản”.

Các tác phẩm lừng danh Ngài đã soạn khiến cho Ngài đáng được gọi là “Ánh sáng bên trời Tây”.

Dưới sự dẫn dắt của thánh Irênê, Lyon đã trở thành một trường dạy phụng sự Chúa đào tạo nhà tri thức và có khả năng truyền giáo. Thế hệ đầu tiên của trường đã bảo vệ đức tin tinh tuyền bằng những nghiên cứu và sách vở của họ. Thế hệ thứ hai phổ biến Tin Mừng đến những miền khác.

Hoàng đế Seltinô – Severô tái diễn cuộc bách hại. Ông gia hình cho đến chết những ai kiên trì với đức tin. Lyon là thành phố diễn ra cuộc hãm xác tập thể các Kitô hữu thật khủng khiếp. Máu chảy thành suối trên đường phố tiếp nối dòng máu các giám mục tử đạo, thánh Irênê, cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cố tìm được cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ chịu chết vì đạo với Ngài.

Thánh Irênê đã dùng tài năng và trí thông minh Chúa ban để bảo vệ đức tin. Noi gương Thánh nhân, chúng ta hãy xin Chúa ban ơn để mỗi chúng ta cũng biết tận dụng khả năng Chúa ban cách riêng cho mỗi người để làm sáng danh Chúa.

Xưa nay chưa hề có chuyện lạ lùng này là “bụi gai có thể sinh ra trái nho”, hay “bụi găng có thể sinh ra trái vả”. Nhưng, ấy là chuyện của loài thực vật. Còn con người, thật khó mà thấu hiểu lòng dạ bên trong thế nào, có chăng, cũng chỉ nhìn thấy cái vẻ bên ngoài mà thôi. Vì thế, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta “Hãy coi chừng các tiên tri giả”. Chúa lên án cách sống giả hình của những người không yêu mến Chúa, không sống Lời Chúa   dạy, và chỉ mượn  Chúa,  mượn  Tin Mừng để đánh bóng mình. Họ đang dối Chúa, lừa mọi người.

Quả thực, đôi khi, chúng ta nhìn thấy cái vẻ ngoài của một người xấu xí, không sạch sẽ thơm tho, mà chúng ta xem thường họ là hèn kém. Và thông thường, nhìn ai sạch sẽ, xinh đẹp, sang trọng hay ra vẻ đạo mạo thì ta lại quý chuộng, kính nể và có khi còn cho là đàng hoàng đạo đức. Đôi mắt phàm của chúng ta luôn nhầm lẫn.

Nhưng trong mắt Chúa thì không. Bởi vì chỉ có Chúa mới thấu suốt lòng dạ con người. Chúa Giêsu nói: “Hãy xem trái thì biết cây. Cây tốt thì sinh trái tốt”. “Trái tốt” ở đây không phải cái vẻ bề ngoài có thể đánh lừa chúng ta đâu, nhưng là một cuộc sống tỏa chiếu ánh Tin Mừng. Bởi, nếu Tin mừng là sức sống cho cây cuộc đời chúng ta, thì hoa trái cuộc sống của chúng ta sẽ chan hòa tình yêu thương chân thành, như Chúa Giêsu đã sống yêu. Chúa muốn các gia đình chúng ta luôn lắng nghe và sống Lời Chúa Giêsu dạy, để Lời Chúa Giêsu thấm nhuần từ trong cõi lòng, và thể hiện ra trong từng lời nói, cử chỉ hành động, cách ứng xử với nhau, với người, với đời.

 

Back To Top