Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Đừng xét đoán !
20.6 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Hai Mùa Quanh Năm
2 V 17:5-8,13-15,18; Tv 60:3,4-5,12-13; Mt 7:1-5
Đừng xét đoán !
Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay khởi sự những câu ở phần đầu chương 7: Đừng xét đoán !
Chủ đề này nhấn mạnh về lời nói nhiều hơn hành động. “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán”. Ngay câu mở đầu, thánh sử Matthêu đã nêu bật nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta bị xét đoán là do chúng ta đã xét đoán. Chúng ta dễ nói lên ý kiến, nhận định chủ quan về người khác, mặc dù chúng ta chẳng có trách nhiệm để làm việc đó. Nhất là khi chúng ta có ảo tưởng cho rằng mình đạo đức hơn người, có khả năng hơn người, có quyền hơn người… là chúng ta dễ dàng phê phán không thương tiếc. Thậm chí có người nói cản. Nói bừa để tỏ ra ta đây hiểu biết lề luật, nắm vững đường lối… mà châm chọc, chê bai người khác. Đôi khi có người cũng cho rằng: đó là vì tinh thần bác ái, muốn người khác nên tốt nhưng sợ không dám nói thẳng. Về nhận xét của mình…mà sẵn sàng rêu rao cho mọi người biết về những sai lầm, khiếm khuyết của người khác… để đề cao mình hơn.
Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Vì anh em xét đoán thế nào thì…cũng sẽ bị xét đoán như vậy….Đong đấu nào…sẽ được đong bằng đấu ấy” (c.2). Ngài khẳng định về cách đối xử của chúng ta với anh em đồng loại sẽ được trả lời trong ngày sau hết, tại có khi sẽ xảy ra ngay tại đời này. Vì sự “đạo đức nửa vời” của chúng ta mà chúng ta tự lên mặt dạy dỗ người khác. Đây là thái độ tự mãn, tự cao, tự đại. Nó đối nghịch với nhân đức, hiền lành, khiêm nhường, nhịn nhục.
Chúa Giêsu đề cao cảnh giác về chuyện này. Ngài không cấm chúng ta có những nhận xét khách quan, những nhận xét phân biệt phải trái, sai quấy. Nhưng khi chúng ta kết tội và lên án lương tâm người anh em, là chúng ta xâm phạm lãnh vực dành riêng cho Thiên Chúa. Trong đời sống cộng đồng, điều này dễ xảy ra khi chúng ta có một chút gì hơn anh chị em mình: chức tước trong giáo xứ, danh dự trong khu xóm… lúc ấy chúng ta dễ dàng lên “bài giảng” với những bài “đạo đức nửa mùa” theo chủ quan của chúng ta. Chúng ta tự coi mình là “cái rốn vũ trụ” và cho rằng và mọi lời nói và việc làm của chúng ta là hợp lý. Là phải đạo.
Trong (c.3 và c. 4) Chúa Giêsu nhắc chúng ta về thận phận của chính mình tại sao chúng ta quá chú tâm đến “ cọng rơm trong mắt của người anh em mà quên đi mình đang vác một cái xà”. Cái xà ấy đã che phủ con mắt đức tin của chúng ta, và chúng ta chỉ còn soi mói cái xấu của người anh em mà không biết là: người khi lên án, xét đoán người khác là chính chúng ta đang tự lên án, kết tội mình. Ở đây, Chúa Giêsu nhắc chúng ta phải dè dặt khi xét đoán người khác. Hãy nhớ lại thân phận bụi tro của mình cũng dầy những khuyết điểm tội lỗi… mà bao dung tha thứ những lỗi lầm của người anh em. Có thế, chúng ta mới đấm ngực ăn năn thú nhận và không lên mặt hợm hĩnh khi góp ý xây dựng người anh em, không coi thường, khinh khi người khác mà biết đón nhận nhau trong đức ái.
Trong câu cuối cùng, Chúa Giêsu gợi những kẻ xét đoán người khác là: Đạo đức giả Ngài ra lệnh: chúng ta hãy lấy cái xà ra trước, rồi thấy rõ mà lấy cọng rơm cho người anh em ( c.5). Nghĩa là chúng ta phải thực hành điều mình hiểu và điều mình nói, thì mới xây dựng người khác trên con đường nhân đức được.
Quả thực, chỉ có Thiên Chúa mới thấu suốt tâm hồn của con người và Ngài mới có quyền xét đoán mỗi người. Thiên Chúa không xét đoán theo cách con người nhìn nhận bên ngoài, nhưng Ngài phán xét theo lẽ bên trong lương tâm của mỗi người. Vì thế, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta không nên soi xét người khác nhưng hãy nên hoàn thiện bản thân. Việc hoàn thiện bản thân chính là biết nhận ra nơi mình cũng có những cái rác, cái xà trong con mắt cần phải được lấy đi trước đã. Một khi chúng ta loại bỏ được những cái rác cái xà ấy là những thành kiến và nghi kỵ về người khác, thì chúng ta sẽ có được cái nhìn trong sáng và bao dung với tha nhân hơn.
Do vậy, hoàn thiện bản thân chính là cách thế và dấu chứng sống động để tha nhân nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện nơi mỗi người; và mỗi người được mời gọi sống tình huynh đệ là anh chị em trong một đại gia đình của Thiên Chúa.
Thực tế minh chứng rằng khi chúng ta xét đoán ai, chúng ta thường ta đưa mình lên trên người khác. Lúc đó, ta là số một và người khác chỉ là thứ yếu. Vì vậy, ta trở thành quan toà hoặc chủ của họ. Đang khi đó, quyền phán xét chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi. Kinh Thánh nhiều lần xác định rõ đều này, chẳng hạn Thánh Phaolô xác quyết rằng: “Ngươi là ai mà dám xét đoán gia nhân người khác. Nó đứng hay nó ngã, mặc chủ nó. Còn người tại sao ngươi xét đoán anh em người“. Thật vậy, quyền xét đoán anh em là quyền của Thiên Chúa, còn chúng ta không được và không nên xét đoán với nhau. Không thổi phồng tội người khác, không thu nhỏ lỗi của mình. Khiêm tốn sửa mình trước khi góp ý cho tha nhân. Thay vì xét đoán nhau, chúng ta nên bênh vực, bào chữa và nâng đỡ những người nghèo khổ, những người không có tiếng nói trong xã hội. Khi đó, chúng ta sẽ được Thiên Chúa ân thưởng.
Sứ điệp lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống khiêm nhường, yêu thương nhau, đừng xét đoán và đừng bao giờ đồng loã với những kẻ hay xét đoán người khác. Một khi chúng ta xét đoán người khác thế nào thì chính Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta như vậy.