Thánh An-rê Trần An Dũng Lạc và các bạn, tử…
Tại Sao Dùng Dụ Ngôn
21.7 Thứ Năm trong tuần thứ Mười Sáu Mùa Quanh Năm
Gr 2:1-3,7-8,12-13; Tv 36:6-7,8-9,10-11; Mt 13:10-17
Tại Sao Dùng Dụ Ngôn
Nếu không phải là người hiểu biết nghệ thuật tranh vẽ, chúng ta sẽ thấy vô vị khi chiêm ngắm những bức tranh nổi tiếng của hoa sĩ tài ba Picasso. Chúng ta sẽ không hiểu hết ý nghĩa thâm thuý mà người nghệ sỹ diễn tả qua nét cọ của mình. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu được phần nào sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì”. Khi nhắc lại những lời trên đây của tiên tri Isaia, Chúa Giêsu không có ý che dấu mọi sứ điệp yêu thương mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho chúng ta, nhưng vì chúng ta là những người thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Chúng ta không thể lãnh hội được những tư tưởng của Chúa, vì lòng dạ chúng ta chai đá.
Quả vậy, trong số các môn đệ là những người được Chúa kêu gọi, được Chúa dạy dỗ, thế nhưng, vẫn có những ông chưa thể lãnh hội ý Chúa. Họ đi theo Chúa với những toan tính rất trần đời. Họ chỉ mong được hưởng lấy những cái lợi vật chất trước mắt như được làm lớn, được lắm bạc vàng, hay danh vọng, v.v. Khi không đạt được những mục đích ấy, họ bất mãn và bỏ cuộc. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải lo lắng nhiều hơn cho các môn đệ, dạy bảo họ nhiều hơn để họ có thể thấu hiểu mầu nhiệm Nước Trời. Đó là một ân phúc lớn lao cho những người môn đệ biết lắng nghe và học hỏi nơi Chúa Giêsu.
Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su, như một người thầy tinh tế, thường dùng các dụ ngôn qua những câu chuyện thực tế với những hình ảnh quen thuộc hằng ngày để người nghe có thể dễ dàng tiếp cận sứ điệp Tin Mừng. Thái độ đáp lại của họ thật khác biệt nhau: có người thì trầm trồ khen ngợi tài giảng thuyết của Ngài, có người lại trở nên chai đá cứng lòng. Thế nhưng các mầu nhiệm Nước Trời vẫn còn bị che khuất đối với họ. Điều đó khiến các tông đồ thắc mắc: tại sao Thầy không nói trắng ra mà lại dùng dụ ngôn? Thì đây, bí quyết được chính vị Thầy tinh tế đó tiết lộ: Hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời là một hồng ân Chúa ban; và để tiếp nhận được hồng ân đó cần có một cuộc sống thân mật gần gũi với Chúa Ki-tô. Quả thật trong những giây phút thân mật thầy và trò, Ngài mới giải thích ý nghĩa thâm sâu đích thực của các dụ ngôn đó.
Trong lời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Ðể hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”. Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe”.
Tin Mừng hôm nay phần nào giải đáp thắc mắc cho chúng ta khi ghi lại lời Chúa Giêsu: “Phần các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe”. Mối phúc ấy, Chúa dành cho những người đơn sơ, bé mọn như có lần Ngài đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã mạc khải mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn”.
Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su khen các môn đệ là người có phúc vì đã biết lắng nghe những điều Chúa dùng dụ ngôn mà dạy dỗ. Đồng thời Chúa cũng khiển trách những kẻ cứng lòng, có nghe lời Chúa đó nhưng vẫn không tin lời Ngài dạy. Chỉ vì lòng chai đá nên mắt họ có đấy nhưng cũng như mù lòa mà chẳng thấy. Tai họ có đấy nhưng nó lại không có khả năng nghe để tiếp thu những chân lý được Thiên Chúa mặc khải.
Loài người cho dù khôn ngoan tài trí đến bao nhiêu đi nữa thì vẫn không thể hiểu thấu được mầu nhiệm Nước Trời nếu không có Đấng từ trời cao xuống thế để mặc khải cho nhân loại. Thật vậy, Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ trời cao nhập thế, nhập thế làm Người để mặc khải cho nhân loại biết về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiện Nước Trời, bản tính cũng như căn tính của Thiên Chúa.
Với những mặc khải đó con người mới có thể hiểu biết về Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên họ, yêu thương và luôn muốn họ ăn năn sám hối tội lỗi của mình hầu nhận được ơn tha thứ.
Trong thánh lễ, trước khi công bố Tin Mừng vị chủ tế cùng với cộng đoàn ghi dấu thánh Giá trên trán, trên miệng và trên ngực, hành vi đó mang ý nghĩa: Ghi dấu Thánh Giá trên trán; có ý xin Chúa soi lòng mở trí để con hiểu Lời Chúa, trên miệng; có ý xin cho con luôn cao rao Lời Chúa và trên ngực xin cho lòng con luôn yêu mến Lời Hằng Sống.
Kẻ bé mọn ở đây không phải là người nhỏ bé về thể lý hay nhỏ tuổi mà là người đơn sơ, chân thành, khiêm hạ. Thật vậy, khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói về nước trời thì những người khôn ngoan, thông thái như các luật sĩ và biệt phái không những không hiểu mà còn tìm cách bắt lỗi Chúa; trong khi những người nghèo khó, đơn sơ, chất phác lại đón nhận và tin theo Ngài. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó khi nói với các tông đồ: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe”.
Lời của Chúa Giêsu làm chúng ta nhớ đến ông già Simêon trong biến cố Giuse và Maria dâng Hài Nhi Giêsu trong đền thờ. Trong khi bao nhiêu người cũng ‘nhìn’ mà không ‘thấy’, thì cụ già Simêon, nhờ lòng đơn sơ, trông cậy khao khát Chúa, ông được diễm phúc ‘thấy’ Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu độ muôn dân. Không những thế, ông còn được bồng ẵm Hài Nhi trên tay mà dâng lời chúc tụng Chúa.