Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Giá phải trả của người dấn thân loan báo Tin Mừng
3.2 Thứ Sáu Thứ Sáu trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
Dt 13:1-8; Tv 27:1,3,5,8-9; Mc 6:14-29
Giá phải trả của người dấn thân loan báo Tin Mừng
Tin mừng hôm nay nhắc đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Có vẻ như thánh sử Máccô không lôgic lắm khi đang trình bày sứ vụ công khai của Chúa Giêsu cùng với việc Ngài tuyển chọn và sai các môn đệ đi loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, thì bất ngờ ở đây lại nhắc đến việc Gioan Tẩy Giả bị chém đầu.
Thực ra, việc đề cập đến cái chết của Gioan Tẩy Giả là có dụng ý của thánh sử. Số mạng củaGioan Tẩy Giả báo trước số mạng của Chúa Giêsu cũng như định mệnh các môn đệ của Ngài. Con đường làm chứng cho Tin mừng Nước Thiên Chúa là con đường chông gai, đau khổ, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Nhưng những người dấn thân tới cùng cho sự thật như Gioan Tẩy Giả và các môn đệ chắc chắn sẽ được chỗi dậy như Chúa Kitô Phục Sinh chỗi dậy từ cõi chết.
Trong Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại cho chúng ta cuộc tử nạn của thánh Gioan Tẩy giả. Khi ấy, danh tiếng Chúa Giêsu lẫy lừng vì những lời giảng và hành động thật uy quyền đã đến tai Hêrôđê khiến ông ta sống bất an, lương tâm cắn rứt và nghĩ rằng chính Gioan Tẩy giả tiếp tục sống trong Đức Giêsu. Những ray rứt của kẻ giết người lại nổi lên trong con người ông và lên án chính ông. Đây chính là tâm trạng của những kẻ gây ra những điều gian ác. Tâm hồn họ đã đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa. Tiếng lương tâm cắn rứt chính là dấu chỉ Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi họ hối cải.
Gioan Tẩy giả không phải là ánh sáng, nhưng chỉ đến làm chứng cho ánh sáng. Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị tiên tri. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời minh chứng của mình. Gioan Tẩy giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình. Cái đầu phải trả giá là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị tiên tri sau cái chết đóng đinh nơi thập giá đối với người Do thái lúc đó. Gioan Tẩy giả đã tự xóa mình để cho Đấng Cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại. Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: Ngài không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý.
Còn vua Hêrôđê, ông là hình ảnh của những con người yếu đuối, hướng chiều theo tội lỗi. Sở dĩ ông tống ngục ông Gioan Tẩy giả là cũng vì nghe lời Hêrôđiađê xúi giục, chứ riêng ông thì ông nể sợ Gioan Tẩy giả, vì biết Gioan là người công chính thánh thiện. Marcô viết: “Ông che chở Người. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại thích nghe”. Hêrôđê chính là mẫu người yếu đuối, buông theo sự dễ dãi đến khi muốn trở lại thì đã quá trễ, không thể làm lại được nữa.
Hêrôđê để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bày ra, rồi lỡ miệng thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết người vô tội. Cũng vậy, xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ luỵ sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì quay đầu sửa lỗi, lại tìm cách ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng ám hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.
Còn bà Hêrôđiađê từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Tẩy giả can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nuôi lòng thù hận và đã bày ra trò mỹ nhân kế của cô con gái, rồi dùng bàn tay tình nhân để hãm hại người công chính. Bà là mẫu gương sống theo sự dữ. Đã phạm tội loạn luân, lấy em chồng của mình thì chớ, lại còn căm thù ông Gioan và muốn giết ông…
Giữa xã hội hôm nay cũng thế, nhiều người không ngại dùng nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám hay những việc làm sai trái của mình.
Gioan Tẩy giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn còn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần Gioan Tẩy giả, của các Tông đồ, của các thánh Tử đạo, đã sống mãi trong Giáo hội và trở thành dây liên kết mọi Kitô hữu. Điều này luôn được Giáo hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt của các thánh được đặt trên bàn thờ.
Con người ngày nay quá say mê với danh vọng, vật chất thế gian mà sẵn sàng chà đạp lên sự thật, công lý. Chính lối sống đó đã đẩy người ta vào tình trạng sa đọa và chết chóc muôn đời. Ngược lại, nếu ta dân thấn vì Tin mừng cho đến độ có thể phải mất mạng sống mình như Gioan Tẩy Giả và các môn đệ xưa kia, thì ta sẽ được chỗi dậy với Chúa cho một đời sống mới. Nói như thánh Phanxicô Assisi: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời!