Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Phúc thật
29.1. Chúa Nhật Chúa Nhật thứ Tư Mùa Quanh Năm
Xp 2:3,3; Tv 146:6-7,8-9,9-10; 1 Cr 1:26-31; Mt 5:1-12
Phúc thật
Trong dịp đầu năm, chúng ta thường cầu chúc cho nhau 365 ngày hạnh phúc. Trong những bức thư, chúng ta thường nguyện ước cho nhau gặp nhiều may mắn, thế nhưng trái chín hạnh phúc vẫn ở ngoài tầm tay của chúng ta, vì cả chúng ta lẫn những người chung quanh không ai có đủ yêu thương và đủ quyền phép để thực hiện những điều mong ước. Bởi đó đau khổ vẫn chồng chất trong cuộc sống, đau khổ vì nghèo đói, vì bệnh tật, vì chết chóc. Đau khổ vì thất bại, vì chia ly, vì những cám dỗ đè nặng. Và hạnh phúc mãi mãi vẫn là một khát vọng chưa một lần nguôi ngoai.
Tất cả những gì mà người ta nghĩ là hạnh phúc thì Chúa Giêsu lại không nghĩ vậy, giáo huấn của Người hoàn toàn biệt lập về sự hạnh phúc là gì, làm thế nào và khi nào chúng ta đạt được hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều đã nghe lời giáo huấn của Người nhưng có lẽ chúng ta hoàn toàn thất bại trong việc nắm bắt cho dù là một đặc tính duy nhất mà Chúa Giêsu đã tuyên bố.
Nhiều người ao ước được giàu có và danh tiếng như ông vua phần mềm máy tính này, thậm chí chỉ xin được bằng cái số lẻ của ông thì đã vô cùng hạnh phúc. Bởi vì “Có tiền mua tiên cũng được!” Hay như thời nay người ta thường nói:
“Đồng tiền là Tiên là Phật
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng che thân,
Là cán cân công lý,
Đồng tiền là hết ý”.
Nhưng Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại tuyên bố: “Hạnh phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Hơn nữa, Người còn cho là hạnh phúc những ai hiền lành, sầu khổ, bị bách hại…
Giáo Hội gọi đó là Hiến Chương Nước Trời, nghĩa là chỉ những ai sống và thực thi những điều ấy mới được làm công dân của Nước Trời.
Với người không có niềm tin thì đó là một điều hết sức nghịch lý. Nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, bị bách hại… không thể mang lại hạnh phúc mà chỉ đem đến những bất hạnh thiệt thòi, khinh bỉ mà thôi.
Như vậy phải chăng Chúa Giêsu ngăn cản nền văn minh tiến bộ của nhân loại đang vươn tới hùng cường, thịnh vượng sao? Phải chăng Người ủng hộ cho hành động bóc lột và đàn áp? Hoàn toàn trái lại. Người đã nói: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Vì thế, làm môn đệ Đức Giêsu là phải xua đuổi nghèo nàn và lạc hậu khỏi thế giới này, là phải đẩy lui đau khổ và bất công xa rời con người. Đó là những vị khách không mời mà đến, và chúng ta phải có nhiệm vụ tống khứ chúng ra khỏi mái nhà của nhân loại. Đây là mục tiêu giải quyết của Kitô giáo, và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu chúng ta.
Thực ra, ai cũng biết rằng nghèo không đương nhiên là khổ, đã đành rằng nghèo và khổ thường đi đôi với nhau. Trái lại, giàu có cũng không tất nhiên đem lại hạnh phúc. Vấn đề hạnh phúc chủ yếu ở tại cái Tâm. Bởi thế các bậc thánh nhân, bằng những ngôn ngữ khác nhau, nhưng hầu như đều nhất trí trong việc đề cao đời sống tâm linh. Đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu đề cao tâm hồn nghèo khó, hiền hậu, dám chấp nhận đau hkổ, yêu thích sự chính trực, thương xót anh em đồng loại, trong sạch và xây dựng hoà bình.
Thực vậy, những đức tính trên đây là những đức tính người nghèo của Thiên Chúa, theo truyền thống Kinh Thánh. Người nghèo của Thiên Chúa không phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ luôn tin tưởng phó thác nơi Chúa, biết sống cho Ngài và cho anh em đồng loại. Lấy Chúa làm gia nghiệp và luôn sống trong tình liên đới với anh em. Thực thi điều răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người.
Nói theo tư tưởng Đông phương, thì hạnh phúc chủ yếu ở chỗ thực hiện được sự hoà điệu giữa lòng mình với lòng trời, giữa lòng mình với lòng người, nghĩa là sống cho hợp lòng người và lấy lòng trăm họ làm lòng mình.
Trong tám mối phúc thật, Chúa Giêsu cho thấy hạnh phúc của chúng ta tuỳ thuộc vào mối tương quan ba chiều giữa chúng ta với Thiên Chúa, và giữa chúng ta với anh em đồng loại.
Tận thẳm sâu của tâm hồn, ai cũng có nỗi khao khát cháy bỏng được sống hạnh phúc, ai cũng muốn người khác đem lại phúc lộc cho mình. Nhưng hạnh phúc đích thực chỉ đến với những người biết đem lại hạnh phúc cho kẻ khác, và hết lòng quảng đại với tha nhân. Chúa Giêsu đã dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Nhà truyền giáo Albert Schweiltzer quả quyết: “Người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ”.
Hạnh phúc đích thực không đo bằng của cải con người thu tích được, không tùy thuộc nơi những thành đạt mà họ có, cũng không đến từ danh vọng mà con người chiếm hữu, nhưng chính là do nơi họ biết hoàn toàn tín thác vào Chúa mà thôi. Sự giàu có đích thực là sự giàu có ở trái tim, không phải ở túi tiền.