Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
“Bánh ăn hằng ngày”: sự vật hay dấu lạ?
24.4 Thứ Hai trong tuần thứ Ba Mùa Phục Sinh
Cv 6:8-15; Tv 119:23-24,26-27,29-30; Ga 6:22-29
“Bánh ăn hằng ngày”: sự vật hay dấu lạ?
Sau kinh nghiệm được ăn bánh thỏa thuê, đám đông vất vả ngược xuôi đi tìm Đức Giê-su. Họ đi tìm Người, đó có vẻ là một chuyển động của hành trình đức tin. Khi gặp được Đức Giêsu, họ hỏi Người như là để bắt chuyện: “Thưa thầy, thầy đến đây bao giờ vậy?” (c. 25) Nhưng thay vì khen ngợi và tiếp tục đáp ứng nhu cầu “ăn uống” của họ, Đức Giêsu đã nói cho họ rõ chuyển động sâu kín của con tim; chuyển động mà chính họ có thể không ý thức:
Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”! (c. 26)
Danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng lan rộng, nhất là sau cuộc hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Tuy nhiên, vì tình thương, nên Ngài đã làm phép lạ này chứ không phải vì muốn nổi danh! Nhưng đối với người Dothái, họ có lối suy nghĩ khác! Thay vì họ tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài, thì ngược lại, họ chỉ nghĩ đến cái bụng và khao khát được thỏa cơm đói. Vì thế, dân chúng nghĩ rằng: có Đức Giêsu hiện diện ở giữa họ thì có lẽ sẽ không phải đói khát và có khi chẳng cần làm lụng vất vả cũng có ăn! Thế nên, họ tìm cách để tôn vinh Ngài lên làm vua. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lánh đi để sang bờ bên kia trước họ.
Vì biết được lộ trình của Đức Giêsu, nên họ đã tìm mọi cách để gặp Đức Giêsu. Khi gặp Ngài, họ cất tiếng hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”, Đức Giêsu thừa biết mục đích của họ, vì thế Ngài nói ngay: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26 ). Khi nói như thế, Đức Giêsu mời gọi họ hướng tới một cuộc “vượt qua” khác, sâu xa hơn, đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh (x. Ga 6, 27 ).
Chúng ta cũng hãy để cho câu nói này của Đức Giê-su chất vấn con tim chúng ta, chất vấn chốn thẳm sâu nhất trong nội tâm chúng ta: chúng ta tin Chúa, tìm Chúa và theo Chúa vì điều gì? Phải chăng là để được “ăn bánh no nê”? Và “ăn bánh no nê” đối với chúng ta đã là gì và hiện nay đang là gì? Ngài biết rõ hướng đi sâu kín của cõi lòng chúng ta. Nhưng điều làm cho chúng ta yên tâm, đó là, dù biết rõ như thế, Ngài vẫn tiếp tục đối thoại, mời gọi, thậm chí mặc khải những điều sâu kín nhất nơi ngôi vị của Ngài. Chúng ta nên nhớ rằng, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi và có kẻ sẽ nộp Ngài; và Đức Giê-su biết như thế ngay từ đầu (c. 64). Biết là việc của trí năng, nhưng con tim của Ngài vẫn cứ muốn đặt trọn lòng tin nơi con người, dù người đó là ai. Bởi vì Ngài đến để cho con người được sống, và sống dồi dào, và bởi vì Thiên Chúa yêu mến Ngài như thế nào, Ngài cũng yêu mến con người như thế.
Vì thế, ngay trong lời trách đám đông, Đức Giê-su cũng đã chỉ ra con đường mà chúng ta phải đi: đón nhận lương thực hằng ngày, sự sống hàng ngày không như một “sự vật” để thỏa mãn nhu cầu và nhất là lòng ham muốn, nhưng như “dấu lạ”, dấu lạ Thiên Chúa ban để hướng chúng ta đến những gì cao quí, đến với “lương thực trường tồn”, đến với chính Chúa. Thực vậy, Ngài mời gọi:
Các ông hãy ra công làm việc
không phải vì lương thực mau hư nát,
nhưng để có lương thực trường tồn
đem lại phúc trường sinh,
là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông. (c. 27)
Khao khát hạnh phúc đích thực, nhưng lại chạy theo ảo ảnh; muốn sống sung mãn, nhưng lại chạy theo những phù phiếm chóng qua, có thể đó là bài học muốn ngỏ với chúng ta.
Tin mừng hôm nay dường như cũng muốn nhắc nhở chúng ta về sự lạc hướng ấy. Đám đông tụ tập bên Chúa Giêsu để được ăn uống thoả thích là hình ảnh của một nhân loại đang lạc hướng. Đám đông những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là những người đã từng chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, thế nhưng họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì đã tin nhận Ngài hoặc để lắng nghe giáo huấn của Ngài, mà chỉ mong được Ngài cho ăn uống no thoả.
Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Ngài đến để cho con người được sống và hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là nhận biết và yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn hảo.
Mùa Phục Sinh, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta ý thức về sự sống thần linh đang châu lưu trong tâm hồn người tín hữu. Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của người tín hữu trong trần thế này. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng người tín hữu luôn hướng về trời cao; bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình anh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không cha đạp nhân phẩm của người anh em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.
Ngày nay, trong đời sống đạo, nhiều người vẫn còn thói quen tin Chúa như những người Dothái. Tức là tin Chúa khi vui, lúc thành công, nhất là tin khi được lợi. Vì thế, chúng ta vẫn thấy có chuyện như: thích thì đi lễ, đi chầu, đọc kinh… không thích thì thôi!
Trong tâm tình cầu nguyện, mấy ai nghĩ đến chuyện chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì những điều kỳ diệu cũng như ơn lành Ngài đã làm cho! Hoặc liệu có ai xin Chúa cho được đạo đức, thánh thiện, sám hối, khiêm nhường, nhất là yêu mến Lời Chúa … Nhưng mỗi khi đến nhà thờ là lâm râm xin cho được cái này, được cái kia, nhất là xin cho được ăn ra làm nên… Mỗi khi như thế, chúng ta cũng không hơn gì người Dothái muốn tôn Chúa làm vua và đi tìm Ngài chỉ vì cái bụng chứ không phải vì lòng mến!