Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Ta là Con Thiên CHúa
31.3 Thứ Sáu Thứ Sáu trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Gr 20:10-13; Tv 18:2-3,3-4,5-6,7; Ga 10:31-42
Ta là Con Thiên CHúa
Thêm một lần nữa: người Do thái lượm đá ném Chúa Giêsu (8,59). Lần này thì Chúa không ẩn mình đi nữa. Ngài đứng lại đối chất với họ. Có hai câu nói làm người ta tức mình ném đá là “Ta là Con Thiên Chúa” (c.36) và “Cha Ta và Ta là một” (c. 30). Qua hai câu nói trên, Chúa Giêsu xác định Ngài là Thiên Chúa thực sự.
Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Người xưa có nói: “Giận mất khôn”, người Do Thái vì giận Chúa nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người công nhận là một ngôn sứ đích thực. Ông đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói. Lời chứng của một người chân thật thì phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.
Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các nguồn dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật, chắc chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, để đến với Chúa Giêsu.
Lần giờ những trang Phúc âm theo thánh Gioan, chúng ta còn gặp thấy nhiều đoạn văn Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa của Ngài là Cha và xưng mình là Con. Trong Phúc âm Gioan, chúng ta gặp được kiểu nói Cha Con, hay Cha Ta tới 100 lần, Mattheu có 31 lần, Marcô và Luca có 4 lần. Rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện bằng chữ Cha và xưng Con: “Lạy cha, con xin phó linh hồn con” (Lc 23,46), “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” (Mt 21,43). Chúng ta biết trong ngôn ngữ Do thái, chữ “Con Thiên Chúa” có nghĩa “Là Thiên Chúa”. Chính viø thế người Do thái nghe thấy thế đã lấy đá ném và cho là lộng ngôn phạm thượng.
Lời Thánh vịnh 82,6, khi nói về vua chúa và các thẩm phán của Israel, đã gọi họ là thần thánh. Thực ra thì gọi như vậy không phải là vì họ thần thánh gì đâu, mà chỉ vì ở nơi họ, lời của Thiên Chúa được thi thố.
Nếu như thế thì ở nơi Chúa Giêsu còn hơn thế nhiều, vì không những lời của Thiên Chúa được thi thố ở nơi Ngài, mà Ngài còn là hiện thân của chính Thiên Chúa nữa. Ngài là Ngôi Lời. Ngài và Cha Ngài là một.
Thế nhưng sự thật ấy, khi được chính Ngôi Lời mạc khải điều đó, thì những người Israel đã không chấp nhận, mà lại còn cho Chúa Giêsu là kẻ phạm thượng, vì thế họ đã ném đá Ngài.
Thân phận đó của Chúa Giêsu luôn là thân phận của những tiên tri, những môn đệ của Ngài trong mọi thời đại.
Bổn phận của những tiên tri, môn đệ của Chúa đó là chuyển đạt lời của Chúa đến cho những người khác. Thế nhưng công việc đó thường bị chống đối, mà lý do của sự chống đối đó chỉ là vì những lời mà họ chuyển đạt là những lời chân thật.
Ta cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang dấn thân cho công cuộc rao truyền lời Chúa, được trung kiên trước những chống báng của người đời, và luôn nhìn lên Chúa Giêsu, vị tiên tri đầu tiên của Thiên Chúa, để tìm lấy ở nơi Ngài, sức mạnh thi hành sứ mạng tiên tri của mình.