Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Loan báo Giuda phản bội
4.4 Thứ Ba Tuần Thánh
Is 49:1-6; Tv 71:1-2,3-4,5-6,15,17; Ga 13:21-33,36-38
Loan báo Giuda phản bội
Giuda Iscario là một trong 12 tông đồ mà chính Chúa đã chọn, mặc dù Chúa biết ông sẽ phản bội. Nhưng Chúa qua đó muốn dạy con cái Ngài bài học.
Giuda có tên cuối cùng trong danh sách các tông đồ (Mt 10, 2-4). Giuda quê ở làng Iscari nên người ta gọi luôn là Giuda Iscrio để phân biệt với những người khác mang tên Giuda. Trong số 12 tông đồ chỉ có Giuda Iscario là quê hơng ở miền Nam của nước Do thái, còn đa số thuộc miền Bắc. Giuda Iscario đã trở thành môn đệ của Chúa từ biển hồ Tibêria. Nhưng từ sau khi Chúa tuyên bố về phép thánh Thể là Mình Máu Thánh Chúa thì Giuda thất vọng, vì trước đến nay ông theo Chúa vì tưởng đâu Chúa là Đấng cứu thế trong lãnh vực của cải như ông mong tưởng. Từ đó ông không tin. Và cũng từ đó ông biï gọi là “quỉ nhập” (6, 70). Và ông đã mất lòng tin đến chỗ phản bội Chúa…
Chính ông đã lợi dụng chức vụ quản lý và bữa ăn để ra đi phản bội (c. 27). Trong khi các môn đệ ngồi dự tiệc thì Giuda ra đi. Việc đó đối với các môn đệ dễ hiểu, vì Giuda làm quản lý phải đi lấy thêm đồ ăn thức uống hoặc có thể Giuda đi giúp đỡ kẻ nghèo khó chăng. Nhưng Chúa Giêsu biết và biết rõ đến nỗi Chúa bảo Giuda “ngươi tính làm gì thì làm mau đi” (c. 27).
Mặc dầu thế, Giuda vẫn không sợ gì tội ác mà cứ khăng khăng ra đi mà tưởng không ai biết. Những người phản bội và dối trá mấy khi tưởng mình bị lộ diện vạch mặt đâu. Giuda vào trường hợp ấy. Giuda không ngờ hành động của ông trong đêm tối lại bị phơi bày trên sách vở của Kinh thánh cho đến tận thế.
Đây cũng là một bài học đắt giá cho cuộc đời con cái Chúa. Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng mọi sự thật một ngày nào đó sẽ được phơi bày hết không ? Những gì được giấu giếm trong thời gian, cuối cùng cũng chính thời gian tiết lộ ra. Kinh thánh nói rằng: “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa. Tất cả sẽ phải phơi bày trần trụi trước mặt Đấng mà chúng ta phải trả lẽ với Ngài”, “Ta là Thiên Chúa, ta thấu suốt mọi tâm can ngươi từng gang tấc…”, “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt nơi kín nhiệm…” (Mt 6, 6) cho nên không một ai chạy tội được với Ngài đâu.
Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi sâu vào tâm tư Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai đặc điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước cuộc Thương Khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các đồ đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa. Là một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xảy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh, Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời.
Nơi chương17 sau đó, Chúa Giêsu nói rõ ra nội dung chính của việc tôn vinh này như sau: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh con Cha để con Cha tôn vinh Cha theo quyền năng Cha đã ban cho Người trên mọi phàm nhân, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Ðấng Cha sai đến là Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm”. Chúa Giêsu ý thức rõ ràng về chương trình Thiên Chúa Cha muốn thực hiện, Chúa muốn thực hiện điều đó cách hoàn hảo, nhưng đồng thời ý thức rõ ràng điều tệ hại mà các môn đệ của Ngài đang liều sa vào. Giuđa sắp phản bội, Phêrô sắp chối bỏ Ngài, nên Chúa xao xuyến sâu xa.
Nhưng tội lỗi của con người không thể làm hư chương trình của Thiên Chúa. Cho đến tận cùng, Chúa làm những gì có thể làm được để thức tỉnh người tội lỗi. Chúa hành xử với mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm, âm thầm với Giuđa và công khai với Phêrô. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn, đón nhận Satan, từ bỏ ánh sáng, tự ý bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến mức tuyệt vọng, vì trong tâm hồn ông không còn chút tình yêu nào đối với Chúa nữa. Phêrô cũng sẽ sa ngã, nhưng tình yêu Chúa nơi ông giúp ông ăn năn trở lại, bắt gặp cái nhìn của Chúa.
Dưới ngòi bút của Gioan, ánh sáng và bóng tối mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Nhưng ở đây bóng tối được sử dụng để diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Giuđa trong âm mưu đen tối của y nơi đoạn Tin mừng hôm nay. Bóng đêm luôn ngự trị khi con người chủ ý quay lưng lại với Chúa Giêsu, bóng đêm luôn xâm chiếm tâm hồn khi con người nghe theo sự xúi giục của sự dữ hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa. Bóng đêm luôn giữ phần thắng khi hận thù, gian tham bóp chết sức mạnh của tình yêu. Bóng đêm xâm chiếm cõi lòng khi con người khước từ tình yêu Thiên Chúa như trường hợp của Giuđa.
Trước khi Giuđa đứng dậy bỏ bàn tiệc thân hữu để đi vào bóng đêm, Chúa Giêsu đã dùng mọi phương thế để cảnh tỉnh Giuđa : trước tiên là lời tiên báo công khai : “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: một trong các ngươi sẽ nộp Ta”, nhưng Giuđa giả điếc làm ngơ không, nghe lời cảnh tỉnh ấy. Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy không chút rung động, đến độ thánh Gioan diễn tả hậu quả trái ngược :”Aên miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y”. Sau cùng, Chúa Giêsu dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng qua câu nói : “Người tính làm gì, thì làm mau đi”, câu này ngụ ý rằng âm mưu của người, Ta đã biết, làm sao môn đệ lại có thể âm mưu phản Thày”. Tuy nhiên, những lời nói và cử chỉ thân tình ấy đã không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi.
Ngày thứ ba tuần thánh, khi đưa ra một Giuđa cứng lòng bướng bỉnh, tiến vào bóng đêm của phản bội, của tội lỗi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để chấp nhận lời cảnh tỉnh và nhất là đón nhận những cử chỉ thân tình yêu thương của Chúa Giêsu, để bừng sống dậy nhập đoàn những người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng tình thương mà Ngài đã khởi xướng khi tuyên bố : “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu”, “Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con”.
Ước gì sự hiến thân chết vì tình yêu trên Thập giá của Chúa dẫn chúng ta từng bước thoát khỏi bóng đêm của tội lỗi để tiến vào ánh sáng của Chúa Nhật Phục sinh.