Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tôn kính Đền Thờ
18.11 Thứ Sáu Tuần XXXIII
Kh 11:4-12; Tv 144:1,2,9-10; Lc 20:27-40
Tôn kính Đền Thờ
Mỗi khi nhìn thấy hay nhắc tới nhà thờ, trong cảm thức, chúng ta luôn hiểu rằng: nhà thờ là biểu tượng của Giáo Hội. Nơi nhà thờ, chúng ta sẽ dễ dàng gặp Chúa và gặp nhau. Nhà thờ là điểm hội tụ mọi thành phần dân Chúa để tôn thờ Thiên Chúa và chia sẻ bác ái với nhau.
Tuy nhiên, dù nhà thờ vật chất có to lớn, tráng lệ thế nào đi chăng nữa, nếu nó không được xử dụng đúng mục đích là tôn thờ Thiên Chúa và xây dựng tình huynh đệ giữa con người với nhau… thì nhà thờ ấy vô nghĩa!
Hôm nay, Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu đã nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, vì họ đã xử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp”.
Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, Đức Giêsu đã thánh hiến đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi để thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán…
Trong Tin mừng Gio-an 4, 23 – 24, khi Chúa Giê-su nói với thiếu phụ Sa-ma-ri: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem…Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Hay ta nói cách cụ thể hơn là: “Thờ Phượng trong tinh thần và chân lý.” Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đồng tình với những kẻ đắc ý vì sự lười biếng khô đạo của mình. Họ chủ trương ‘Đạo tại tâm’ cần gì phải đi lễ, đi nhà thờ, hoặc đọc kinh gia đình sáng tối…, vì đó là sự phô trương bề ngoài, là đạo đức giả… miễn là trong tâm tôi tin có Chúa và thần phục tôn thờ Người là được rồi.
Thực sự đó chỉ là những luận điệu giả trá biện minh cho đời sống đức tin kém cỏi của họ. Đúng là có rất nhiều người (nếu không nói là đa số tín hữu, nhất là tín hữu Việt Nam) thích đi nhà thờ, tham gia phong trào nọ, đoàn thể kia, nhưng đời sống đức tin đích thực không có. Họ đi lễ, đọc kinh nhiều, nhưng đời sống lại không có bác ái, không thi hành đức thương yêu như Chúa dạy. Thái độ của họ giống như những người Biệt phái mà Chúa trách ‘đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài… mà nuốt hết tài sản của bà góa’ (Mt 23, 5 – 14); Họ cũng gian tham và có những kẻ lòng dạ độc ác lừa đảo, đánh lận con đen, hoặc trong gia đình còn xào xáo gây gương mù, gương xấu…. Cũng bởi vì thế mà có những người bố đỡ đầu cho tân tòng lừa con thiêng liêng của mình chiếm đoạt đất đai, khiến anh ta tuyên bố bỏ đạo; có những vị chức sắc làm việc lâu năm trong Ban hành giáo lăng nhăng vợ bé hoặc lạc vào những ‘hang động làng chơi’ để cho vợ con ngậm đắng, nước mắt ngắn dài; có những người vào nhà thờ kinh kệ lâu giờ, khóc lóc thảm thiết, nhưng vừa bước ra khỏi đã mắng chửi những ai làm mất lòng mình, nói hành, nói xấu, vu oan giá họa…. Những người ấy Chúa Giêsu đã nói: “Những kẻ tôn kính ta bằng môi bằng miệng còn lòng chúng lại xa ta” (Mt 15,8)
Từ hình ảnh cao quý của đền thờ vật chất, chúng ta khám phá ra ý nghĩa cao trọng của đền thờ tâm hồn. Mỗi người đều là đền thờ tâm hồn cho Thiên Chúa ngự. Đền thờ ấy, không được để cho tính tự kiêu, tự phụ, ích kỷ, bất nhân, dửng dưng, vô cảm ngự trị, vì chúng không thuộc về đặc tính của Thiên Chúa và không phải lựa chọn của chúng ta. Đền thờ tâm hồn chúng ta sẽ có giá trị và xứng đáng để được Chúa ngự vào khi chúng ta tin Chúa tuyệt đối, sống yêu thương, bác ái với người nghèo, cư xử thắm đượm tình huynh đệ với anh chị em… Nếu chúng ta đi ngược lại những điều trên, hẳn ta sẽ dễ rơi vào tình trạng tôn kính Thiên Chúa trên môi trên miệng, còn tâm hồn thì xa Thiên Chúa.
Thực sự Chúa Giê-su không dạy ta không cần đến nhà thờ, vì chính Người đã vào Đền Thờ để phụng sự Thiên Chúa (c. 45), nhưng Người muốn chúng ta thờ phượng Thiên Chúa bằng cả con người, cả cuộc sống chúng ta – phải trí lòng như một, lý thuyết đi đôi với hành động; phải xây dựng Đền thờ Thiên Chúa đích thực trong tâm hồn mình. Nơi đó, mỗi người có thể tôn thờ, phụng sự Thiên Chúa bằng việc ca tụng Chúa vì tình thương và những điều kỳ diệu Người làm trong cuộc sống; bằng việc lắng nghe và sẵn sàng thực thi ý muốn của Người, sống theo sự thật, thực thi công bình và bác ái. Xây dựng Đền thờ đích thực trong tâm hồn để chúng ta có thể bước vào Đền Thờ – Nhà của Thiên Chúa mà không ngại ngùng, hổ thẹn. Chúng ta có thể đến với Chúa như người con thảo đến với cha của mình để cùng với anh em, bên cha bồi đắp tình huynh đệ…