Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Hãy rửa chân cho nhau
14.4 Thứ Năm Tuần Thánh
Is 61:1-3,6,8-9; Tv 89:21-22,25,27; Kh 1:5-8; Lc 4:16-21; Xh 12:1-8,11-14; Tv 116:12-13,15-16,17-18; 1 Cr 11:23-26; Ga 13:1-15
Hãy rửa chân cho nhau
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
Chiều hôm kỷ niệm ngày lễ Vượt Qua và khi mặt trời vừa lặn, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ cử hành bữa tiệc theo đúng truyền thống. Và trong bữa tiệc, Chúa Giêsu đã bộc lộ niềm xúc động vì đây là lần cuối cùng Chúa mừng lễ Vượt Qua chung với các môn đệ. Người biết rằng sau bữa ăn này, Người sẽ phải vâng thánh ý Chúa Cha hoàn thành sứ mệnh đã được giao phó. Và cũng trong bữa ăn này, Chúa đã để lại một lời trăn trối chất chứa tình yêu thương, phát xuất từ trái tim: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.” Sau đó, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ đột ngột, Ngài chỗi dậy khỏi bàn, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu, rồi rửa chân cho các môn đệ.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa ngồi vào bàn tiếp tục dạy dỗ các môn đệ về yêu thương phục vụ, và nói rõ cho các môn đệ biết mục đích việc Chúa rửa chân cho họ, “Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.” Trong giây phút nữa đây, chúng ta sẽ cử hành việc rửa chân này.
Ta thấy trình thuật kể lại ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
Chúa Giêsu không chấp nhận phản ứng bộc phát của Phêrô, một phản ứng chứng tỏ ông không hiểu gì. Không được phán đoán lối hành động của Chúa từ bên ngoài, theo quan niệm loài người, Phêrô bị giam hãm trong quan niệm cũ về Đấng Messia nên không thể chấp nhận Đấng Messia tự hạ phục dịch như người nô lệ. Tuy nhiên trong ý tưởng của Chúa Giêsu, hành động này chứa đựng ý nghĩa cao xa mà Phêrô chưa lĩnh hội được: đó là việc phục dịch nô lệ ấy tiên trưng cái chết của Ngài. Chắc chắn Ngài đã loan báo cho họ biết Ngài sẽ phải chết. Và trong trường hợp đó, Ngài đã quở trách Phêrô vì đã phản đối (Mt 16,22; Mc 8,33). Phêrô đã không hiểu gì nên liền sau đó, nghĩa là sau khi rửa chân, Chúa Giêsu đã dạy cho ông một bài học. Đây là ý nghĩa đầu tiên của thành ngữ “nhưng sau này” (13,7). Tuy nhiên, cũng có thể có nghĩa là ngày hôm sau: hôm sau họ sẽ phải hiểu rõ ràng hơn, khi thấy Đấng Messia bị treo trên thập giá và đổ máu ra cho đến giọt cuối cùng.
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Và ta thấy bài học ‘rửa chân’ thật mấu chốt và quan trọng biết bao! Thế nhưng thật đáng tiếc nó thường bị coi (kể cả bởi các chủ tế cử hành) chỉ như một biểu tượng cá biệt hơn là diễn tả hoàn hảo một mạc khải về tình yêu trao hiến phục vụ đích thực. Tệ hơn nữa nó còn bị thu hẹp thành một nghi thức phụng vụ được cử hành trong Thánh Lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh… và sau đó là kết thúc luôn, không còn được thực thi cách cụ thể trong cuộc sống đức tin của cuộc sống thường ngày.
Chúa sẽ không hỏi chúng ta đã rửa chân được cho bao nhiêu người, nhưng Chúa sẽ hỏi đôi bàn tay chúng ta đã giúp đỡ sẻ chia cho được những ai! Chúa sẽ không hỏi chúng ta đã hôn được bao nhiêu bàn chân, nhưng Chúa sẽ hỏi môi miệng chúng ta đã làm cho bao nhiêu người được an vui hạnh phúc. Chúa không muốn chúng ta trở thành những người thợ làm thuê (rửa chân – hôn chân thuê), những robot, người máy của thời hiện đại, nhưng muốn chúng ta thực sự trở thành những con trai con gái của một vị Thiên Chúa yêu thương, yêu thương đến cùng bằng nỗ lực thực hành giới luật yêu thương mà Chúa đã dạy.
Cụ thể đó là ta đã cúi xuống để có thể lắng nghe và cảm thông với những đau khổ và nhọc nhằn của anh chị em đồng loại hay chưa? Ta đã cúi xuống để phục vụ cha mẹ già trong gia đình, gia tộc mình, bằng sự yêu thương kính trọng hay chưa? Ta đã cúi xuống để yêu thương và phục vụ chồng của mình, vợ của mình, con cái của mình bằng sự hy sinh trao hiến chưa? Ta đã quan tâm đến hàng xóm láng giềng, là những người sống bên cạnh chúng ta nhiều hơn chưa?
Xin cho chúng ta thấm nhuần bài học phục vụ Chúa đã nêu gương, để trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng biết dẹp khỏi mình sự kiêu căng xét đoán, sự dửng dưng vô cảm, để biết cúi xuống phục vụ anh chị em. Xin cho chúng ta có một đôi mắt thật sáng để có thể nhìn thấy những nhu cầu và những đau khổ của anh em, để có thể có cái nhìn cảm thông. Xin cho chúng ta có một đôi tay giang rộng để có thể ôm ấp mọi người, để xoa dịu những đau khổ của kiếp người. Xin cho chúng ta có một đôi chân dẻo dai để có thể bước đến với anh em, xóa bỏ mọi ngăn cách nghi kỵ, hờn dỗi, để có thể đem tình yêu thương của Chúa đến cho họ.