Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
ĐỪNG “DỬNG DƯNG” VÀ “VÔ CẢM” NHƯ THẾ!
25.9 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Sáu Mùa Quanh Năm
Am 6:1,4-7; Tv 146:7,8-9,9-10; 1 Tm 6:11-16; Lc 16:19-31
ĐỪNG “DỬNG DƯNG” VÀ “VÔ CẢM” NHƯ THẾ!
Cuộc sống đời này không phải là hưởng thụ, nhưng là phục vụ. Người nghèo được Thiên Chúa quan tâm đặc biệt. Vì họ thường bị bóc lột và lãng quên. Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu hãy biết trông đợi ngày Chúa quang lâm, để số phận mỗi người được phân định rõ ràng.
Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về một ông nhà giàu và người hành khất La-da-rô nghèo khó. Ông nhà giàu thì ăn mặc sung sướng đang khi La-da-rô có cuộc sống rất tồi tệ. Nhưng sau khi cả hai đều chết đã được Thiên Chúa xét xử công bình: La-da-rô thì được an ủi ngồi trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, đang khi ông nhà giàu phải chịu đau khổ trong hỏa ngục.
Ông nhà giàu không có tên, nhưng lại rất giàu; còn Ladarô chỉ có một sự giàu có, đó là cái tên. Hai người không có tương quan gì với nhau cả.
Ông nhà giàu không làm điều gì xấu về luân lý cả; ông chưa hề từ chối Ladarô một điều gì, vì Ladarô cũng chưa xin gì cả. Bản văn chỉ nói rằng ông có một chương trình sống như chương trình một ông nhà giàu khác đã phác ra, nhưng đã không thể thực hiện trọn vẹn vì cái chết đến sớm: “Cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19).
Y phục thường xuyên của ông là lụa là gấm vóc: mỗi ngày ông đều mặc “gấm tía và vải lanh mịn”, chứ không chỉ vào một số ngày đặc biệt. “Gấm tía” rất đắt, nên chỉ giới thượng lưu vương giả mới dám dùng. “Vải lanh mịn” cũng là thứ hàng hiếm, ngay tại Rôma. Thế mà ông nhà giàu mặc mỗi ngày! Thường mỗi gia đình có một bữa ăn chính mỗi ngày; còn trong nhà của ông nhà giàu, bữa ăn chính này, mỗi ngày, lại là một yến tiệc. Chắc chắn ông nhà giàu không ăn mặc và ăn uống sang trọng hào nhoáng như thế cho riêng ông, ông phải có các khách mời. Ông đã sống như một ông vua.
Các thính giả có thể khó chịu vì bức tranh này, vì dường như “bôi bác” người nghèo. Nhưng Chúa Giêsu sắp chuyển sang vấn đề cách thức sử dụng của cải và lý do vì sao của cải không cứu được mà lại tiêu diệt người chủ của. Chính bài học hệ trọng này cho hiểu vì sao Chúa Giêsu giới thiệu quá chi tiết hình ảnh ông nhà giàu, một hình ảnh ở mức độ nào đó đang có trong mỗi một người, ở dạng hiện thực hay ở dạng nguyện ước.
Thế rồi Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh đối ngược tối đa với ông nhà giàu: một người nghèo mạt. Bản văn không nói là anh này sống đúng đắn về luân lý. Anh có một tên, “Ladarô” có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”, một cái tên có ý nghĩa đối với “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14,13.21). Ladarô nghèo khó lại mụn nhọt đầy mình. Phải chăng Thiên Chúa sẽ giúp đỡ Ladarô qua trung gian ông nhà giàu? Anh không thể đi lang thang đây đó mà xin ăn. Ladarô cần có bạn bè để giúp anh tìm được thức ăn. Họ đã bỏ anh nằm trước cổng nhà ông nhà giàu, một vị trí mà một người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, người không được mời, có thể ở gần chủ nhà nhất. Ông chủ và các khách mời không thể nào không biết có anh này ở ngoài cổng, và quả thật, ông nhà giàu đã gọi tên anh khi anh đang ở trong lòng tổ phụ Abraham.
Ladarô đói, anh thèm được ăn những thứ thừa thãi trên bàn người giàu và các thực khách rơi xuống. Rất có thể mấy con chó dưới gầm bàn được hưởng những thứ này. Mà nếu vậy, hẳn là Ladarô mong được không phải ở giữa những thực khách, mà là ở giữa những con chó. Chỉ có mấy con chó hoang đến liếm ghẻ chốc của anh. Phải chăng chúng săn sóc anh? Nếu thế, ông nhà giàu không giúp đỡ anh bằng mấy con chó. Nhưng cũng có thể hiểu việc mấy con chó đến liếm mụn nhọt cho anh như là một tình trạng bị bỏ rơi, không được ai giúp đỡ, mà còn bị đàn vật tấn công nữa.
Bức tranh Chúa Giêsu phác ra kết thúc tại điểm này: đây là một “kết thúc mở”. Tình trạng mâu thuẫn đã rõ. Chúa Giêsu không mô tả thêm gì; điều này có nghĩa là bao lâu hai nhân vật trên còn sống, không có gì thay đổi cả: mỗi người cứ tiếp tục như thế cho đến chết. Dù sao, tác giả Lc không hề xác định rằng ông nhà giàu xấu xa, hay là Ladarô là điển hình của người tốt. Đấy là những vấn đề nằm ngoài bản văn.
Tác giả chỉ mô tả cuộc sống của hai bên: một bên thì ăn tiệc, còn bên kia thì ăn xin; một bên thì ăn mặc sang trọng, còn bên kia thì gần như trần truồng.đây là hai kiểu mẫu song đối đang đứng trước mặt nhau, nhưng không có đối thoại. Mặc dù có sự gần kề thể lý hằng ngày, dụ ngôn lại cho thấy sự xa cách là có thật. Đàng khác, sự kiện họ không nói với nhau là một yếu tố không phài không đáng kể, nhất là trong một dụ ngôn kết thúc bằng việc kêu gọi lắng nghe (16, 29.31).
Nhà phú hộ không bị kết án vì của cải của mình, ông bị kết án vì bênh vô cảm, không có khả năng cảm thương đồng loại là Lagiarô, đại diện cho tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người.
Đây là một bài học đắt giá cho mỗi người chúng ta. Vậy, hãy mở tâm hồn đối với những người đang sống trong tình trạng bấp bênh, đau khổ; những anh chị em bị tước đoạt phẩm giá. Hãy phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ.
Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, “để thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói” và đừng quên rằng “vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái” (lời Thánh Gioan Thánh Giá).
Xin Chúa đánh động trái tim chúng ta, để chúng ta nhận ra những người nghèo khó, rách rưới, đang cần đến miếng cơm của thương xót, chiếc áo của lòng từ bi, che phủ những vết ghẻ chốc, vực dậy và gìn giữ phẩm giá cao quý của con người, và không từ chối giúp đỡ họ.