DẪN NHẬP
Chúng ta biết rằng, Sách lễ 1570 hay còn gọi là Sách lễ Đức Piô V (thời hậu Công đồng Trentô) bao gồm 3 phần dẫn nhập đi trước các bản văn phụng vụ chính thức.Ba phần này tập trung vào các yếu tố chữ đỏ cũng như Nghi thức Thánh lễ (Ordo Missae).
Nội dung của 3 phần dẫn nhập như sau:
1] Tổng quát về Chữ đỏ trong Thánh lễ: bao gồm cái nhìn tổng quát về Nghi thức Thánh lễ cũng như Quy chế Tổng quát về các bậc lễ; sự chọn lựa các bản văn Thánh lễ; thời gian cử hành Thánh lễ; màu sắc của lễ phục; việc chuẩn bị bàn thờ và những chủ đề liên quan khác.
2] Nghi thức phải Tuân giữ khi Cử hành Thánh lễ: gồm những hướng dẫn chi tiết cho các linh mục và giúp lễ.
3] Những Thiếu sót trong khi Cử hành Thánh lễ: nêu ra các loại vấn đề có thể xảy ra và nên làm gì nếu chúng thực sự xảy đến. Ví dụ, hướng dẫn cho linh mục biết nên ứng xử ra sao nếu lượng nước nhiều hơn rượu khi đổ chúng vào chén thánh.
Ba bản văn về các phần dẫn nhập chữ đỏ này đã không thay đổi gì suốt 400 năm (1570-1950s) cho đến khi Đức Piô XII cho tu chính các Nghi thức Tuần thánh. Năm 1960, phần Tổng quát về Chữ đỏ trong Thánh lễ không thấy có thay đổi gì, cũng như chẳng có sửa đổi nào trong phần Nghi thức phải Tuân giữ khi Cử hành Thánh lễ cho mãi tới năm 1965.
Sau Công đồng Vatican II, Sách lễ Rôma của Đức Phaolô VI ra đời (năm 1970) và cấu trúc Sách lễ Rôma đã thay đổi. Thông thường, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCSL) được xếp ở phần đầu cuốn Sách lễ, chỉ sau Sắc lệnh (Decretum) của Thánh bộ Phụng tự và sau Tông Hiến Công bố Sách lễ Rôma (Constitutio Apostolica qua Missale Romanum) của Đức Giáo hoàng. Vì vậy, cho đến nay tương ứng với Sách lễ Rôma của Đức Phaolô VI ấn bản lần thứ I (năm 1970), ấn bản lần II (năm 1975) và ấn bản lần III (năm 2002) chúng ta lần lượt có các Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 1970 (QCSL [1970]); Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 1975 (QCSL [1975])và Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002 (QCSL [2002]).
Tuy nhiên, vấn đề là Tòa Thánh Vatican loan báo sẽ xuất bản vào năm 2000 Sách lễ Rôma ấn bản thứ III cùng với Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000] đi kèm. Thế nhưng, trong thực tế, khi bản văn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000] đã hoàn thành và ra đời cuối tháng 07/2000 thì cuốn Sách lễ Rôma ấn bản thứ III vẫn chưa hoàn tất. Việc xuất bản thực sự ấn bản thứ III Sách lễ Rôma với Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma đã tu sửa (bằng tiếng La Tinh) bị trì hoãn cho mãi tới tháng 3 năm 2002.
Tại Việt Nam hiện nay, thông báo của Ủy ban Phụng tự Toàn quốc cho biết hôm 29/06/2012 rằng Ủy ban đã dịch xong trọn cuốn Sách lễ [2002] và phần lớn Sách Bài đọc trong Thánh lễ. Một số phần đã được Rôma phê duyệt cho sử dụng như: Quy chế Sách lễ Rôma [2002]; Nghi thức Thánh lễ; các lễ mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay và mùa Phục sinh.1
Trong thực tế, chúng ta hiện đang chỉ sử dụng Nghi thức Thánh lễ [2002] kể từ năm 2005. Còn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, hầu hết trên các sách báo in ấn cũng như trên mạng internet, thậm chí cả trong giáo trình tại các học viện và chủng viện, đều vẫn còn trích dẫn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000]. Cũng may, giữa Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000] và Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] không có nhiều khác biệt lắm cho nên các trích dẫn đó ít bị rơi vào trường hợp sai nhầm, nhưng chắc chắn là lạc hậu.
