Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Chúa thương thì Chúa chọn
14/5 Thánh Matthia, Tông Đồ
Cv 13:44-52; Tv 98:1,2-3,3-4; Ga 14:7-14
Chúa thương thì Chúa chọn
Thánh Matthia Tông Đồ đã được chọn để thế chỗ cho Giuđa. Theo bài đọc I của Thánh lễ hôm nay thì Matthia hay Giustô là một trong số 120 môn đệ có mặt tại nhà tiệc ly lúc đó. Matthia cùng với Joseph biệt danh là Bácsaba là hai người được đề cử, nhưng khi cầu nguyện và bắt thăm thì Matthia được trúng và được kể là một trong số 12 Tông Đồ. Và theo lời thánh Phêrô thì Matthia đã cùng sống với Chúa Giêsu.
Trang Tin Mừng hôm nay đề cập đến hai vấn đề quan trọng:
Điều răn mới của Chúa Giêsu
Và việc Chúa chọn các Tông Đồ.
Hôm nay, trong bầu khí thân mật của nhóm Thầy trò, Chúa Giêsu tâm sự với các Tông Đồ: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15,9).
Có lẽ các Tông Đồ đang rất cảm động trước những lời yêu thương đó và đang lắng nghe với tất cả trái tim rung cảm của mình. Tình yêu này đã nâng các Tông Đồ lên, từ địa vị Thầy trò đến địa vị bạn bè: Anh em là hạn hữu của Thầy(Ga 15,19). Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ. Tình yêu là một sức mạnh có thể biến đổi một môn đệ yếu đuối thành một người bạn thân yêu.
Trong thế giới loài người cũng vậy. Không phải những lời nói hay, những lý luận sắc bén mà thay đổi được một con người, nhưng là tình yêu. Lịch sử Giáo Hội cho thấy, Giáo Hội được canh tân là nhờ sức mạnh tình yêu của các vị thánh chứ không phải do những lý luận sắc bén của các nhà thần học hay triết gia lỗi lạc.
Vì thế mà Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tình yêu, đến điều răn mới. Trước khi chọn Phêrô đứng đầu Hội Thánh, Chúa cũng đòi hỏi ở Phêrô về lòng mến chứ không phải kiến thức, khả năng hay bằng cấp.
Chính Thầy đã chọn anh em… để anh em ra đi, sinh nhiều hoa trái (Ga 15,16).
Hai vợ chồng nhà báo người Hà Lan tên là Val Der Meer de Walcheren đã cùng xin chịu Bí tích Thánh Tẩy vào năm 1911 để gia nhập Giáo hội Công giáo. Sau đó, ông bà đã lần lượt khuyên các con cùng theo đạo, rồi lại cùng lần lượt theo đuổi ơn gọi Tận Hiến của các dòng tu. Người con trai lớn sau này trở thành một linh mục dòng Biển Đức Nam (Bénêdictin), người con gái kế làm nữ tu trong đan viện Biển Đức Nữ (Bénédictine).
Năm 1933, nhờ lòng khao khát tuyệt đối và ý chí tận hiến cho Chúa, Tòa Thánh đã chấp thuận đơn xin của hai ông bà để họ được phép chia tay nhau trong Lòng Mến Đích Thật. Ông xin được vào dòng Biển Đức Nam, nơi người con trai linh mục vừa sớm lìa đời, còn bà thì xin vào dòng Biển Đức Nữ chung với người con gái .
Trong thời kỳ tập tu, Bề Trên cả hai dòng chỉ định cho ông bà phải tiếp tục thường xuyên thư từ cho nhau. Sau hai năm, cả hai ông bà vẫn đầy thiện chí, sẵn sàng hy sinh dâng mình cho Chúa. Thế nhưng, Bề Trên của hai bên đều nhận thấy mối duyên tình của ông bà còn quá khăng khít, nên đã khuyên cả hai trở về với đời sống gia đình. Ông bà vâng lời trở về, tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau, chan hòa lòng yêu thương bác ái đối với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ.
Đến năm 1954 thì bà Val Der Meer de Walcheren qua đời. Nối lại ý hướng từ 20 năm về trước, cụ ông 74 tuổi đã xin trở lại tu viện. Và vào ngày 22.12.1956, cụ được thụ phong linh mục tại nhà nguyện tu viện Đức Mẹ nơi người con gái của cụ vẫn đang sống cuộc đời đan tu gương mẫu đã hơn 40 năm qua .
Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy thánh Philipphê, một trong nhóm mười hai đã nói lên ước muốn: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào? Và trả lời làm sao? Ðó là những vấn đề mà chúng ta sẽ đề cập trong bài Tin Mừng.
Chúa không chọn các Tông Đồ dựa trên tiêu chuẩn của loài người; và khi đã chọn rồi thì Chúa chỉ đòi hỏi một điều nơi những người được chọn: hãy yêu mến nhau. Và khi đã chọn ai thì Chúa liền ra lệnh: hãy ra đi và sinh nhiều hoa trái.
Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của vị vua trên hay của bất cứ ai trong chúng ta, một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế mà không ít người sẵn sàng hao tốn tiền bạc, thời giờ để tìm đến nơi xảy ra dấu lạ cho bằng được. Một dịp hành hương có ý nghĩa và quan trọng hơn Tam Nhật Thánh của ngày lễ Phục Sinh.
Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu của Philipphê, Chúa Giêsu đã dùng một lời khẳng định và một câu hỏi khẳng định đặt trước và một câu hỏi nằm sau. Nếu theo đúng phương pháp sư phạm, câu hỏi phải được đặt trước, vì đặt câu hỏi là giúp khai mở dần của việc đối diện để hướng về sự thật sắp được giãi bày. Chẳng phải Chúa Giêsu không biết đến phương pháp này, nhưng Ngài đã trả lời cách khác, vì Ngài muốn nêu lên một chân lý: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy với Cha là một”. Ðó là một thực tại quá hiển nhiên không còn phải bàn cải.
Câu hỏi tiếp theo có công dụng như một lời nhắc nhở cho Philipphê hãy quay nhìn trở lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ. Những lời Thầy nói, những việc Thầy làm không phải là của Thầy, nhưng đều là của Thiên Chúa Cha ở trong Thầy. Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ chẳng nhận ra Ngài là Thiên Chúa.
Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với tông đồ Philipphê cũng là lời Ngài muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay. Ðừng cho các quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là một điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm kiếm dấu lạ, nhưng rồi dấu lạ xảy ra trước mắt mà lại chẳng nhìn thấy.
Hằng ngày qua lời truyền phép của linh mục, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trên bàn thờ mà đã mấy lúc chúng ta tỏ ra thái độ cung kính tin nhận Ngài. Và rồi trong cuộc sống, biết bao lời cầu khẩn, xin ơn được dâng lên Thiên Chúa, nhưng đã có lần nào chúng ta biết dừng lại để khám phá ra ơn lành của Ngài đã bị mất giữa chuỗi dài những quen thuộc thường xảy ra.
Chúa Giêsu muốn Kitô hữu chúng ta cũng phản ánh dung mạo của Người cho tất cả mọi anh em còn xa lạ với Chúa để họ được nhận biết Người; nghĩa là: nhìn vào đời sống các con, thiên hạ sẽ nhận biết được sự tốt lành của Thiên Chúa chân thật. Cụ thể: Tình thương được diễn tả bằng những cử chỉ cảm thông, chia sẻ, và phục vụ cách vô vị lợi – “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau” (x. Ga 13, 35); bên cạnh đó, chúng ta còn phản ánh dung mạo của Đức Kitô bằng đời sống ngay thẳng, thật thà, liêm chính không gian dối, lươn lẹo, lọc lừa, hay tham lam, ích kỷ nơi học đường, trong công sở, chỗ làm việc…
“Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn.” Nhận biết và tin vào Thiên Chúa, chúng ta được thúc đẩy dấn thân để thực thi trọn vẹn ý muốn của Người. Như Thiên Chúa ở trong Đức Ki-tô và làm mọi việc (c. 10), chúng ta hãy tha thiết gắn bó và cầu xin để Đức Ki-tô làm mọi việc trong chúng ta hầu thi hành thánh ý của Người; và như thế chắc chắn muôn điều kỳ diệu sẽ được thực hiện trong cuộc sống.
15/5 Chúa Nhật thứ Năm Mùa Phục Sinh
Cv 14:21-27; Tv 145:8-9,10-11,12-13; Kh 21:1-5; Ga 13:31-33,34-35
Điều răn mới
Không phải chỉ có Kitô giáo mới giảng dạy về tình yêu thương. Văn hoá Á đông đã từng nhấn mạnh: Tứ hải giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em. Cha ông chúng ta thuở trước cũng đã khuyên nhủ: Thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng yêu thương rộng mở đối với mọi người trong xã hội. Vậy giới luật của Chúa có điều chi mới mẻ?
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Người ta cho rằng: yêu thương phát xuất từ con tim. Người ta còn nói: Tình yêu xưa như trái đất, nghĩa là tình yêu có từ khi có trái đất hay trái đất xưa bao nhiêu thì tình yêu lâu đời bấy nhiêu. Như thế, tình yêu cũ kỹ lắm rồi! Ở đấy, Đức Giêsu không nói đến thời gian có tình yêu. Người chỉ nói phải đổi mới tình yêu.
Tình yêu đã bị hủ hoá, tha hóa vì nó chứa quá nhiều các thứ trần tục, nó bị ô nhiễm bởi tội tổ tông, làm mất giá trị cao quý của con người siêu việt là con Thiên Chúa.
Yêu thương anh em, nhiều người trong chúng ta cho rằng, lệnh truyền này có tính cách giáo điều, mang nặng tính chất đạo đức, không còn gây được những ấn tượng mạnh mẽ. Trong khi đó, cuộc sống thì biến đổi từng ngày và từng giờ. Người ta chú trọng đến những vẻ hào nhoáng bên ngoài. Những lời nói tuyên truyền. Tất cả làm thành như một lớp sơn, phết trên thanh gỗ mục. Trong khi đó tinh thần bác ái, tinh thần yêu thương vẫn cứ bị quên lãng, và không có một chỗ đứng quan trọng nào trong sinh hoạt thường ngày.
