skip to Main Content

Kiện toàn lề luật

8.6 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Mùa Quanh Năm

1 V 18:20-39; Tv 16:1-2,4,5,8,11; Mt 5:17-19

Kiện toàn lề luật

Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.

Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.

Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.

Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ sứ mạng của Người đến không phải để phá hủy Lề Luật nhưng là để kiện toàn. Chúa Giêsu còn cho biết ý nghĩa của việc giữ Luật, đó là điều kiện tiên quyết để vào Nước Trời, người ấy được tôn trọng như người lớn trong Nước Trời. Ngược lại, ai khinh thường, chống đối thì là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.

Thời Cựu ước, trên núi Sinai, Đức Chúa trao cho ông Môsê hai bia đá có khắc Mười điều luật để ông trao cho dân Ítraen như một giao ước thánh. Ông Môsê đã làm một cái hòm để đựng gọi là Hòm Bia Giao Ước hay Khám Giao Ước. Hòm Bia được đặt ở trong lều ở trung tâm trại của Israel được gọi là Lều Giao Ước. Ngày ấy, Thiên Chúa nhận dân Ítraen làm dân riêng và hứa sẽ che chở họ, còn dân thì hứa trung thành thờ phượng một mình Thiên Chúa và tuân giữ luật Người ban. Thế nhưng, lịch sử cho thấy, dân Ítraen đã phản bội Đức Chúa, họ chạy theo thờ cúng các thần của dân ngoại. Vì thế, Đức Chúa đã ký kết với dân giao ước mới bằng máu của Đức Giêsu.

Trước kia, luật Chúa ghi trên phiến đá, nay Đức Giêsu đến nội tâm hóa các điều luật và ghi vào tận sâu thẳm trái tim con người. Đó chính là luật yêu thương. Luật đó không ghi lại bằng chữ viết nhưng bằng hành động cụ thể. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, Người đã sống đến tận cùng của tình yêu, Người đã trao hiến chính bản thân mình trên thập giá để cứu độ nhân loại.

Đức Giêsu đem lại cho luật Môsê ý nghĩa đích thực. Luật Môsê chỉ có giá trị tạm thời. Vì Đức Kitô đến để kết thúc giai đoạn con người tìm cách nên công chính qua Lề Luật Môsê. Xác tín về sứ mệnh của Đức Giêsu, thánh Phaolô tông đồ đã khẳng định “Cứu cánh của Lề Luật là Đức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10,4). Với Đức Giêsu, tất cả các điều luật của Chúa chỉ tóm gọn một điều, đó là luật yêu thương. Ai sống trọn chữ “Yêu”, người đó đã chu toàn Lề Luật (Rm 13,10b).

Con người ngày nay thích tìm sự dễ dãi, họ xem Luật Chúa như một gánh nặng cổ hũ. Đây chính là nguyên nhân gây ra biết bao hệ lụy đáng buồn. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh tỉnh mọi tín hữu đừng để các tiên tri giả mê hoặc, đừng để tình yêu trở nên nguội lạnh, hãy dấn thân sống trọn tinh thần mùa chay. “Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người sẽ bị nguội lạnh” (Mt 24,12). Người ta xa lìa Thiên Chúa để chạy theo những tiên tri giả. Bao nhiêu người trẻ tìm phương được giả dối trong ma túy, trong những quan hệ “dùng rồi bỏ”, kiếm tiền dễ dàng một cách bất chính! Bao nhiêu người khác nữa bị vướng vào một cuộc sống hoàn toàn là ảo, trong đó những tương quan có vẻ đơn giản và mau lẹ hơn, nhưng rồi chúng vô nghĩa một cách bi thảm!

Lề luật giống như đường rầy giữ cho xe lửa chạy an toàn, hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị buộc phải sống và làm trong khuôn khổ của lề luật thì hơi khó chịu đấy. Nhưng ta hãy nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn. Hơn nữa ai biết giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô chia sẻ một kinh nghiệm quý giá “Ubi amatur, non laboratur” (khi ta yêu thì ta không cảm thấy nhọc nhằn).

Vì thế, mỗi người chúng ta được kêu gọi phân định trong tâm hồn và cứu xét xem mình có bị đe dọa vì những điều giả dối của các tiên tri giả ấy hay không. Cần học cách không dừng lại ở mức độ gần kề, hời hợt, nhưng nhận ra điều để lại trong chúng ta dấu vết tốt lành và lâu bền hơn, vì nó đến từ Thiên Chúa và thực sự có giá trị mưu ích cho chúng ta.

Kiện toàn lề luật mà Đức Giêsu dạy chúng ta là không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Đức Kitô: Giữ luật không vì sự bó buộc phải làm, mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng mến Chúa và tha nhân, biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hoá bản thân, giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.

 

Back To Top