Bởi vậy, trong khi chờ đợi toàn bộ Sách lễ Rôma [2002] được phát hành và sử dụng, để giúp độc giả cập nhật Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] dễ dàng hơn, bài viết này xin được nêu ra những điểm mới và khác giữa QCSL [1975] với QCSL [2000+2002] cũng như giữa QCSL [2000] và QCSL [2002] cùng với lời dẫn giải ở những chỗ cần thiết.
NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA QCSL [1975] VÀ QCSL [2000+2002]
1) Trong khi QCSL [1975] 261 chỉ phân biệt giữa bàn thờ cố định và bàn thờ lưu động thì QCSL [2000+2002] 298 còn thêm: bàn thờ là biểu tượng của Đức Kitô, tảng đá sống động (1 P 2,4; x. Ep 2,20).
2) QCSL [2000+2002] 277 hướng dẫn một cách chi tiết và cụ thể phải xông hương thế nào2 cho phù hợp với văn bản trong sách Lễ nghi Giám mục (LNGM) 91-93. Lý do là vì trong QCSL [1970] không có hướng dẫn này cho nên trong thực tế, một số linh mục đã xông hương cách hoa mỹ không cần thiết bằng cách ghi 3 lần hình chéo và 3 lần vòng tròn trong phần Chuẩn bị Lễ vật như được quy định trong Sách lễ 1570 và điều này trái với ý tưởng của Hiến chế Phụng vụ (PV) số 34.3
3) Khác với QCSL [1975] 132, QCSL [2000+2002] 138 nói chi tiết hơn về phần Lời nguyện Tín hữu cho phù hợp với LNGM 144, đặc biệt xác định không chỉ phó tế xướng ý nguyện mà có thể là “ca viên hay độc viên hay một người khác” nữa.
4) QCSL [2000+2002] 274: Những người mang Thánh giá hay mang đèn đi rước thì thay vì bái gối, họ chỉ cúi đầu(Điều này phù hợp với LNGM 71).
5) Nhà tạm
QCSL [2000+2002] 315 nói chi tiết hơn QCSL [1975] 276 khi cho biết về vị trí của Nhà tạm (phù hợp với LNGM 49) như sau:
Vì lý do dấu chỉ, không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh lễ. Do đó, tuỳ theo quyết định của Giám mục giáo phận, nên đặt nhà tạm: a. Hoặc trong cung thánh, ngoài bàn thờ dâng lễ, miễn là tương hợp với hình dáng và nơi chốn, không loại trừ trên bàn thờ cũ không còn được dùng để cử hành. b. Hoặc trong một phòng thích hợp cho sự thờ phượng riêng và cầu nguyện của tín hữu, dính liền với nhà thờ và dễ thấy đối với giáo dân.
Đặc biệt, QCSL [2000+2002] 316 bổ sung thêm về ngọn đèn gần Nhà tạm: “Theo thói quen truyền thống, gần nhà tạm phải có một ngọn đèn riêng cháy sáng thường xuyên, đốt bằng dầu hay sáp, để chỉ và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô”. Điều này phù hợp với số 940 của Bộ Giáo luật (GL).4 Đúng như QCSL [2000+2002] 316 và GL 940 chỉ ra, đây phải là ngọn lửa sống động được đốt bằng dầu hay sáp thực sự (oleo vel cera nutrienda), không phải là chất đốt bay hơi nhanh và không được dùng đèn điện thay thế.5 Liên quan đến việc nhà tạm phải luôn luôn được nhìn thấy, đèn nhà tạm có thể được lắp đặt trên giá đỡ ở bức tường, hay để trên một giá đứng hay treo lên theo hình thức truyền thống. Tuy nhiên, cũng như những đối tượng khác, đèn không được để ngay trước nhà tạm hay cửa nhà tạm.6
6) QCSL [2000+2002] 305 nói về sử dụng hoa trong mùa Vọng và mùa Chay7 (phù hợp với LNGM 48;236;252). Điều này nhằm đáp ứng những nguyên tắc thần học căn bản liên quan đến bản chất của năm phụng vụ: mỗi mùa cần có những sắc thái khác nhau và sử dụng những biểu tượng khác nhau. Ba điểm cần lưu ý trong thực hành là: i] Trang hoàng bàn thờ phải điều độ; ii] Hoa nên đặt gần bàn thờ hơn là trên bàn thờ; iii] Trang hoàng thế nào để không cản trở việc di chuyển của các thừa tác viên trong cung thánh và quanh bàn thờ cũng như không cản trở tầm mắt người tham dự nhìn thấy bàn thờ.8
7) QCSL [2000+2002] 19: khuyên linh mục cử hành Thánh lễ hàng ngày (phù hợp với GL[1983] 904 và Eucharisticum Mysterium 44) vì dù linh mục dâng Thánh lễ một mình hay với cộng đoàn thì cử hành này luôn luôn là hành động của Chúa Kitô cũng như của Hội Thánh và đem lại biết bao lợi ích thiêng liêng cho bản thân vị tư tế và cho các tín hữu. Có sự khác biệt rất lớn ở đây vì GL [1917] 805 chỉ đòi hỏi linh mục dâng lễ mỗi năm vài lần hay GL [1917] chỉ đề nghị Giám mục hoặc Bề trên dòng tu khuyến khích các linh mục thuộc quyền mình nên cử hành Thánh lễ ít là vào Chúa nhật mà thôi.9
(còn tiếp)
Lm. Giuse Phạm Đình Ái Dòng Thánh Thể
1 Xc. “Thông báo góp ý cho Bản dịch Sách lễ Rôma”trong http://www.giaophanphucuong.org/tin-tuc/tin-gh-viet-nam/thong-bao-gop-y-cho-ban-dich-sach-le-roma.html
2 QCSL [2000] 277: “Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu Thánh giá chúc lành mà không đọc gì. Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh lễ. Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh lễ, Thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân. Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ. Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây: a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông; b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái; Nếu Thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương Thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông Thánh giá khi đi ngang qua. Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông Thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình Thánh giá trên các lễ phẩm.”
3 “Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn; phải tránh những lập đi lập lại vô ích; phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích.”
4 “Trước nhà tạm lưu trữ Thánh Thể, phải luôn luôn thắp một chiếc đèn đặc biệt, để ghi dấu và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô”.
5 Xc. Mark E. Wedig – Richard S. Vosko, “The Arrangement and Furnishings of Churches for the Celebration of the Eucharist”, trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 376.
6 Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite(USA: Ignatius, 2004), 76.
7 QCSL [2000] 305.: “Nên giữ chừng mực khi trang hoàng bàn thờ. Trong mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh nhật Chúa. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa nhật Laetare (IV Mùa Chay), các lễ trọng và lễ kính. Việc chưng hoa phải luôn luôn điều độ, và nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ.”
8 Xc. Mark E. Wedig – Richard S. Vosko, “The Arrangement and Furnishings of Churches for the Celebration of the Eucharist”, trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, 365-366; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on theGeneral Instruction of the Roman Missal (Chicago:Liturgy Training Publication, 2011), 166.
9 Xc. Keith F. Pecklers, “Importance and Dignity of the Eucharistic Celebration”, trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, 104.