Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Kiện toàn luật
23.3 Thứ Tư trong tuần thứ Ba Mùa Chay
Đnl 4:1,5-9; Tv 147:12-13,15-16,19-20; Mt 5:17-19
Kiện toàn luật
Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.
Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Chúa Giêsu đem lại cho luật Môsê ý nghĩa đích thực. Luật Môsê chỉ có giá trị tạm thời. Vì Đức Kitô đến để kết thúc giai đoạn con người tìm cách nên công chính qua Lề Luật Môsê. Xác tín về sứ mệnh của Chúa Giêsu, thánh Phaolô tông đồ đã khẳng định “Cứu cánh của Lề Luật là Đức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10,4). Với Chúa Giêsu, tất cả các điều luật của Chúa chỉ tóm gọn một điều, đó là luật yêu thương. Ai sống trọn chữ “Yêu”, người đó đã chu toàn Lề Luật (Rm 13,10b).
Con người ngày nay thích tìm sự dễ dãi, họ xem Luật Chúa như một gánh nặng cổ hũ. Đây chính là nguyên nhân gây ra biết bao hệ lụy đáng buồn. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh tỉnh mọi tín hữu đừng để các tiên tri giả mê hoặc, đừng để tình yêu trở nên nguội lạnh, hãy dấn thân sống trọn tinh thần mùa chay. “Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người sẽ bị nguội lạnh” (Mt 24,12). Người ta xa lìa Thiên Chúa để chạy theo những tiên tri giả. Bao nhiêu người trẻ tìm phương được giả dối trong ma túy, trong những quan hệ “dùng rồi bỏ”, kiếm tiền dễ dàng một cách bất chính! Bao nhiêu người khác nữa bị vướng vào một cuộc sống hoàn toàn là ảo, trong đó những tương quan có vẻ đơn giản và mau lẹ hơn, nhưng rồi chúng vô nghĩa một cách bi thảm!
Vì thế, mỗi người chúng ta được kêu gọi phân định trong tâm hồn và cứu xét xem mình có bị đe dọa vì những điều giả dối của các tiên tri giả ấy hay không. Cần học cách không dừng lại ở mức độ gần kề, hời hợt, nhưng nhận ra điều để lại trong chúng ta dấu vết tốt lành và lâu bền hơn, vì nó đến từ Thiên Chúa và thực sự có giá trị mưu ích cho chúng ta.
Chính Chúa Giêsu đã trung thành giữ luật cách yêu mến và trung thành. Chỉ khi nào luật không làm cho con người ta tốt hơn, mà ngược lại, nó đè bẹp con người, thì lúc đó Ngài lên tiếng chống đối.
Hai lối hiểu và hai cách giữ luật khác nhau, nên những nhà lãnh đạo Dothái và Chúa Giêsu có sự đối kháng kích liệt. Họ cho rằng Chúa Giêsu đến để bãi bỏ lề luật, còn Chúa Giêsu thì khẳng định: “Các người đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ các lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Nói cách khác, Chúa Giêsu vẫn rất tôn trọng luật Cựu Ước, mà cụ thể là trong Ngũ Kinh, vì ở đó chứa đựng ý muốn và lệnh truyền của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, vì họ đã giữ luật theo kiểu mặt chữ, nên không còn tình thương, lòng mến, và luật đã trở thành phương tiện cho người ta hà hiếp, bóc lột và kết án nhau.
Khi phản đối lối gán ghép tội của các Luật Sĩ và Pharisêu gây ra cho mình, Đức Giêsu khẳng định không những không phá bỏ, mà còn kiện toàn và làm cho luật trở nên nhân nghĩa hơn.
Tin mừng Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: hãy biết giữ luật trong lòng mến. Trung thành yêu mến luật vì nơi đó Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Ngài. Tuy nhiên, giữa việc giữ luật và đời sống phải đi đôi với nhau. Không thể sống theo kiểu “ngôn hành bất nhất” như Luật Sĩ và Pharisêu, vì họ dùng luật của Chúa để triệt hạ nhau khi luật của Chúa đã bị bóp méo.