skip to Main Content

Vinh Quang Thiên Chúa

29.11 Thứ Ba trong tuần thứ Nhất Mùa Vọng

1 Ga 2:3-11; Tv 96:1-2,2-3,5-6; Lc 2:22-35

Vinh Quang Thiên Chúa

Xưa kia khi dân Chúa đi qua sa mạc để vào Đất Hứa, vinh quang Thiên Chúa đã ngự nơi Nhà Tạm, nơi Khám Giao Ước (Xh 40, 34 – 38) để dẫn dắt họ. Khi vào Đất Hứa, dân Chúa xây Đền Thờ Giêrusalem để kính Đức Chúa, thì vinh quang Ngài ngự nơi Đền Thờ (1 V 8). Khi Đền Thờ bị phá hủy, thì vinh quang Chúa rời bỏ nơi ấy (Ed 10). Nhưng Chúa không vì thế mà bỏ rơi con người cách tuyệt đối. Ngài hứa rằng trong tương lai Ngài sẽ lại lấp đầy Đền Thờ bằng vinh quang cứu độ rạng ngời, vinh cửu của Ngài (Kg 2, 1 – 9; Dcr 8 – 9).

Theo Cựu Ước, vị “Sứ giả của giao ước” sẽ xuất hiện cách uy quyền (x. Ml 3, 1-3) và thánh Gioan Tẩy Giả cũng vậy (x. Mt 3, 12). Thế nhưng, theo Tin Mừng, Chúa Giêsu – Sứ giả của giao ước – lại tiến vào đền thờ cách âm thầm, dưới hình hài của một trẻ thơ, nên không ai nhận ra Người cho đến khi ông Simêon loan báo: Hài Nhi Giêsu mà ông đang bồng ẵm trên tay chính là “Ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2, 30-32). Ông Simêon: người công chính, sùng đạo, đầy Thánh Thần và sống trong chờ đợi, nên ông đã được phúc nhận ra Đấng Cứu Thế.

Hai chương đầu của sách Tin Mừng Luca không phải là một câu chuyện lịch sử theo ý nghĩa mà chúng ta gán cho lịch sử.  Chúng dùng để phục vụ hơn là bất cứ điều gì khác, nó như một tấm gương phản chiếu mà trong đó những Kitô hữu tòng giáo từ lương dân, khám phá ra rằng Đức Kitô đã đến để thực hiện những lời tiên tri của Cựu Ước và để đáp ứng những khát vọng sâu xa hơn của trái tim nhân loại.

Sau đó, chúng là biểu tượng và là tấm gương của những gì đã xảy ra giữa các Kitô hữu vào lúc sách Tin Mừng Luca được viết.  Các cộng đoàn đến từ Lương Dân đã được khai sinh từ các cộng đoàn người Do Thái cải đạo, nhưng họ rất đa dạng.  Tân Ước không tương ứng với những gì Cựu Ước mường tượng và mong đợi.  Đó là “dấu hiệu của sự mâu thuẫn” (Lc 2, 34), nó là cái cớ cho sự căng thẳng và là nguyên nhân của sự đau khổ tột cùng, của sự đớn đau.  Trong thái độ của Đức Maria là hình ảnh của Dân Chúa, tác giả Luca đại diện một mẫu mực cho cách làm thế nào để kiên trì trong Tân Ước, mà không phản bội lại Cựu Ước.

Trong hai chương này của sách Tin Mừng Luca, mọi việc xoay quanh việc chào đời của hai hài nhi:  ông Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu.  Hai chương này khiến cho chúng ta cảm thấy hương thơm của sách Tin Mừng Luca.  Trong đó, môi trường là sự dịu dàng và lời ngợi khen.  Từ đầu chí cuối, có lời ngợi khen và ca ngợi, bởi vì cuối cùng, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được mặc khải trong Hài Nhi Giêsu; Chúa hoàn thành những lời hứa đã làm với các Tổ Phụ.  Và Thiên Chúa hoàn thành chúng nhân danh người nghèo khó, kẻ bần hàn, giống như bà Êlisabéth và ông Giacaria, Đức Maria và thánh Giuse, bà tiên tri Anna và cụ ông Simêon, các mục đồng.  Tất cả họ đã biết cách chờ đợi sự xuất hiện của Chúa.

Sự khẳng định của tác giả Luca trong việc nói rằng Đức Maria và thánh Giuse đã làm tròn mọi việc như Lề Luật đặt ra, gợi nhớ lại những gì thánh Phaolô đã viết trong các Thư gửi tín hữu Galát:  “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4, 4-5).

Câu chuyện của cụ già Simêon dạy rằng hy vọng, thậm chí nếu không phải là ngay lập tức, sẽ được thực hiện vào một ngày nào đó.  Đó không phải là việc nản lòng, nó được thực hiện.  Nhưng phương cách không luôn tương ứng với những gì chúng ta tưởng tượng.  Cụ già Simêon đã chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel.  Đi đến Đền Thờ ở giữa nhiều cặp vợ chồng đã đem con mình đến đó, ông trông thấy việc thực hiện niềm hy vọng của mình và niềm hy vọng của Dân Chúa Israel:  “Chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel Dân Chúa”.

Trong văn bản của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có những chủ đề ưa thích của thánh Luca, đó là, lời khẳng định mạnh mẽ về hoạt động của Chúa Thánh Thần, về lời cầu nguyện và về môi trường cầu nguyện, một sự chú ý liên tục đến hành động và sự tham gia của các người phụ nữ và mối quan tâm thường trực đến những người nghèo khó và sứ điệp cho những người nghèo khó.

Đức Vua theo lời Thiên Chúa hứa không ai khác ngoài Đức Giêsu, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Hôm nay, Ngài được dâng vào Đền Thờ để lời hứa của Thiên Chúa xưa kia được hoàn tất.

Có thể nói, Vinh Quang Thiên Chúa giờ đây không còn ở trên trời cao nữa, nhưng đã “trở nên xác phàm” để nhân loại mọi thời, mọi nơi có thể đụng chạm và cảm nếm được cách thiết thân sự hiện diện đích thật, tỏ tường của Ngài.

Vinh quang Thiên Chúa giờ đây đã thành xương thành thịt và không chỉ chiếu tỏa trên dân Do thái mà thôi, nhưng còn chiếu rọi vào mọi ngóc ngách của thực tại trần gian như cụ già Simeon đã thốt lên: “(…) Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2, 30).

 

Back To Top