Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Ơn tái sinh
25.4 Thánh Máccô, Thánh Sử
Cv 4:23-31; Tv 2:1-3,4-6,7-9; Ga 3:1-8
Ơn tái sinh
Thánh Mác-cô là một trong bốn tác giả đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn thánh sử viết Tin Mừng của Chúa Giêsu là Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Tất cả bốn thánh sử, mỗi người một vẻ, mỗi người một cách đã tường thuật đầy đủ cuộc đời của Chúa Giêsu. Thánh Mác-cô đã được Chúa gọi mời, tuyển chọn để trở nên tông đồ và là một người tường thuật lại đời sống của Chúa Giêsu.
Thánh Mác-cô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thánh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng, sang La mã. Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Mác-cô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Mác-cô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn.
Trong Tin Mừng hôm nay. Thánh Marcô đã ghi lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,16). Mệnh lệnh Truyền giáo vẫn là nỗi ưu tư hàng đầu của Hội Thánh Chúa Kitô trải qua mọi thời đại.
Sự kiện nổi bật trong Năm Đức Tin đã qua ta đã thấy đó là cuộc kỷ niệm kéo dài hai ngày tại Rome về phẩm giá của cuộc sống và những phương thế để kết hợp giáo huấn này trong chương trình Tân Phúc Âm Hóa.
Cha Geno Sylva, vị đại diện của các dân tộc nói tiếng Anh tại Hội Đồng Giáo Hoàng Thúc đẩy Tân Phúc Âm Hóa, hy vọng sự kiện này sẽ nói lên một tiếng nói rõ ràng với thế giới trần tục và thế giới “sẽ phải lắng nghe và kết luận rằng ‘quả thật, có một nền văn hóa sự sống phát ra từ Giáo Hội.’ ” Đó là hai ngày hội quốc tế từ 15 tới 16 tháng Sáu, bắt đầu từ sáng thứ bảy với một buổi thảo luận giáo lý về “Tin Mừng Sự Sống và Phúc Âm mới”.
Sự kiện này sẽ giúp “khám phá ra các chân lý lâu dài và vượt thời gian của thông điệp”Evangelium Vitae” do Chân Phước John Paul II ban hành năm 1995 và vai trò chính mà ‘Tin Mừng Sự Sống’ vẫn tiếp tục trong việc truyền giáo mới của Giáo Hội. Cha Sylva giải thích rằng điều quan trọng trong việc rao giảng chính là lúc mà người nghe “hiểu về đức tin của chúng ta và lý do tại sao chúng ta tin.”
Hiểu về đức tin của chúng ta và lý do tại sao chúng ta tin.”. Thiết tưởng đó cũng là điều then chốt để cho các Kitô hữu chúng ta phát triển đức tin của mình để rao giảng Tin Mừng. Cũng còn đó nhiều người lớn cũng như giới trẻ còn quá coi thường việc tham dự Phụng vụ Thánh lễ Chúa Nhật, khi vẫn còn ngồi vật vờ ngoài sân, gốc cây dự lễ cho xong như là mình chẳng biết tin là gì. Như vậy một người lương dân đi qua chắc hẳn họ cũng thắc mắc phải chăng niềm tin của chúng ta chỉ là một số luật buộc phải giữ cho xong. Cũng có trường hợp con cái kết hôn với người không công giáo nay trở lại. Nhưng gia đình họ vẫn buộc người công giáo phải làm theo những ý muốn của họ như xem ngày, giờ tốt… Người công giáo vẫn theo, không tuyên xưng đức tin của mình.
Tân Phúc Âm Hóa vẫn là lời mời gọi của Giáo Hội cho con cái mình. Tham dự tích cực sốt sắng trong Phụng vụ cũng là một lời rao giảng thiết thực. Thánh lễ Hôn phối khi có cô dâu, chú rể là tân tòng. Gia đình họ là lương dân khi tham dự chắc chẳn cũng cảm nghiệm được lý do tại sao chúng ta tin. Khi vào gia đình xui gia là lương dân. Trước khi nói chuyện chuẩn bị đám cưới cho con cái. Người Công giáo xin phép gia chủ để thắp một nén nhang trên bàn thờ Tổ Tiên của họ. Thiết tưởng cũng là cách mình rao giảng Tin Mừng. Theo Đạo Công giáo không phải là bỏ ông bà cha mẹ như một số người vẫn quan niệm, và như vậy việc rao giảng chính là lúc mà người nghe “hiểu về đức tin của chúng ta và lý do tại sao chúng ta tin.”.
Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô về ơn tái sinh. Nhờ cuộc tái sinh này, con người được gia nhập vào Nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”.
Ông Nicôđêmô chưa hiểu lắm về ý nghĩa của hai chữ “tái sinh”. Ông chỉ hiểu như là hai từ đó như phải sinh lại một lần nữa theo con đường tự nhiên, giống như người mẹ sinh con cái. Tuy nhiên, ở đây, Chúa muốn hướng ông đến một cuộc tái sinh thiêng liêng, thuộc tinh thần, hơn là một sự sinh hạ thể lý tự nhiên. Đó là sự sinh lại “bởi trời”, một sự tái sinh mới bởi “nước và Thánh Thần”, thì mới được vào Nước Thiên Chúa.
Qua những lời dạy của Chúa Giêsu về ơn tái sinh, Chúa dạy chúng ta nhớ đến Bí tích Thánh tẩy mà chúng ta lãnh nhận từ khi còn thơ bé.
Bí tích Thánh Tẩy làm cho người tín hữu chúng ta được tái tạo và được phục hồi phẩm giá của mình, từ tình trạng tội lỗi, nô lệ ma quỉ, và phải chết đời đời, sang tình trạng của ơn sủng. Nay, nhờ được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, được tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm chịu chết và sống lại, được đón nhận sự sống của Chúa Thánh Thần, và đặc biệt, được trở thành con cái của Thiên Chúa, và được gia nhập vào Hội Thánh Chúa.
Ơn tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, giúp chúng ta được sống một đời sống mới. Bởi thế, chúng ta phải triệt để sống xứng đáng với ơn làm con cái Chúa, phải xa lánh tội lỗi, từ bỏ nết xấu, chiều theo những đam mê bất chính; vì những điều đó dễ làm chúng ta đánh mất ơn làm con cái Chúa. Hãy luôn sống như con cái của sự sáng.
Sống đạo hằng ngày, quan trọng nhất chính là sống tình hiếu thảo đối Cha trên trời, bằng tâm tình thờ phượng Thiên Chúa, đặt Chúa lên trên hết, tin tưởng, yêu mến và vâng phục Thiên Chúa cách tuyệt đối. Thiên Chúa yêu thương, nhân từ, khoan dung, độ lượng và chỉ làm mọi điều tốt đẹp cho con người. Vì thế, ta còn phải sống tâm tình cảm tạ, tri ân Thiên Chúa trong suốt cuộc sống chúng ta.
Sống đạo là đi theo Đức Kitô và trở nên giống Người. Muốn thế, chúng ta hãy siêng năng đọc và sống Lời Chúa dạy, để trong cuộc sống của ta, ta luôn nói, suy nghĩ, làm những điều phù hợp với Phúc Âm.
Vì được tái sinh bởi “nước và Thánh Thần”, nghĩa là trong chúng ta luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động. Vì thế, chúng ta luôn luôn giữ vững ơn nghĩa của Chúa, biết vâng phục ơn Chúa Thánh Thần soi sáng qua tiếng nói của lương tâm ngay thẳng, sống theo chân lý, sống theo sự thật.