Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Hướng lòng về Trời !
26/5 Lễ Thăng Thiên
Hướng lòng về Trời !
Phụng vụ Lời Chúa hướng chúng ta về biến cố Chúa Thăng Thiên, Chúa về trời “ngự bên hữu Thiên Chúa Cha”, về với Thiên Chúa Cha của Ngài để hưởng hạnh phúc. Điều này minh chứng Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế.Ngài đến từ Thiên Chúa Cha mà vào trần gian để cứu độ nhân loại, Ngài là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa nơi trần gian. Nay từ trần gian Ngài trở về Nhà Cha để dọn chỗ cho chúng ta “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.(Ga 14,13).
Biến cố Chúa về trời không có nghĩa là Chúa di chuyển hộ khẩu, Chúa thay đổi nơi cư trú, từ mặt đất này tới một nơi nào đó, nhưng có nghĩa như là một sự tôn vinh, như lời thánh Phaolô đã viết: Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, cho nên Thiên Chúa đã tôn vinh Người. Các tín hữu tiên khởi đã tin rằng: Đức Kitô được tôn vinh tiếp tục hiện diện giữa trần gian. Người hiện diện không phải chỉ ở Giuđêa, mà còn khắp cùng bờ cõi trái đất. Ngài hiện diện trong chính sự rao giảng của Giáo Hội. Phần cuối của đoạn Tin Mừng cho thấy ngay cả sau khi Ngài đã lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, các tông đồ vẫn tin tưởng rằng có Chúa cùng hoạt động với các ông khi các ông rao giảng và Ngài củng cố lời giảng của các ông bằng những phép lạ kèm theo.
Thực vậy, thánh Matthêu đã lặp lại lời Chúa: Này Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Còn thánh Luca thì đã ghi nhận: Sau khi Chúa lên trời, các tông đồ trở lại Giê rusalem, lòng tràn ngập niềm vui. Tại sao lại như thế? Chẳng lẽ các ông vui mừng vì Người đã rời xa họ hay sao? Phải chăng đây là một thoáng mặc khải, hé mở cho chúng ta thấy sự vắng mặt của Người đã trở thành một sự hiện diện thất gắn bó và mật thiết. Người tuy xa mà lại gần, tuy vắng mặt mà vẫn luôn hiện diện.
Sự kiện thăng thiên hay việc Chúa lên trời kết thúc sự hiện diện trần thế của Chúa Giêsu và mở ra một sự hiện diện mới của Ngài trong Giáo Hội, cộng đoàn những người tin. Các tông đồ hiểu rằng biến cố thăng thiên từ nay là một sự khởi đầu đối với các Ngài, bắt đầu sứ mạng làm chứng nhân cho Đức Kitô: “Bây giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem trong khắp các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. (Cv 1,8). Các tông đồ sẽ lãnh nhận sức mạnh từ trên cao, sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chính sức mạnh này đã làm cho các ông trở thành chứng nhân tin mừng về Chúa Giêsu. Bởi vì vào ngày lễ Ngũ tuần là thời kỳ Giáo hội bắt đầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ. Như thế, Chúa Giêsu về trời, nhưng Ngài luôn hiện diện và chương trình cứu độ vẫn được tiếp tục qua các tông đồ, qua Giáo hội cho đến ngày tận thế:
“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.
Biến cố Chúa Thăng Thiên là lời kêu gọi người kitô hữu trở về với cuộc sống thường ngày với sứ mạng làm cho xã hội tốt hơn, đem tin vui cứu độ cho anh em theo lệnh truyền của Đức Kitô, sống chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh trao cho chúng ta nhiệm vụ xây dựng Nước Chúa ở trần gian này.
Theo Tin Mừng Thánh Luca, cộng đoàn tông đồ đã xem “biến cố thăng thiên” không phải là cuộc ra đi cho bằng việc Chúa Giêsu đổi cách diện diện để có thể luôn ở gần các ông hơn, hiện diện giữa các ông: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đức Kitô Phục Sinh hiện diện khắp nơi để hỗ trợ hoạt động loan báo Tin Mừng cho các tông đồ, cho Giáo hội. Từ nay, với niềm tin chúng ta có thể bắt gặp được sự hiện diện của Đức Kitô trong thế giới hôm nay. Ngài luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.
Chứng kiến việc Chúa lên trời, từ giã các tông đồ về ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, thay vì các tông đồ buồn sầu, thì các ngài vui mừng phấn khởi:”Các ông thờ lậy Người và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng”. Các Ngài vui mừng vì thấy Thầy đã Phục Sinh sau khi chết, vì xác tín rằng Thầy đã Phục Sinh và Lên Trời, thì trò cũng được chung số phận với Thầy sau này, “Thầy đi để dọn chỗ cho an hem”. Việc Chúa Thăng Thiên liên hệ tới lời hứa ban Chúa Thánh Thần “Thầy ra đi, thì Thánh Thần, Đấng bảo trợ sẽ đến với anh em”.
Niềm vui của các tông đồ sau khi Chúa lên trời cũng là niềm vui của chúng ta bây giờ vì Chúa Giêsu Phục Sinh luôn ở với chúng ta mọi nơi mọi lúc và sau này chúng ta cũng sẽ được Phục Sinh, được về hưởng hạnh phúc Nước Trời với Đức Kitô.
Trước sự kiện Chúa lên trời, tâm hồn các tông đồ ngập tràn niềm vui, chứa chan niềm hy vọng và sẵn lòng rộng mở để thực thi sứ mạng mà Đức Giêsu đã chuyển giao. Đây là ba nét căn bản đã làm đổi thay các tông đồ một cách toàn diện: Niềm vui, niềm hy vọng, và việc thực thi sứ mạng rao giảng.
Chớ gì mỗi người chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể trải nghiệm niềm vui và niềm hy vọng. Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan lên đường thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.