skip to Main Content

Tiếng gọi ân tình

1.7 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm

Am 8:4-6,9-12; Tv 119:2,10,20,30,40,131; Mt 9:9-13

Tiếng gọi ân tình

Thời xưa, để thu được thuế của dân Do thái, Đế quốc Rôma thường mang hợp đồng thu thuế ra đấu thầu giữa dân chúng, ai bỏ thầu cao nhất thì được lãnh phận vụ thu thuế của dân. Kẻ thu thuế giúp cho đế quốc sẽ được hưởng phần huê hồng và có thể hống hách ăn chặn tiền của dân nữa. Bởi vậy, thu thuê là cái nghề dễ kiếm chác và hái ra tiền nhất thời bấy giờ. Nhưng cũng không có hạng người nào bị dân chúng kinh bỉ, thậm chí bị dân chúng coi là đồ nhơ bẩn phải tránh xa cho bằng những kẻ thu thuế, vì họ làm tay sai cho ngoại bang để bóc lột dân chúng của mình.

Tội lỗi có nhiều thứ loại, nhiều cấp độ và cũng nhiều cách thế để đối xử với tội nhân. Với kẻ này, người ta tránh né tiếp xúc, với người kia, họ bắt giam, cải tạo; có kẻ phải tù chung thân hay bị lên án tử vì y là tên phản dân hại nước, nguy hiểm cho xã hội, không đáng sống. Xem ra cách ly là biện pháp thông thường nhất.

Còn Chúa Giê-su với phương châm: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi kẻ có tội,” Ngài gần gũi tiếp xúc với tội nhân. Trong khi những người khác khinh bỉ, Ngài và các môn đệ cùng ngồi ăn uống với những người tội lỗi và thu thuế. Hơn thế nữa, Ngài đã kêu gọi làm môn đệ – rồi sau sẽ chọn làm tông đồ – một người thu thuế là Lê-vi, ngay lúc ông ta đang làm nghề thu thuế trước mắt mọi người.

Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: “Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới”. Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế”, Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.

Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay đã làm một chuyện có vẻ rất nguy hiểm, đó là Ngài dám thu nhận một người thu thuế tên là Matthêu làm môn đệ. Điều này có thể kích động lòng giận dữ của dân chúng cũng như giới lãnh đạo tôn giáo Do thái. Vẫn biết đó là điều nguy hiểm, nhưng Chúa vẫn làm. Với tấm lòng rộng mở, đầy tràn tình thương và sự chân thành, Chúa đã khơi gợi nơi Matthêu niềm khao khát hướng thiện, chứ không để ông ngụp lặn mãi trong tiền tài vật chất vốn đã bị pha trộn với gian dối, tội lỗi và sự nhơ nhuốc.

Được Chúa kêu gọi, Matthêu đã đáp lại; ông đã không ngần ngại bỏ lại bàn thu thuế phía sau để đi theo Chúa và được đổi đời. Từ một người bị người đời khi bỉ và bị liệt vào hàng tội lỗi và nhơ bẩn, Matthêu bây giờ đã trở thành một người công chính với danh hiệu “Ân Sủng của Chúa”

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

Đến với Chúa, Matthêu tìm được ý nghĩa đời mình ; đến với Chúa, bọn thu thuế và tội lỗi tìm lại phầm giá của người con ; đến với Chúa, ta được sống dồi dào, sống trọn vẹn, sống đời đáng sống nhờ lãnh nhận thần lực Thánh Thể và Lời hằng sống, nhờ yêu bằng trái tim của Thiên Chúa Tình Yêu, nhờ đi trên lối nẻo của Đấng là Đường và Sự Thật. Nhưng, làm sao nghe được tiếng gọi ân tình của Chúa ? Làm sao ý chí ta đủ mạnh, tâm tư ta đủ sáng để dứt khoát đứng dậy, rời khỏi nơi ta đang ở để đến với Ngài ?

Hẳn sẽ rất cần nơi tôi, nơi bạn một tâm hồn khiêm tốn và thẳng thắn đủ để thấy rõ và chấp nhận thân phận tội lỗi của mình, để ý thức nhu cầu cần đến lòng xót thương hải hà của Chúa, để nhận ra sự thúc bách phải điều chỉnh lối sống, phải hoán cải, phải rời khỏi những gì ta đang bám víu mà, rất có thể đó là một suy nghĩ, một hành động, một chương trình sống, một mối tương quan, một thói quen, một cử chỉ hay thái độ nào đó. Ta cùng mở lòng đón đợi Lời Gọi Yêu Thương của Chúa trong giờ suy niệm này và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, ta ít nhiều hiểu được ý nghĩa và vai trò của tiếng gọi như đã nói trên đây. Đi ngang trạm thu thuế, Chúa Giêsu gọi Matthêu theo Ngài. Người thu thuế đứng dậy theo Chúa, không thắc mắc, chẳng tính toán, chẳng chần chừ. Và rồi, không biết Chúa có lên tiếng gọi hay không mà những người thuộc bọn thu thuế và quân tội lỗi đã đến đồng bàn với Ngài. Tiếng gọi của Chúa mạnh đủ để lôi kéo, thay đổi, và tái tạo trái tim nhân loại vốn đã quá đầy, quá nặng bởi đam mê, bạc tiền và quyền lực.

 

Back To Top