Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tin và làm chứng về Chúa Phục Sinh
13.4
Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 3:11-26; Tv 8:2,5,6-7,8-9; Lc 24:35-48
Tin và làm chứng về Chúa Phục Sinh
Tin Mừng thuật lại các lần Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ. Đoạn Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay là phần tiếp theo câu chuyện xảy ra với hai môn đệ người làng Emmaus.
Sau khi gặp Chúa Phục sinh, hai ông trở lại Giêrusalem gặp nhóm 12 và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Chính những người này bảo hai ông: “Thật, Chúa đã sống lại và hiện ra với Simon” (Lc 24, 33-34).
Chắc chắn các ông còn đang thao thao bàn tán về việc Đức Giêsu, Thầy các ông đã phục sinh, thì Đấng Phục sinh đã hiện ra với mọi người hiện diện ngay trong phòng.
Ấy vậy mà các ông tưởng Ngài là ma!
Để khẳng định cho các ông biết chính Ngài đã phục sinh [và không phải là ma], Chúa Giêsu đã cho các ông xem những vết thương; thậm chí Ngài còn ngồi ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.
Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca trình thuật nỗi sợ hãi bao trùm lên các Tông đồ, mặc dù các ông đang được hai môn đệ trên đường Emmaus báo tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông.
Nỗi sợ hãi của các môn đệ càng dâng lên tột độ khi thấy Đức Giêsu hiện ra và đứng giữa các ông.
Biết được tâm lý nơi môn sinh của mình, nên sau khi Phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các ông và câu đầu tiên Ngài ban cho các ông là: “Bình an cho anh em”.
Đây là lời trấn an, sau hàng loạt những ngày đen tối trong lo âu sợ hãi…
Khi ban bình an cho các ông, Chúa Giêsu muốn gạt đi nơi họ lòng sợ hãi đến tự ty, sự ngờ vực đến thất vọng… và khơi gợi lên trong lòng họ niềm tin và sự gắn bó với sứ vụ mà Ngài sắp trao phó.
Cũng từ đây, Chúa Giêsu đã khai mở lòng trí để họ nhớ lại những đoạn Kinh Thánh đã nói trước về Ngài cũng như sứ vụ cứu chuộc mà Ngài đã thi hành.
Chính niềm vui và bình an của Chúa phục sinh đã làm cho các môn đệ quên hết sợ hãi và lo lắng, vì thế, các ông đã sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi gươm đao hay đầu rơi máu đổ. Hơn nữa, các ngài còn coi những đau khổ đó là phần thưởng Chúa ban. Điều này đã được sách Công Vụ Tông Đồ nghi lại: “Chúng tôi vui mừng hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Trở thành nhân chứng của Ngài khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.
Nhưng trước hết, chúng ta phải có được sự bình an của Chúa trong tâm hồn, để đẩy lui những lo lắng, sợ hãi, bực bội, tức giận, hận thù, ganh ghét, kiêu ngạo…, có thế, chúng ta mới trở nên chứng nhân của Chúa cách đúng nghĩa.
Niềm tin vào Chúa phục sinh quả là không được chấp nhận một cách dễ dàng ngay từ đầu. Và việc sau đó các Tông đồ tin cho thấy các ông đã được chính Đấng Phúc sinh khuất phục với những lần hiện ra và với những bằng chứng không thể phủ nhận.
Vâng, được củng cố niềm tin bởi những lần Chúa hiện ra; được sức mạnh Thánh Thần thúc đẩy, các Tông đồ đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Phêrô và Gioan đã nói với các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ Do thái: “Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (Cv 4, 20). Bài đọc thứ I hôm nay, Phêrô và Gioan nói với dân chúng: “Đấng ban sự sống mà anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3, 15).
Là Kitô hữu, chúng ta tin Đức Kitô là Thiên Chúa làm Người, đã chịu chết, sống lại để cứu độ chúng ta.
Tuy nhiên, niềm tin của chúng ta thường rất non yếu. Rất nhiều lần, ta không cảm nhận sự hiện diện của Chúa Phục sinh ở giữa chúng ta. Biết bao lần chúng ta được chạm đến Chúa, được rước Người vào lòng; vậy mà thử hỏi ta đã ý thức thực sự Chúa phục sinh vẫn đang hiện diện và ở cùng chúng ta không? …
Vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện nên khi gặp khó khăn trong cuộc sống và trong sứ vụ, ta dễ chán nản; vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện, nên ta cũng chẳng mạnh dạn làm chứng về Chúa Phục sinh cho người khác!