skip to Main Content

Yêu nhau như Chúa yêu ta

12.5.  Thứ Sáu trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh

Cv 15:22-31; Tv 57:8-9,10-12; Ga 15:12-17

Yêu nhau như Chúa yêu ta

Lời Chúa hôm qua mặc khải cho chúng ta rằng chúng ta được Chúa yêu và chúng ta phải trung thành với Đấng đã đặt niềm hy vọng vào lòng chúng ta. Hôm nay, giáo huấn của Chúa Giêsu nói rõ hơn về cách thức mà ta phải đáp lại tình yêu đó.

Đây là lệnh truyền của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Phẩm chất của tình yêu Kitô hữu ấy là nó giống với tình yêu Thiên Chúa. Tiêu chuẩn so sánh và thước đo của tình yêu chúng ta là tình yêu theo cách Chúa Giêsu. “Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống mình cho bạn hữư”.

Tình yêu của Kitô hữu là một sự hiến dâng: hiến dâng mạng sống, thì giờ, công việc, tình cảm, lợi ích mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu được trọn vẹn khi mình dâng trọn mạng sống mình cho người khác.

Chúng ta chỉ ý thức một phần nào về điều này thôi: trong đời thường, chúng ta cố gắng phục vụ những người chung quanh một cách tốt hơn. Nhưng có thể đến ngày nào đó chúng ta có cảm giác rằng mình bị phơi bày trên quày hàng để cho mọi người đến lấy thứ mình cần, thứ làm cho họ hạnh phúc. Có lẽ đến ngày nào đó, chúng ta không còn nơi ẩn mình, nơi lẩn tránh.

Ngày ấy, chúng ta sẽ ý thức được lời của thánh Phaolô: Chúng tôi hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Chúng ta cảm nhận rõ nét hình ảnh của Chúa Kitô: Đấng sống vì kẻ khác, người Tôi Tớ.

Đạo Chúa là đạo tình yêu. Ngay từ Cựu ước, Thiên Chúa đã dạy: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình ngươi” (Lv 19, 1-37. Đnl 6, 4-13). Dĩ nhiên chữ “lân cận”  đó đã bị người xưa hạn hẹp đóng khung nhiều. Nhưng sang tới Tân ước, Chúa Giêsu đã cởi nút đó và chữ yêu thương vô bờ bến của Chúa trải rộng trên khắp mọi người.

Chúa dạy chúng ta: “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34). Nơi khác Chúa dạy: ”các ngươi hãy thương xót như Cha các ngươi ở trên trời“ (Lc 6, 36). Cho nên tình yêu của Thiên Chúa không trừ một ai, tình yêu Thiên Chúa dẹp bỏ hết mọi hàng rào ngăn cách do chủng tộc, văn hóa (Gal 3, 28), không khinh thị một ai (Lc 14, 13), và yêu thương cả thù địch của mình nữa (Mt 5, 43-47). Tình yêu của Chúa dạy là cho không, biếu không, không được tháo lui, tình yêu phải biểu lộ qua sự tha thứ vô hạn (Mt 18, 21), lấy ơn đền oán (Rm 12, 14), tình yêu xóa bỏ mọi hận thù và tình yêu tồn tại vĩnh cửu (1C 13, 1). Tất cả ý nghĩa trên gọi là tình yêu.

Thật ra nếu như Chúa chỉ dạy chúng ta yêu Chúa không mà thôi, thì khó cho chúng ta biết mấy, vì việc làm đó có vẻ trừu tượng, xa vời. Trong khi bản tính con người là thực tế, là hữu hình, mắt thấy, tay sờ được mới ưa thích. Cho nên nếu chỉ yêu Chúa mà thôi thì khó kiểm chứng  cái lòng yêu đó. Cùng lắm là biết mình có thi hành một số luật lệ nào đó. Thật ra, nếu chỉ yêu mến Thiên Chúa mà ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối “vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy được, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng họ không thấy” (1Ga 4, 20). Rất may mắn chúng ta được Chúa dạy cho Giới luật thứ II để kiểm chứng gíới luật thứ I .

Vậy yêu thương anh em cụ thể là gì ? Thưa yêu thương cụ thể là cho đi: cho đi bằng việc làm, bằng thời gian, bằng đồng tiền bát gạo, bằng miếng cơm manh áo, bằng tinh thần, bằng vật chất. Chúng ta có thể nói vắn gọn hơn, yêu thương anh chị em là giúp đỡ anh em khi họ cần đến mình. Nói đến giúp đỡ, chúng ta nên biết rằng, có người giúp đỡ như kiểu hòn đất ném đi hòn chì ném lại ! Có người giúp đỡ anh em không hậu ý nhưng có khi chỉ là bổn phận hoặc công bằng hoặc vay trả. Đó chưa phải là giúp đỡ thật. Có người giúp đỡ người khác để tỏ ra mình là người sống hào hiệp. Đó cũng chưa phải là giúp đỡ thật. Có người giúp đỡ người khác chỉ vì muốn thỏa mãn một nhu cầu ích kỷ tâm lý như khi ta có kẹo, ta cho trẻ đồ chơi xem cho vui mắt. Có người giúp đỡ người khác để được khen lao… tất cả chưa phải là đích thực bác ái. Giúp đỡ cần phải có tình yêu vô vị lợi, phải có lòng thương xót thông cảm đúng nơi đúng lúc, đúng người, đấy mới là giúp đỡ thật. Thật vậy, ngoài động cơ tình yêu ra, thì mọi hình thức giúp đỡ hay hiến dâng sẽ mất hết ý nghĩa.

Hãy nhớ lại rằng Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta không phải vì chúng ta tốt đẹp gì đâu. Nhưng chỉ vì Ngài là tình yêu (1Ga 4, 8-16). Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu chân thật bất vụ lợi. Của cho đẹp nhất là của đã được chuẩn bị trước khi nhu cầu cần tới. Người nào thấy trước nhu cầu anh em và chuẩn bị sẵn sàng giúp đỡ đó là tình yêu tinh ròng cao quí nhất. Một người mẹ yêu con cái sắm sẵn cho con… trước khi lên xe hoa… Kinh thánh nói Thiên Chúa yêu con cái Ngài từ khi chưa có sao trời .

Hãy để cho tình yêu Thiên Chúa tràn lụt trong lòng chúng ta và trở thành động cơ thúc đẩy mọi hành động của chúng ta. Tất cả sẽ thành giá trị vĩnh cửu của tình yêu.

Tin mừng hôm nay cũng như bao trang Tin mừng khác bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc Thầy này. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con”. Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giêsu quả thật đã yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả nhất của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy, Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.

Chân lý không phải chỉ để tin nhận mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nới với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân, lý thì đến cùng ánh sáng”. Thật thế, ai sống yêu thương người đó sẽ hiểu được ý nghĩ của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, ai nuôi dưỡng hận thù, xúc phạm đến tha nhân, người đó cũng chối bỏ chân lý về con người và về Thiên Chúa, đồng thời cũng giam hãm mình trong tăm tối của cô đơn.

Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng ta ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho các Kitô hữu xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho chân lý

 

 

Back To Top