skip to Main Content

Ðừng báo thù

19.6 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Một Mùa Quanh Năm

2 Cr 6:1-10; Tv 98:1,2-3,3-4; Mt 5:38-42

Ðừng báo thù

“Mắt thế mắt, răng đền răng”, đó là luật Talion, nghĩa là luật công bằng của người xưa. Câu đó đã thấy ở trong bộ luật của Hammourabi trước Chúa Giêsu khoảng 2000 năm và ở trong sách Xac 21,24 (Đnl 19,21. Lev 24,20). Luật này của ông Maisen cho phép về việc báo thù. Thật ra luật này đã là luật đặt giới hạn cho việc báo thù rồi, vì xưa Cain được báo thù 7 lần hơn là Lamek được 70 lần 7 (Stk 4,15. 4,7-24).

Có thể nói luật của người xưa là luật công bằng. Ta không hại người và người cũng không hại ta. Mình làm thiệt hại ai bao nhiêu thì phải trả cho họ bấy nhiêu. Tuy nhiên là con cái của Chúa, Chúa muốn con người sống siêu nhiên hơn, chứj đừng thấp lè tè vỏn vẹn với luật cũ là đức công bình. Thật ra sống công bằng ở trần gian đã là khó lắm rồi. Nhưng luật Chúa phải đời hỏi phải thêm hơn thế nữa. Chúa nói: “Đừng chống cự với người ác” (c.39), “Hãy cho cả áo dài trong” (c.40). “Hãy đi thêm hai dặm” (c.41), “Hãy đưa thêm má trái” (c.39).

Trước khi tìm hiểu những câu nói trên chúng ta cần nói ngay trước rằng có thể có người hiểu nghĩa đen lạm dụng câu nói này làm phiền khổ thêm cho người anh em mình. Hoặc có người chủ trương rằng với câu nói đó thôi, ta không cần phải lo nâng đỡ hay nâng đỡ những người gặp bất trắc, khó khăn.

Thật ra, chính Chúa muốn dạy nơi đây là việc trả thù hay ăn thua với người khác. Thường bản tính của con người là không chịu nhịn. Một người hay gây thiệt hại cho ta, là ta cũng muốn cho họ bị thiệt hại như ta. Càng nhiều hơn càng tốt. Ta muốn thấy công lý phải được thực hiện ngay trên đời này, ngay lập tức trước sự chứng kiến của ta. Nhưng Chúa nói rõ: “Oán phạt thuộc về Ta, ta sẽ báo ứng” (Rm 12,19). Chúa muốn nói rằng chính Ngài sẽ là người phán xử sau cùng và sau này. Còn chúng ta, cứ phục lụy Chúa đi. Chính Chúa sẽ biện hộ cho chúng ta thấy sự công bình của Ngài được thực hiện. Đấy cũng là nguyên tắc Chúa đưa ra để chúng ta sử dụng trong cuộc sống cá nhân hàng ngày.

Luật người xưa là “mắt thế mắt, răng đền răng”. Không phải bây giờ Chúa bỏ luật này đi để dạy một luật khác. Cũng không phải là có mới nới cũ. Sự công bằng của Thiên Chúa vẫn còn đó. Điều Chúa muốn dạy ở đây là đừng đòi hỏi quyền lợi cho mình nhất là quyền trả thù hay hành hạ anh em. Nếu có thì phải đối xử trong tình yêu. Chính vì thế mà Chúa bảo: “Đừng chống cự với người làm dữ” (c.39). Làm thế không phải là Chúa phá đổ mọi luật pháp. Chúng ta thấy qua Kinh thánh, Chúa kêu gọi vâng phục nhà cầm quyền vì nhà cầm quyền được Chúa đặt ra để trừng trị kẻ dữ. Nhưng còn việc Chúa bảo đừng chống cự với người làm dữ nghĩa là đừng đòi hỏi cho mình quyền trả thù. Cho nên khi bị người khác vả má, nghĩa là bị hạ nhục khinh dể, trường hợp ấy, Chúa muốn chúng ta đem tình bác ái ra mà đối xử hầu phản ánh là con cái Thiên Chúa.

Kinh thánh dạy cho chúng ta thấy Chúa bị nguyền rủa mà Ngài không nguyền rủa lại, mà cứ phó mình cho Đấng phán xét chí công. Có quyền gây thiêt hại và trả thù là chính Chúa, mà Chúa đã không làm huống chi chúng ta là con cái Ngài. Việc cho áo trong áo ngoài, việc đi thêm vài dặm… cũng vậy. Khi làm vậy, không phải là để khuyến khích thêm tội ác đâu. Nhưng hãy đem tinh thần yêu thương bác ái ra mà xử sự. Chứ còn lối trả thù thua đủ, cãi vã, kiện tụng chỉ là oán chồng lên óan mà thôi, bạn hóa thành thù nhân, thay vì một người thù lại thêm hai nữa.

Chúa Giêsu đã đưa ra một pháp lý hoàn toàn mới mẻ so với Cựu ước. Luật Cựu ước qui định: “Mắt đền mắt, răng đền răng “. So với các dân tộc chung quanh, luật Cựu ước cho thấy dân Israel đã đạt được một ý thức khá cao về công bình. Nhưng Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật: thay cho thứ công bình “Mắt đền mắt, răng đền răng”, Chúa Giêsu đề ra luật của yêu thương và được qui tóm trong một lề luật duy nhất là mến Chúa, yêu người.

Luật yêu thương ấy không có giới hạn, cũng chẳng có luật trừ. Yêu thương là yêu thương mọi người và yêu thương cho đến cùng. Qua cách cư xử của Ngài đối với các tội nhân và ngay cả kẻ thù của Ngài, Chúa Giêsu đã chứng tỏ một tình yêu không điều kiện, không giới hạn, không luật trừ, và tình yêu ấy được thể hiện trọn vẹn qua cái chết của Ngài trên thập giá.

Khi tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa và khi nối kết hai giới răn mến Chúa yêu người, Chúa Giêsu cũng chỉ cho con người thấy dược ơn gọi đích thực của nó. Chỉ có một cách thế hiện hữu đối với con người đó là sống yêu thương. Khước từ yêu thương, con người tự chối bỏ chính mình. Đón nhận mạc khải của Chúa Giêsu, người Kitô hữu hiểu rằng chỉ bằng yêu thương, họ mới sống đúng ơn gọi làm người, và tỏ bày hình ảnh của Thiên Chúa mà họ mang trong mình.

Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời kinh hòa bình của thánh Phanxicô Assisiô: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn u sầu.

Ước gì chúng ta ý thức được sứ mệnh cao cả của mình, để trong mọi sự và trong mọi quan hệ, chúng ta luôn thúc đẩy và hướng đến bởi một động lực duy nhất là tình yêu.

Back To Top