Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Hiệu Lực Của Lời Cầu Nguyện
6/10 Thứ Năm
Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm
Gl 3:1-5; Lc 1:69-70,71-72,73-75; Lc 11:5-13
Hiệu Lực Của Lời Cầu Nguyện
Cầu nguyện và xin ơn là một nhu cầu thiết yếu của người Ki-tô hữu, vì khi cầu nguyện sẽ liên kết mỗi chúng ta với Thiên Chúa là nguồn sự sống, giúp chúng ta biết được ý Chúa muốn ta làm gì, cầu nguyện nói lên một tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn của người môn đệ Chúa Giêsu.
Hơn nữa, cầu nguyện còn xác tín niềm tin tưởng và sự phó thác hoàn toàn của mình vào Thiên Chúa, đồng thời kêu xin Chúa ban cho ta những ơn cần thiết. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã khuyến khích và thúc giục chúng ta hãy cầu xin: “ Cứ xin sẽ được, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa sẽ mở cho” (Lc 11, 9).
Một lời kêu mời tha thiết “ cứ xin”, “cứ tìm”, “cứ gõ”, qua đó cũng nói lên rằng phải rất kiên trì. Để chứng minh Chúa Giêsu đã đưa ra một ví dụ dạy chúng ta phải biết kiên trì với Thiên Chúa trước những nhu cầu cần thiết. Gương người bạn đến gõ cửa nhà bạn mình để xin được giúp đỡ. Người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ, thế mà cũng phải chịu thua sự kiên trì của người xin. “ Huống chi” Thiên Chúa vốn là người Cha nhân lành, luôn đối xử với chúng ta theo tình thương, Ngài mang trong mình bản chất nhân hậu và giàu ân sủng, Ngài rất vui thích ban mọi ơn lành và nhưng không cho con người. Bởi thế, nếu chúng ta kiên trì cầu xin với Thiên Chúa, thì chắc chắn sẽ được nhận lời.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Ngài đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta kiên tâm trong lời cầu nguyện và siêng năng cầu nguyện cùng Chúa. Ngài đoan hứa Thiên Chúa là người Cha tốt lành sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, đặc biệt Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà tuyệt hảo là Thánh Thần, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thực.
Chúa Giêsu kể cho ta dụ ngôn về một người nài nỉ hàng xóm thức dậy lấy bánh cho anh ta về đãi khách lúc nửa đêm. Theo luật về lòng hiếu khách của người Do thái, việc tiếp đãi khách bộ hành lúc nửa đêm thì không chỉ là bổn phận của một cá nhân mà là bổn phận của cả cộng đoàn. Điều này có nghĩa là khi có một vị khách vãng lai ghé tới một thôn làng lúc nửa đêm, thì tất cả các gia đình đều phải có trách nhiệm tiếp đãi tử tế vị khách này.
Dĩ nhiên trong một thôn làng nhỏ bé, các gia đình đều có thể biết rõ về nhau. Vì lẽ đó, người đi xin bánh để về tiếp khách lúc nửa đêm biết rõ nhà hàng xóm còn bánh nên anh cố nài nỉ cho bằng được người hàng xóm thức dậy mà lấy bánh cho anh ta. Nếu người hàng xóm không chịu dậy lấy bánh thì ông ta sẽ phải xấu hổ với dân làng!
Chúa Giêsu dùng hình ảnh nói trên để dạy ta biết liên lỉ cầu xin Thiên Chúa ban những điều tốt lành cho ta. Nếu người hàng xóm còn biết sợ bị làm phiền hay sợ phải xấu hổ với dân làng mà phải thức dậy lấy bánh cho người đến gõ cửa lúc nửa đêm, thì huống chi Thiên Chúa, Đấng vốn đầy yêu thương, lại là cha của mỗi người chúng ta và cũng là Đấng mà thánh Augustinô bảo rằng chẳng ngủ bao giờ, nhưng luôn tỉnh thức để đáp ứng những nhu cầu của ta, thì chắc chắn Ngài sẽ đáp ứng những điều ta cầu xin.
Trong thực tế, có lẽ chúng ta đã cầu xin rất nhiều, thế mà nhiều khi chúng ta chẳng nhận được. Tại sao thế? Thánh Giacôbê trả lời: “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc”. Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta hãy ý thức điều chính yếu chúng ta phải nhắm tới trước hết, đó là “Xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Thiên Chúa là Cha, Ngài khôn ngoan thấu suốt những nhu cầu của chúng ta và sẽ ban cho những gì lợi ích cho phần rỗi chúng ta. Ðiều cần thiết là phải kiên trì trong niềm tin và xác tín Thiên Chúa yêu thương và ban cho những điều vượt quá sự mong ước của chúng ta.
Lời cầu xin hằng ngày cũng là một thách đố lớn cho mỗi người chúng ta, không phải lúc nào chúng ta cũng đón nhận một kết quả mau lẹ như ý muốn. Thế nên, lại một lần nữa Chúa mời gọi chúng ta hãy kiên trì trong cầu nguyện. Thực vậy, trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc sống con người, ai tập được tính kiên trì người đó kể như đã thành công.
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, và còn hơn thế nữa, bởi suốt đời người Kitô hữu phải kiên trì cầu nguyện và tập luyện nhân đức mới mong sống gắn bó mật thiết được với Thiên Chúa. Cũng như thân xác không thể sống và phát triển được nếu con người không ăn uống, thì cũng thế, linh hồn con người không thể sống nếu không có cầu nguyện. Đặc biệt khi cầu nguyện phải xác tín rằng: Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn yêu thương chúng ta, Ngài có làm cho chúng ta được toại nguyện hay không, hoặc Ngài nhận lời chúng ta theo cách nào thì cũng đều là vì lợi ích cho linh hồn chúng ta mà thôi.
Nên khi cầu nguyện chúng ta hãy đến với Chúa với tấm lòng khiêm nhường hạ mình. Hãy trình bày cho Chúa tất cả những ưu tư, gánh nặng của mỗi người chúng ta như người con nhỏ bé đến với cha mình, và tin tưởng đón nhận những gì Thiên Chúa cho là tốt đối với chúng ta nhất.
Thật vậy, cuộc đời ta càng gian truân, vật vả, khổ đau, thì ta càng khao khát được bình an, hạnh phúc, mà không có hạnh phúc đích thực nào ở trần gian này có thể so sánh được cái hạnh phúc vĩnh cửu là sự sống đời đời mai sau. Bởi vậy, điều Chúa muốn ta làm ấy là liên lỉ cầu xin cho được biết trung kiên khao khát món quà ân sủng của Ngài là Nước Trời mai hậu.
Nguyện xin Chúa củng cố chúng ta trong đời sống và tâm tình cầu nguyện, cho chúng ta biết xin những gì đẹp lòng Chúa và phó thác tất cả cho tình yêu thương quan phòng của Chúa.