Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Theo ai ?
27.6 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
Am 2:6-10,13-16; Tv 50:16-17,18-19,20-21,22-23; Mt 8:18-22
Theo ai ?
“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” (Mt 8,19) Đây là lời mà vị Kinh sư đã thưa với Đức Giê-su, và cũng là điều mà mỗi Ki-tô hữu cần thưa lên với Chúa mỗi ngày. Chúng ta có nhận ra tiếng gọi của Chúa và sẵn sàng đáp lại để đi theo Ngài, dù bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào Người muốn không?
“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20). Đó là lời đáp của Chúa Giê-su, như là lời chất vấn: “Anh có sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà quyết tâm theo tôi không?” Nói cách khác, Chúa Giê-su muốn cho vị kinh sư, và cả chúng ta ngày nay, biết rằng: lựa chọn xin theo Ngài là lời cam kết đi trên con đường liều mình mạo hiểm, vì con đường ấy đòi hỏi một lòng tín thác tuyệt đối vào Chúa.
Ta sẽ không đoán trước được con đường đó sẽ dẫn ta đi đâu, được gì và mất gì, khó khăn ra sao. Chúng ta chỉ biết rằng, mỗi bước chân ta đi đều có Chúa đồng hành và việc của ta là tin tưởng, nghe theo lời chỉ bảo của Ngài. Khi chúng ta chọn đi theo Chúa, nghĩa là chúng ta đã trao gửi cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tín thác vào Chúa với một đức tin vững mạnh, đó là những gì Chúa Giê-su mong muốn nơi mỗi người chúng ta. “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: rời khỏi đây, qua bên kia! nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17, 15)
Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ và tất cả những ai muốn theo Ngài một thái độ từ bỏ, dứt khoát tận căn; Ngài không bao giờ chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào. Qua những đòi hỏi ấy, Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho chúng ta giới răn cơ bản: mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Đây không phải là một điều không tuởng, cũng không phải là một lý tưởng cao vời, mà là một mệnh lệnh. Quả thật, con người chỉ thực sự đạt được ơn gọi làm người của mình, khi nó sống trọn vẹn cho Thiên Chúa; con người chỉ thực sự hạnh phúc khi họ thuộc trọn về Chúa. Những việc làm như hy sinh, hãm mình, khổ chế, chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị, nếu chúng ta được thực thi như một cố gắng dốc cạn chính mình để sống tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, và đó cũng là mục đích cuộc đời người kitô hữu.
Một cái hang đối với một con chồn, một cái tổ đối với một con chim, và một chỗ gối đầu đối với một con người. Đó là nhu cầu an ninh tối thiểu. Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ đi theo Ngài cũng phải từ bỏ cái an ninh tối thiểu ấy.
Cái hang, cái tổ và chỗ gối đầu của tôi không phải chỉ là một mái nhà mà là cái bản năng tìm sự thoải mái, tiện nghi. Có tiện nghi thoải mái thì mới tốt. Nhưng khi cần do hoàn cảnh túng thiếu, hay yêu cầu mục vụ tôi phải sẵn sàng hy sinh từ bỏ. Mà để có thể sẵn sàng hy sinh từ bỏ thì tôi phải tập để không lệ thuộc vào chúng.
Việc của “kẻ chết” là những việc vật chất, thế gian. Người môn đệ có một việc khác phải quan tâm lo nhiều hơn, đó là việc “kẻ sống” đó là những việc mang lại sự sống thật, sự sống đời đời. Tôi liệt kê những việc tôi đang lo và so sánh xem loại việc nào tôi quan tâm hơn.
Kitô giáo thiết yếu không phải là một ý thức hệ, mà là một con người. Niềm tin của chúng ta thiết yếu không phải là một giáo điều, mà là một con người. Cuộc sống của chúng ta thiết yếu không phải là một chuỗi những cố gắng làm điều thiện tránh điều ác, mà là một con người. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng một giáo lý, mà đòi hỏi mọi người phải theo Ngài. Theo Ngài vô điều kiện, theo Ngài một cách dứt khoát.
Qua đoạn Tin Mừng ngày hôm nay, mỗi chúng ta cùng suy ngẫm:
Thứ nhất, mỗi chúng ta hãy tự vấn bản thân qua lời của vị Kinh sư: Tôi có can đảm tự tin mà thưa lên với Chúa rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu, con cũng xin đi theo’ không?. Hãy để cho những lời đó lặp đi lặp lại trong tâm trí chúng ta, để Thiên Chúa dần dần biến đổi, và ban thêm đức tin, để chúng ta biết phó thác cuộc sống mình trong kế hoạch tình yêu của Ngài. Chẳng phải Chúa Giêsu đã từng phán: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33) sao? Vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa?
Thứ hai, chúng ta đã thực hiện lời đáp trả ấy như thế nào? Chúng ta có sẵn sàng để không chỉ thưa lên những lời của vị kinh sư mà còn là chấp nhận, thi hành tất cả những điều mà lời cam kết ấy đòi hỏi không? Chúng ta có vui lòng nguyện ý phó thác toàn bộ đời mình cho Chúa không? Chúng ta hãy chiến đấu để giữ vững các quyết tâm, lời cam kết này.
Và rồi chúng ta sẽ thấy, những chỉ dẫn của Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đến với một nguồn vui và bình an mà chúng ta chưa bao giờ được hưởng nếm hay có thể tưởng tượng được. Nguồn ấy không chỉ có thể làm no thoả tất cả những khao khát sâu xa nhất của chúng ta mà còn vượt xa và dư tràn: Đó chính là Thiên Chúa, Đấng rất đỗi dịu ngọt và đầy yêu thương của chúng ta.