skip to Main Content

Tình yêu vượt lên tất cả

11.4 Thứ Hai Tuần Thánh

Is 42:1-7; Tv 27:1,2,3,13-14; Ga 12:1-11

Tình yêu vượt lên tất cả

Thời xưa và thời nay, nước hoa vẫn là một loại thảo dược được nhiều người con gái tuổi thanh xuân hay đang yêu sử dụng nhiều, bởi nó là biểu tượng của tình yêu. Vì thế, người ta muốn bày tỏ hay minh chứng tình yêu, thì thường tặng cho nhau những lọ nước hoa đắt tiền.

Trong những bữa tiệc trước đây, cô Maria thường ngồi dưới chân mà nghe Chúa giảng dạy, lần này cô lấy bình thuốc thơm hảo hạng xức chân Đức Giêsu. Việc xức thuốc thơm cho khách là phong tục phổ thông của người Do thái. Thông thường người ta xức trên đầu, nhưng nếu là thân tình, họ xức cả đầu lẫn chân. Hôm nay, không những cô xức đầu Chúa mà còn xức cả chân nữa. Hành động này diễn tả lòng khiêm nhường và yêu mến Chúa (Ga 12, 8; Mt 26, 7).

Giá tiền của bình dầu thơm mà Maria đã đổ ra để xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, bằng lương 300 ngày công, nghĩa là gần suốt một năm. Mà gia đình Bêtania không khá giả gì. Maria yêu mến Chúa Giêsu “bằng mọi giá, chẳng tiếc bất cứ thứ gì cả.

Trước đây, Maria cũng đã làm hài lòng Chúa khi bỏ hết mọi việc để ngồi bên chân Ngài và lắng nghe lời Ngài (Lc10,38-42). Lòng yêu mến Chúa của Maria không phải chỉ là tình cảm suông, cũng không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn bằng thái độ không tiếc bất cứ thứ gì với Chúa, nhất là tiền bạc và thời gian.

Một bình dầu thơm được đánh giá 2 cách khác nhau: Maria dùng nó như phương tiên phục vụ Chúa, Giuđa coi đó là một giá trị vật chất đáng thèm muốn.

Giuđa nói: “sao không bán dầu thơm đó lấy 300 đồng mà cho người nghèo”. Nhiều khi người nghèo bị lấy làm chiêu bài để che đậy cho lòng tham, để tô vẽ bộ mặt đạo đức của kẻ giả hình.

“Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn Thầy thì anh em chẳng có mãi đâu”. Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt.

Hành động của Maria không phải là một hành động mang tính phung phí như Giuđa nghĩ, mà là dấu hiệu, biểu lộ của tình yêu. Cô đã kính phục Chúa Giêsu nhiều chuyện, nhất là hôm cô được ngồi dưới chân Ngài mà nghe giảng. Hơn nữa, người em của cô là Lazarô đã được Chúa Giêsu cải tử hoàn sinh, nên lòng kính mến lại dâng lên gấp bội. Vì thế, cô đã không hề tiếc xót khi phải cho đi thứ quý giá của cô. Có lẽ nếu có tiếc thì cô tiếc là không có nhiều hơn để dâng hiến vì cô yêu mến Chúa Giêsu tha thiết.

Khi cơ hội ngàn năm có một, nên cô đã tiến lại và đập vỡ bình dầu ra, đổ lên chân Đức Giêsu rồi lấy tóc mình mà lau.

Trước việc làm của cô Maria, Giuđa cho là một việc làm uổng phí, vì 300 đồng bạc, giá của bình dầu, theo thánh Gioan, là giá của 300 ngày công của một người lao động. Việc Giuđa chỉ trích việc làm phí phạm của Maria càng biểu lộ lòng tham tiền của hắn. Đối với Giuđa lúc này, tiền còn quý hơn tình nghĩa đối với Chúa. Chính vì thế, thánh Gioan là một người vốn tế nhị mà hôm nay còn nói: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo mà vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”.

Giuđa là con người đạo đức giả, quá ham mê tiền của vật chất, đã phản bội Chúa. Y tượng trưng cho những người yếu đuối, chiều theo sức lôi cuốn của thế gian, xác thịt và ma quỷ, đang tâm phản bội tình thương của Chúa.

Còn những kẻ chống đối Chúa: đó là các thượng tế, luật sĩ, biệt phái. Họ tượng trưng cho nếp sống ích kỷ, vụ lợi. Khi không có lợi cho mình thì từ chối, khi thấy mình mất mát và phải hy sinh thì trốn tránh và chống đối.

Họ “quyết định giết luôn cả Lazarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ và tin vào Chúa Giêsu”. Họ có thái độ “giận cá chém thớt”, một thái độ mà nhiều khi, nếu không để ý, chúng ta cũng dễ mắc phải. Rõ ràng họ đang bị tính ghen ghét xui khiến. Nếu họ có nói lý do giết Chúa là gì đi nữa thì việc họ muốn giết Lazarô rõ ràng là vì uy tín của Đức Giêsu vượt trên uy tín của họ.

Còn dân chúng thì làm sao? Thánh Luca cũng cho biết: “Một đám đông người Do thái biết Chúa Giêsu đang ở đó. Họ tuốn đến. . .”. Chúng ta thấy họ đến với Chúa không chỉ bằng niềm tin, nhưng còn vụ lợi, hoặc tò mò xem Chúa Giêsu và Lazarô được phục sinh. Họ tượng trưng cho những người theo đạo vì gạo, thích thú về ơn Chúa hơn là chính Chúa, một nếp sống đạo hời hợt, nông cạn. Và khi gặp thử thách, họ dễ thất bại, sa ngã, phạm tội. . .

Khởi đầu Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hành vi của cô Maria để noi theo!

Cử chỉ của cô Maria hôm nay là kiểu mẫu cho cử chỉ và việc làm cụ thể để tỏ lòng yêu mến Chúa đặc biệt nơi tha nhân, nhất là những người nghèo khổ.

Mỗi người chúng ta cũng phải tìm cho ra cách độc đáo của mình trong việc tin mến Chúa, như gương sáng trên và như cô Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa. Thực vậy, nếu chúng ta có lòng mến Chúa thật chúng ta sẽ tìm ra cách tỏ lòng mến Chúa riêng của mình, chẳng hạn như quyết tâm sửa đổi một thói hư tật xấu nào đó, quyết tâm làm một việc tốt, vì không ai giàu sáng kiến cho bằng người đang yêu.

Noi theo đây không phải là chúng ta phải bỏ ra những thứ đắt tiền như Maria để tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa, mà là noi theo gương khiêm nhường, sám hối, canh tân và yêu mến như Maria.

Một trong những việc cụ thể để tỏ lòng yêu mến Chúa, đó là chúng ta từ bỏ con đường tội lỗi, trở về với Chúa và hoán cải cuộc đời.

Xin Chúa cho chúng ta bước vào Tuần Thánh với tâm tình sám hối thực sự để chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa

 

Back To Top