Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Trở nên muối
13.12. Thánh Lucia, Đttđ
Xp 3:1-2,9-13; Tv 34:2-3,6-8,17-18,19,23; Mt 21:28-32
Trở nên muối
Thánh nữ Lucia quê tại Syracusas, Sicily thuộc nước Ý. Sinh vào khoảng thời gian năm 283, dưới thời hoàng đế Diocletien, một vị vua tàn bạo thù ghét người Kitô hữu. Tên của thánh nữ có nghĩa là sự sáng nhưng đời của Ngài vẫn bao trùm trong bóng tối. Ngài là một vị thánh được ưa chuông nên có nhiều câu chuyện ly kỳ được truyền tụng về cuộc đời của Thánh nữ.
Thánh nữ là con gái một gia đình giàu có, mồ côi cha lúc còn thơ ấu. Eutychia mẹ Lucia là một người mẹ phúc hậu và mộ đạo nuôi nấng dạy dỗ. Khi còn là một cô gái nhỏ thánh nữ đã thề nguyền giữ dồng trinh để tận hiến cuộc đời mình cho Chúa.Vì không muốn ai biết nên thánh nữ đã giữ kín cả với mẹ ý nguyện của mình.
Ðến tuổi cập kê, mẹ Lucia hứa hôn gả Lucia cho một thanh niên giàu có. Ðó là chuyện thường tình theo tập tục thời bây giờ giữa hai gia đình quen biết và không cần đến sự thỏa thuận của đôi bạn trẻ.
Lucia cho mẹ biết là ngài không muốn lấy chồng và tìm mọi cách để tránh mặt vị hôn phu. Mẹ ngài cùng người hôn phu tức giận nhưng ngài vẫn giữ bí mật lời thề nguyền và chỉ cầu xin Chúa gìn giữ ngài.
Mẹ ngài bị bệnh băng huyết trầm trọng nên tàn tạ ốm yếu, Lucia nhắc mẹ về câu chuyện người đàn bà bị băng huyết trong sách Tin Mừng chỉ nhờ sờ vào tua áo của Chúa mà được khỏi bệnh. Lucia khuyên mẹ hãy đến viếng mộ bà Thánh Agatha để cầu xin lành bệnh.
Khi ở mộ thánh Agatha thì mẹ bà được phép lạ lành bệnh. Thánh Agatha hiện ra với Lucia trong giấc mơ và báo cho Lucia biết là ngài sẽ được phúc tử vì đạo để làm sáng danh Chúa Kitô. Lucia liền kể cho mẹ nghe lời thề của ngài và cầu xin mẹ thay đổi ý kiến. Ðược phép lạ lành bệnh mẹ ngài đành chấp thuận chiều theo ý con gái. Sau biến cố này, Lucia từ chối lời cầu hôn và bán hết phần gia tài mà bà mẹ dành cho làm của hồi môn, rồi phân phát cho người nghèo khó.
Vị hôn phu lấy làm thất vọng và oán hận nên đi tố cáo với quan tổng trấn Lucia là một Kitô hữu. nên Lucia đã bị bắt và dẩn đến trước mặt quan Paschasius.
Vị quan này dùng lời đường mật cũng như mọi khổ hình để bắt Ngài phải dâng hương tế thần, nhưng thất bại. Ông truyền điệu Ngài tới nơi tội lỗi để hủy diệt đức trinh khiết của Thánh nữ, nhưng lạ thay Chúa đã khiến thân xác của Ngài trở nên nặng như núi đá đến nỗi không ai kéo đi được. Ông liền ra lệnh tẩm dầu vào người rồi đốt, nhưng một lần nữa Chúa đã gìn giữ thân xác Ngài toàn vẹn giữa đống lửa hồng.
Cuối cùng Thánh nữ Lucia đã được lãnh phúc tử đạo dưới lưỡi gươm của lý hình năm 304 dưới thời bắt đạo của Diaclêtianô. Trước khi chết, Ngài đã tiên đoán Giáo Hội sắp được bình an. Xác Ngài được chôn cất ngay tại quê hương.
Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên muối ướp mặn cho đời và ánh sáng cho trần gian. Với thánh nữ Lucia, suốt cuộc đời ngài đã sống triệt để lời mời gọi của Tin Mừng. Thậm chí, ngài sẵn sàng chịu tử đạo để minh chứng cho đức tin. Chính nhờ cuộc tử nạn của Thánh nữ Lucia đã nuôi dưỡng sâu xa lòng đạo đức của các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ.
Khi phác họa lại hình ảnh thánh nữ Lucia, người ta vẽ ngài đang bưng chiếc đĩa để cặp mắt của ngài hay cầm cặp mắt ngài trong các ngón tay. Tên Lucia bắt nguồn từ tiếng la tinh lux, có nghĩa là ánh sáng. Quả thật, cuộc đời của thánh nữ tựa như ánh sáng dẫn đường chúng ta đến với Thiên Chúa, Đấng là Mặt Trời Công Chính, là cội nguồn ánh sáng.
Qua dụ ngôn “Hai người con”, Đức Giê-su muốn gián tiếp cảnh cáo thái độ cứng lòng của các đầu mục dân Do Thái, và kêu gọi họ phải ăn năn sám hối nếu muốn được hưởng ơn cứu độ. Dụ ngôn trình bày về hai thái độ của hai đứa con trong một gia đình:
Cả hai người con đều được cha đề nghị với giọng thân tình là đi làm vườn nho cho ông. Phản ứng của họ hoàn toàn khác nhau. Người thứ nhất trả lời bằng một câu “Con không muốn” khô khan và bất lịch sự, không đưa ra một lý do nào. Nhưng rồi anh nghĩ lại, “hối hận”, và đi làm việc trong vườn nho. Người thứ hai đáp lại bằng một câu “Con đây, thưa ngài!” lịch thiệp và khả ái: một kiểu xưng hô hợp với một nô lệ hơn là với một người con; anh hứa vâng phục. Tuy nhiên, anh lại không đi đến vườn nho.
Người thứ nhất tượng trưng các người thu thuế tội lỗi, tuy lúc đầu đã phạm tội không làm theo thánh ý Thiên Chúa khi không tuân giữ Luật Mô-sê, nhưng đã tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và hồi tâm sám hối tội lỗi, nên đủ điều kiện vào Nước Thiên Chúa của Người.
Người con thứ hai tượng trưng cho các thượng tế và đầu mục dân Do thái. Tuy bề ngoài họ rất có lòng đạo, thể hiện qua việc tuân giữ Luật Mô-sê trong từng chi tiết, nhưng lại cứng lòng không tin vào Gio-an Tẩy Giả và Chúa Giêsu do Thiên Chúa sai đến. Trái lại còn ra tay giết hại Chúa Giêsu trên cây thập giá. Nên cuối cùng họ sẽ bị loại ra ngòai Nước Thiên Chúa.
Chúng ta học nơi Chúa Giêsu bài học là không có nhận định kiểu thành kiến về giá trị tôn giáo của người ta dựa theo cách phân loại các hạng người tùy các dấn thân theo nguyên tắc hay các lý thuyết của họ. Chỉ lối sống thực tế mới cho thấy lòng dạ con người.
Dù đã nói “không”, hoặc đã sống xấu xa, chẳng một ai lại phải tuyệt vọng. Câu trả lời đầu tiên không phải là lời quyết định, nếu ta không ở lại trong lời ấy, nếu ta biết điều chỉnh nó và vượt thắng nó bằng lối cư xử đúng đắn tiếp sau. Và lối xử sự đúng đắn của những người trước đấy đã sống sai lạc hẳn là phải thúc đẩy những người vẫn tự nhận là tốt lành đi đến hoán cải, nhưng không khiến họ bắt chước hành động trước đây của mình.
Dù chúng ta hay người anh em có thế nào, tất cả đều là con của cùng một Cha, được Ngài thương trọn vẹn, tín nhiệm trọn vẹn, và giao công việc đồng đều: chăm sóc chính vườn nho của Ngài. Chúng ta có biết nhận ra vinh dự đó mà sống cho nghiêm túc đời sống và sứ mạng của mình, đồng thời giúp anh chị em cũng sống được như thế chăng?