Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Đừng sợ
25.6 Chúa Nhật thứ Mười Hai Mùa Quanh Năm
Gr 20:10-13; Tv 69:8-10,14-17,33-35; Rm 5:12-15; Mt 10:26-33
Đừng sợ
Trong xã hội ngày nay, có người vì sợ nghèo đói, sợ lao động mà lao vào một cuộc sống phi đạo đức. Có người trái lại, vì muốn làm giàu nhanh chóng, cũng đã thẳng tay chà đạp nhân phẩm của người khác và của chính mình nữa. Cả hai loại người trên đều đánh mất giá trị làm người và đã gây ra những thiệt hại to lớn không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn về tinh thần, đạo đức cho cộng đồng nhân loại.
Trong đời sống tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, cũng luôn có mối đe doạ rình rập giết chết lòng tin của người có đạo. Đó là nỗi sợ hãi. Sợ không kiếm được hay mất việc làm, sợ bị người đời gièm pha, chê cười, khinh khi, sợ bị xã hội kết án và loại trừ chỉ vì họ muốn sống theo những giá trị của Tin Mừng. Không thiếu những Kitô hữu đã đầu hàng, đã thoả hiệp để được yên ổn, để được vinh thân phì da, để được chức tước, địa vị xã hội. Họ sợ những người, những thế lực có thể giết hại họ phần xác.
Có những người quá nhát sợ. Gặp con dán hay con chuột cũng co rúm người, mặt cắt không còn giọt máu. Có những người, trái lại, chẳng biết sợ là gì. Coi mạng sống nhẹ như tơ. Lên xe là phóng như bay. Liều lĩnh thường thiệt mạng. Nhút nhát quá đâm hỏng việc. Một đàng bất cập, một đàng thái quá. Vì thế vấn đề không phải là sợ hay không sợ. Vấn đề là phải biết phân định. Biết những gì nên sợ và những gì không nên sợ. Hôm nay Chúa Giêsu giúp ta phân định để biết sợ và không biết sợ.
Các con đừng sợ. (Mt 10,26). Chúa Giêsu không nói tới một sự sợ hãi chung chung, nhưng Người nói rõ về một sự sợ hãi đặc biệt mà người Kitô hữu cảm thấy trong việc sống đức tin của mình. Chúng ta thường e dè, thường do dự mỗi khi nói những lời giống lời của Chúa, làm những việc giống việc của Chúa, bởi vì chúng ta sợ người khác chê cười, châm chọc. Chúng ta sợ bị chê là quê một cục, bị gọi là kẻ lên mặt đạo đức, hay là bị ngược đãi, như chiếc giày bay vèo qua đầu cậu bé.
Chúa Giêsu không phải là không biết đến những lý do của sự sợ hãi. Bởi vì có những người đã phải mất bạn bè, mất việc làm, mất địa vị và rất có thể mất cả mạng sống vì niềm tin nơi Ngài. Thế nhưng, bên trên những thiệt hại tạm bợ này là niềm hạnh phúc vĩnh cửu Chúa đã hứa ban cho những ai trung thành với Ngài.
Trong cuộc sống, có những lúc hình như chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi. Sợ đọc kinh cầu nguyện trước mặt người khác. Sợ gặp phải những khó khăn khi trung thành sống đức tin của mình. Sợ làm dấu thánh giá trước bữa ăn. Sợ ngả mũ nón khi đi ngang qua nhà thờ. Sợ đổi đề tài khi có người kể những câu chuyện tầm phào và tục tĩu. Sợ không dám từ chối khi bè bạn rủ rê ăn nhậu và cờ bạc. Chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi khi Giáo hội bị nhạo cười, bị tấn công.
“Anh em đừng sợ” Chúa Giêsu nói với các Kitô hữu như thế. Lời mời gọi kèm theo một cách nhìn khác về cuộc sống: “những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”. Theo đó “kinh tế thị trường” có thể “giết được thân xác” với những quy luật phi nhân của nó. Và “kinh tế thị trường” tuy “không giết được linh hồn”, nhưng trong thực tế của con người sau tội nguyên tổ, thì nó có thể giam hãm con người trong vòng tội lụy.
Thánh Phaolô đã đặc biệt có những suy nghĩ về vấn đề này trong đoạn thư Roma hôm nay “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết…” Chúng ta có thể thấy muôn vàn hệ lụy trong xã hội hôm nay : với thời mở cửa, thì cũng là lúc những tệ nạn xã hội : tham nhũng, hối lộ, đầu cơ trục lợi, lũng đoạn thị trường với những sản phẩm nhằm khích động bạo lực, dâm ô, xì ke, ma túy…làm tan nát nền móng đạo đức xã hội là gia đình. Người ta thừa nhận là hợp pháp việc “ly dị”, “hôn nhân thử”, “phá thai”, “ngừa thai”… Hậu quả là xã hội bất ổn, con người càng ngày càng sống trong lo sợ hãi hùng, và nhất là giới thiếu nhi, bị khuôn đúc thành “sản phẩm phục vụ lợi ích kinh tế”, không còn cơ hội đạt tới mức tự do tâm linh vốn là giá trị cao cả tối thượng của một con người. Đứng trước tình trạng ấy, sự khủng hoảng như một định kỳ không thể tránh, đã xảy ra trong mọi xã hội, cách riêng ở những xã hội phát triển cao, gây nên những đổ vỡ không lường.
“Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn. Nhưng hãy sợ Đấng có thể ném cả xác và hồn vào hoả ngục.” Lời nhắc nhở đó không chỉ cho các môn đệ ngày xưa trước lúc lên đường rao truyền Chân lý Phúc âm, nhưng còn cho cả bạn và tôi hôm nay khi mà Chân lý đang bị xé mảnh và đóng đinh từng giây.
Ngày hôm nay có biết bao người chỉ thấy hưởng thụ thân xác là trên hết; có biết bao người cho luân lý làm cản bước tiến của nhân loại; có biết bao người sẵn sàng bóp chết kẻ khác vì tư lợi; có biết bao người đang đắm chìm trong ngoại tình, phá thai, li dị, gian tham, bất công… mà không hề mảy may giao động cõi lòng. Trước một thế giới đang làm tê liệt lương tâm con người như vậy, bạn và tôi được mời gọi: “Đừng sợ khi phải sống công chính, đạo đức. Đừng sợ khi phải yêu thương cách chân thành. Đừng sợ khó khăn đau khổ khi phải sống theo các giá trị Tin Mừng.”
Chỉ khi không sợ như thế ta mới trở nên lời chứng cho niềm tin vào một sự sống thiêng liêng phong phú mà nhân loại phải tìm kiếm.