Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tha thứ
12.3 Thứ Bảy trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
Đnl 26:16-19; Tv 119:1-2,4-5,7-8; Mt 5:43-48
Tha thứ
Trong cuộc sống, tâm lý tự nhiên, ai cũng “yêu bạn và ghét thù”. Có những kẻ thù ngoài ta, nhưng cũng có kẻ thù ngay trong lòng mình. Nếu nhìn tha nhân bằng con mắt ghen ghét, ích kỷ, ngờ vực, ta sẽ thấy ai cũng có thể là kẻ xấu, và ở đâu cũng có kẻ thù. Nếu không tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, thậm chí không tha thứ cho chính mình, ta sẽ chất chứa biết bao phiền muộn, bao kẻ thù ngay trong lòng mình.
Đọc Thánh kinh, ta thấy chính ma quỷ gieo thù hận trong lòng con người, đặt con người vào thế thù nghịch và huỷ diệt nhau. Cho nên, ai còn sống trong thù hận là sống trong sự trói buộc của ma quỷ.
Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài chấp nhận cái chết để tha thứ và giải thoát chúng ta. Ngài còn dạy chúng ta con đường giải thoát là tha thứ; và chính Ngài đã nêu gương cho chúng ta khi, trên thánh giá, ngài cầu nguyện cho kẻ thù: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Mỗi người chúng ta thử hồi tâm xét xem khi nói đến từ ‘kẻ thù’ thì trong tâm trí ta xuất hiện người nào? Vậy hãy tha thứ cho họ đi để tâm hồn chúng ta thực sự được giải thoát.
Văn hào Nga Leon Tonstol có kể câu chuyện như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.
Từ đó, đi đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sach mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.
Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất.
Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình.
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta thực hành giới răn yêu thương, đó là thái độ đổi ghét thành yêu, biến thù thành bạn, Người nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 43-45).
Yêu là lấy thiện thắng ác, lấy tha thứ hóa giải hận thù. Tha thứ không phải là thái độ hèn nhát quên đi lỗi lầm của người khác nhưng là chấp nhận họ để cả hai cùng được lớn lên trong ân sủng. Thực hành lời dạy của Chúa không phải là điều dễ, bởi lẽ chúng ta còn mang nặng thói ích kỷ, khó lòng tha thứ cho người khác khi họ có điều bất hòa với chúng ta. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta khi hết lòng tha thứ cho nhóm biệt phái Pharisêu đã nhiều lần giăng bẫy để hại Người. Chúa Giêsu còn tiếp đón người tội lỗi, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi và hiến thân mình cứu chuộc muôn người.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”. Chỉ khi nào ý thức được tha nhân là quà tặng lớn lao Thiên Chúa gửi đến thì chúng ta mới biết tôn trọng và yêu thương họ như Thiên Chúa muốn. Chúa Giêsu không dạy điều gì ngược với đạo lý thời Cựu ước nhưng Người kiện toàn và phả vào đó hơi thở của tình yêu. Chính Chúa Giêsu cũng đã sống đến tận cùng của tình yêu. Suốt những năm tháng đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đến để yêu thương người khốn khổ nghèo hèn và những người tội lỗi, đã tìm kiếm những con chiên đi lạc. Sau cùng Người đã đón nhận cuộc Khổ Nạn và cái chết trên thập giá để minh chứng một tình thương vô bờ bến.
Biết bao lần trong cuộc sống chúng ta tích chứa hận thù ghen ghét, gây thù oán với người khác để rồi lạc sâu vào vòng luẩn quẩn dối gian. Chúng ta dễ dàng đóng khung người khác trong những thành kiến cá nhân. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy cái rác trong mắt người khác, dễ phân biệt kỳ thị và đẩy họ ra khỏi mối bận tâm của ta. Nếu hận thù chia rẽ làm trái tim chúng ta khép lại trước những nhu cầu của người khác thì tha thứ là lắng nghe và cảm thông, mở ra cho họ con đường sống hạnh phúc. Vì thế, tha thứ chính là tột đỉnh của yêu thương.
Sống tâm tình của Mùa Chay, chúng ta còn được mời gọi dành ra những giây phút thinh lặng để cầu nguyện, nhìn nhận hành vi thái độ của mình đối với Chúa và tha nhân. Đồng thời chúng ta cũng ra đi chia sẻ cho tha nhân tình yêu thương và sự cảm thông nâng đỡ. Thiên Chúa luôn lắng nghe lời cầu khẩn của chúng ta, lẽ nào chúng ta lại thờ ơ với những nhu cầu của tha nhân. Đức Chúa đã nói với ngôn sứ Isaia rằng: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm sao? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58, 6-7).