Dựa vào những lời tâm sự cuối cùng của Chúa, chúng ta có thể tìm thấy được những nét độc đáo của tình thương yêu trong Kitô giáo. Nét độc đáo thứ nhất đó là hãy yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Thực vậy, cái khuôn mẫu lý tưởng, cái thước được dùng để đo tình yêu thương của chúng ta, không còn là mối liên hệ máu mủ, cũng không còn là chính bản thân của mình nữa, nhưng là chính tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã xuống thế và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta như lời Ngài đã nói: Không ai có tình yêu cao quý hơn người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu. Chỗ khác Ngài cũng bảo: Ta là mục tử tốt lành. Người mục tử tốt lành thì hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Tình yêu ấy không bị giới hạn, không bị ngăn cách nhưng được dành cho hết mọi người.
Bên cạnh thập giá Đức Kitô không ai là không có chỗ của mình, kể cả những kẻ tội lỗi, đĩ điếm và trộm cướp. Ngài không huỷ diệt một khả năng nào để vươn lên. Đứa con hoang đàng cũng có chỗ trong nhà cha mình. Người trộm cắp cũng được mời gọi tham dự tiệc cước và người phụ nữ nhẹ dạ cũng có thể hôn chân Ngài. Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ và thương xót đối với mọi người, không trừ một ai. Tình yêu thương vô bờ ấy phải trở nên mẫu mực để chúng ta noi theo: Hãy yêu thương như như Thầy đã yêu thương các con.
Nét độc đáo thứ hai đó là tình yêu thương phải trở nên dấu chỉ của những người thuộc về Chúa. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau. Thực vậy, Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ của mình phải thông thái như các tiến sĩ luật, cũng không bắt họ phải sống gò bó nhiệm nhặt như nhóm biệt phái. Điều duy nhất Ngài đòi hỏi nơi các ông đó là tình yêu thương.
Ngay từ đầu các tín hữu đã thực sự sống tình bác ái yêu thương để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh và trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, các tâm hồn ở mọi nơi và trong mọi lúc, vẫn nhận ra Thiên Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của những người tin Chúa, được biểu lộ bằng hành động bác ái yêu thương.
Yêu thương nhau như Thầy yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa đã sai chính Con Một yêu dấu xuống thế để cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu Thiên Chúa một cách cụ thể trong đời sống. Tình yêu của Chúa trải rộng trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Ngài đã dùng mọi cách gần gũi nhất để tỏ lòng yêu thương. Chúa sinh ra nơi máng cỏ nghèo hèn, chịu chung số phận với những người kiều cư khách lạ, sinh sống nơi làng quê nghèo và hoạt động cách bình dị âm thầm. Chúa Giêsu hoà chung những sinh hoạt hằng ngày với mọi người, đến nỗi người đồng hương chẳng nhận ra Chúa là ai. Họ nghĩ Chúa chỉ là con bác thợ mộc Giuse và mẹ là bà Maria. Thiên Chúa ẩn mình một cách thật khiêm hạ.
Chúa Giêsu đã kiên nhẫn đợi chờ trong thời gian và không gian để thi hành sứ mệnh. Ngài đã hoàn tất mọi lời tiên tri loan báo về Ngài. Chúa đã chịu mọi khổ nhục và chịu chết treo trên cây Thánh giá. Chúa đã sống lại. Mọi uy quyền trên trời dưới đất được trao ban trong tay Ngài. Mọi tư tưởng, lời nói, hành động của Chúa Giêsu là lời nói hành động của Thiên Chúa làm Người. Lời của Ngài là Tin Mừng cứu độ. Trước khi rời khỏi thế gian, Chúa Giêsu đã ưu ái ban truyền cho các Tông đồ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu thương nhau như Thầy yêu chúng con. Một điều răn căn cốt tóm gọm lời dạy của Chúa.
Chính vì hiểu như thế, Thánh Augustinô đã giải thích: “Sau khi lột bỏ con người cũ, nó mặc cho ta con người mới… Kẻ vâng theo giới răn mới này được canh tân, không phải nhờ một thứ tình yêu nào, nhưng chỉ nhờ tình yêu mà Chúa đã phân biệt với tình yêu xác thịt khi Người nói thêm rằng: “Như Thầy đã yêu chúng con”. Tình yêu ấy đổi mới chúng ta, những kẻ hát khúc ca mới. Tình yêu ấy đã canh tân tất cả những người công chính ngày xưa, các thánh tổ phụ, các tiên tri thời trước, cũng như đã đổi mới các dân tộc và toàn thể nhân loại sống rải rác khắp mặt địa cầu. Nó đang kết hợp lại thành một dân mới, làm thành thân thể người bạn trăm năm mới của con Thiên Chúa.