Trong Giáo hội có hai khoa chính: Khoa Thần học Tín lý, gồm những điều phải tin và khoa Thần học Mục vụ gồm những việc phải làm. Gọi tắt là khoa Tín lý và khoa Mục vụ. Mục vụ và thần học luôn gắn bó với nhau trở thành một thể thống nhất. Công đồng Vatican II là Công đồng mục vụ. Nhưng trong các văn kiện của Công đồng, có hai Hiến chế về Tín lý: Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum); Giáo hội (Lumen Gentium) và về mục vụ, có: Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay; Hiến chế về Phụng Vụ thánh. Còn lại là 19 sắc lệnh, ba tuyên ngôn và hai thư. Sau đây, tôi xin chia sẻ về Một thoáng thần học mục vụ.
Thần học là học về Thiên Chúa – những điều phải tin. Mục vụ là những việc phải làm – việc của mục tử chăm sóc Dân Chúa. Cụ thể là người đầy tớ, phục vụ con người toàn diện. Và toàn thể mọi người, cùng với môi trường tự nhiên, xã hội và sáng tạo.
Để đạt tới mục đích trên, Công đồng Vatican II đã đề ra:
Những nguyên tắc mục vụ
1. “Cả… Cả…”. Ví dụ: Cả hồn cả tinh thần cả xác; cả Đông cả Tây.
2. “Ân sủng và thực tại”. Cả ân sủng cả thực tại. Ví dụ: Đức tin là ân sủng và thực tại là khoa học.
3. Hiệp nhất trong dị biệt, trong đa dạng. Ví dụ: Hiệp nhất nhưng không đồng nhất, không hòa tan.
4. Thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ và bác ái trong hết mọi sự. Ví dụ. Điều chính có liên quan tới cốt lõi của Đạo, như Đức tin, luân lý và phong hóa; điều phụ: phong cách thể hiện, tùy thuộc cách diễn tả trong các nền văn hóa; và trong mọi trường hợp, bao giờ cũng phải lấy đức yêu thương trong sự thật làm trọng.
Đào luyện thần học mục vụ (theo văn kiện Công đồng Vatican II)
Về Thần học
1. Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, cho thấy Thánh Kinh, có thể nói là linh hồn của thần học. Thánh Kinh và Thánh Truyền làm nên một nền tảng Đức tin duy nhất.
2. Hiến chế Tín lý về Giáo hội. “Ánh sáng muôn dân” chỉ dẫn về chỗ đứng của Giáo hội trong thế giới. Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, mục đích đặc trưng và cơ bản nhất của các giáo huấn của Công đồng là lời kêu gọi nên thánh toàn cầu. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “khía cạnh vốn có và thiết yếu của lời dạy về Giáo hội”, là nơi “mọi Kitô hữu bất kể cấp bậc địa vị đều được kêu gọi đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự hoàn hảo của lòng bác ái”. Trong Tông thư Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: sẽ lấy Ánh sáng muôn dân làm cơ sở thảo luận để toàn thể Dân Chúa truyền đạo, tiếp cận truyền giáo, việc hòa nhập người nghèo vào xã hội, và hòa bình với đối thoại trong xã hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng bắt đầu lãnh đạo một cách tập thể hơn theo lời gọi của Công đồng, thông qua các Hội đồng Giám mục và một Hội đồng cố vấn toàn cầu gồm một số hồng y.
Về Mục vụ, Công đồng đã đưa ra các hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn, gồm:
1. Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay – “Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng” – xác định Giáo hội là “dân hành hương của Chúa” và là “sự hiệp thông” của Ánh sáng muôn dân, dựa trên lịch sử của Giáo hội và “các dấu chỉ thời đại”. Văn kiện giáo huấn mọi tín hữu được rửa tội có cùng nhiệm vụ Chúa Kitô giao cho Giáo hội: truyền đạo khắp thế giới một cách thức thời trong lúc hợp tác cùng Chúa Thánh Thần.
2. Hiến chế về Phụng vụ thánh – Sacrosanctum Concilium. Văn kiện đầu tiên được Công đồng thông qua về phụng vụ của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giải thích rằng một ý tưởng cơ bản của Công đồng là “đặt sự thần bí của Phục Sinh làm trung tâm của thân phận Kitô hữu, đời sống Kitô hữu, năm Kitô giáo, mùa Kitô giáo, tỏ ra trong lễ Phục sinh và Chúa nhật, luôn luôn là ngày Phục Sinh”. Vì thế phụng vụ, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, “vừa là đỉnh cao Giáo hội nhắm tới, vừa là nguồn gốc tất cả quyền lực của Giáo hội”.
3. Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội – Inter Mirifica. Sắc lệnh đề cập “Về tính quan trọng của phương tiện truyền thông” với sự tiến bộ của loài người và những đóng góp tín hữu Công giáo có thể làm.
4. Sắc lệnh về Hợp nhất – Unitatis Redintegratio. Sắc lệnh quan tâm đến việc “Tái lập sự hợp nhất”: Mọi bên, đều có lỗi trong tranh chấp gây nên ly giáo và tìm cách đối thoại hợp nhất “những anh em đã chia lìa”.
5. Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông phương khen ngợi “Các Giáo hội Đông Phương”, về phụng vụ và thần học, tuy ở xa nhưng vẫn hiệp thông với Rôma.
6. Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội – “Ad Gentes – Đến với muôn dân”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền giáo bên ngoài Giáo hội, nhất là qua việc hình thành các cộng đoàn ở giáo hội địa phương.
7. Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân – “Apostolicam Actuositatem – Hoạt động tông đồ”, khuyến khích giáo dân sống đạo và loan truyền Phúc Âm trong gia đình, nơi sở làm, và hoạt động xã hội.
8. Sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục – “Christus dominus – Chúa Kitô”, xác định thẩm quyền và nhiệm vụ của các giám mục trong giáo phận, trong cuộc họp cấp miền, và trong giáo hội nói chung.
9. Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục. “Presbyterorum Ordinis – Chức vụ Linh mục”, làm sáng tỏ nhiệm vụ của linh mục và sự tương giao giữa linh mục với giám mục và giáo dân.
10. Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục. “Optatam Totius – Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục”, kêu gọi huấn luyện các linh mục một cách nghiêm chỉnh, kể cả việc chú trọng đến các tiêu chuẩn cao, trong việc học, đời sống tâm linh và huấn luyện mục vụ.
11. Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu. “Perfectae Caritatis – Đức ái hoàn hảo”, kêu gọi canh tân cơ cấu tổ chức và quy luật, nhưng coi yếu tố then chốt để canh tân là thể hiện các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
12.Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo. “Dignitatis Humanae – Phẩm giá con người”, xác định phẩm giá căn bản của con người đòi hỏi quyền tự do về vấn đề tôn giáo. Mọi người phải được tự do thờ phượng theo lương tâm.
13. Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. “Nostra Aetate – Thời đại chúng ta”, kêu gọi cởi mở và cộng tác với các tôn giáo lớn trên thế giới.
14. Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo. “Gravissimum Educationis – Vai trò rất quan trọng của giáo dục”, xác nhận sự quan trọng của việc giáo dục Kitô hữu ở nhà, ở trường, và ở nhà thờ và kêu gọi cập nhật phương pháp giáo dục cho phù hợp các ngành khoa học xã hội.
15. Hai sứ điệp gởi thế giới: Nhân dịp khai mạc: Nhấn mạnh tới công bằng và hòa bình. Và nhân dịp bế mạc: Công đồng gởi bảy thư tới các thành phần đặc biệt Dân Chúa và nhà cầm quyền.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)