Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Niềm tin đời sau
19.11 Thứ bảy Tuần XXXIII
Niềm tin đời sau
Con người sinh ra từ đâu? Sống ở trên đời này để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi luôn làm bận tâm và bám chặt vào thân phận con người. Các nhà khoa học, những nhà y khoa và các triết thuyết tôn giáo cũng đã tìm hiểu và đưa ra nhiều những câu trả lời khác nhau về cuộc sống mai hậu của loài người. Và dù có đưa ra được những bằng chứng, những công trình nghiên cứu hay những giáo lý riêng của mình đi chăng nữa, thì đó vẫn chỉ là những quan điểm khác nhau. Con người vẫn còn khắc khoải, chờ mong một câu trả lời rõ ràng và xác đáng.
Niềm tin Ki-tô giáo khác hẳn những triết thuyết và các giải thích của những trường phái trên. Niềm tin ấy cho biết một cách cụ thể trong bài Tin mừng ngày hôm nay như thế này, sau khi nhóm Sa-đốc chất vất Chúa Giê-su về sự sống đời sau, họ đưa ra bằng chứng về người phụ nữ đã lấy bảy anh em trong một gia đình, vậy sau khi chết, ai sẽ là người chồng đích thực của bà. Câu trả lời của Chúa Giêsu là, hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, trên thiên đàng không còn chuyện dựng vợ gả chồng.
Và Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Thật thế, căn bản của niềm tin vào sự sống lại là chính Chúa Giê-su. Có nghĩa là người Ki-tô hữu chúng ta phải để niềm tin này nuôi dưỡng mọi công việc chúng ta làm, và phải biết sống làm sao ở đời này để xứng đáng thừa hưởng cuộc sống mai sau.
Hay nói cách khác, niềm tin vào sự sống lại nơi người Ki-tô hữu là một ân ban, là một quà tặng Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta. Vì thế, ngay tại thế này, chúng ta có nhiệm vụ làm cho quà tặng ấy được sinh hoa kết trái ngay nơi tâm hồn mình. Bằng chứng là chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi tư tưởng, hành động của mình trong đời sống hàng ngày. Hay nói rõ hơn, mọi việc chúng ta làm phải luôn hành động theo luật Chúa dạy và luật tự nhiên.
Luật Chúa dạy là mến Chúa, yêu người. Đây là hai thực tại đan xen lẫn nhau, đòi người Ki-tô hữu cùng lúc thực hành song song để tạo ra hoa trái sinh động. Tôi không thể yêu Chúa nếu như tôi không tôn trọng sự sống, cũng như tôi không thể yêu người nếu như tôi không thực sự mến Chúa.
Câu chuyện chàng thanh niên giàu có trong Tin mừng là một ví dụ điển hình. Anh muốn đi theo Chúa, muốn được hưởng kiến niềm vui Nước Trời, thế nhưng khi được Chúa đề nghị bán hết của cải cho người nghèo, anh lại không dám. Anh chỉ muốn được ở bên Chúa. Anh không quan tâm đến người khác. Như vậy, ơn gọi của anh bị thiếu mất vế sau. Trong lịch sử Giáo hội, hẳn những con người thể hiện hoàn trọn hai vế ấy hẳn là các thánh nhân. Họ không những đã thực hành Lời Chúa dạy một cách hoàn trọn, họ còn yêu thương, giúp đỡ con người một cách đầy đủ. Họ đã giới thiệu Chúa cho mọi người và đưa mọi người về cùng Chúa. Trái tim của họ đầy tràn tình yêu Chúa và cũng nồng nàn hơi ấm tình người.
Đó là những người đã chu toàn đầy đủ mười điều răn Chúa dạy và họ xứng đáng được diện kiến tôn nhan Chúa, sự chết không làm gì được, họ sống một cuộc đời hạnh phúc bất diệt ngay tại thế này. Những mẫu gương ấy chính là nền tảng mẫu mực đưa chúng ta vươn tới niềm hy vọng. Niềm hy vọng được sống trường tồn vĩnh cửu với Chúa Ki-tô phục sinh.
Bên cạnh việc chu toàn 10 điều răn, người Ki-tô hữa còn được thúc đẩy tuân giữ những luật tự nhiên. Xét như những gì là thực tại gần gũi, chúng ta cần bảo vệ môi trường sống, không phá hủy rừng, sử dụng nguồn nước và không khí có trách nhiệm. Xét về mặt luân lý, chúng ta không được can thiệp vào sự sống, không được chọn những cách thức can dự vào sự sống như sử dụng cái chết êm dịu, hay trợ tử; tất cả những việc làm đó đều đi ngược lại luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã ấn định. Thiên nhiên, sự sống là quyền của Thiên Chúa, con người được thụ hưởng và có nhiệm vụ cộng tác nhưng không có quyền định đoạt hay phá bỏ.
Tiếc thay con người ngày nay thường nhân danh một chủ thuyết hay một cơ chế nào đó mà họ táng tận lương tâm hủy hoại mạng sống của đồng loại một cách không thương tiếc như tàn phá môi trường sống một cách vô tội vạ, hay lạm dụng chính sức lao động của đồng loại mình để tìm kiếm, đào bới những tài nguyên dẫn tới cạn kiệt. Nơi suy nghĩ của họ, tiền bạc, quyền hành và lợi tức vượt trên tất cả, và hậu quả là những người dân vô tội phải lãnh nhận là mưa lũ, ngập lụt.
Với người Ki-tô hữu, sự sống đời sau được khởi sự từ đời sống này. Một đời sống lấy chính Chúa và đời sống tha nhân làm trung tâm điểm của đời sống mình. Một đời sống được gọi mời phụng thờ Chúa và tôn trọng những giá trị tự nhiên, vì mọi sự đều là của Chúa, thuộc về Chúa. Một khi tuân giữ và thực thi nền giáo lý như vậy, chắc chắn người Ki-tô đã được hưởng trọn niềm vui đời sống mai hậu ngay nơi đời sống thực tại này.