Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Luật yêu thương
11.3 Thứ Sáu trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
Ed 18:21-28; Tv 130:1-2,3-4,4-6,7-8; Mt 5:20-26
Luật yêu thương
Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ: phải công chính hơn những người biệt phái. Công chính của người biệt phái là lo giữ luật cách chín chắn không sơ sót chút nào, nhưng họ giữ luật một cách máy móc không chút tâm tình. Còn sự công chính của các môn đệ Chúa là giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương, thương người như anh em và thương Chúa như Cha mình.
Sau đó Chúa Giêsu đưa ra thí dụ về cách giữ một số khoản luật:
Luật “không được giết người”: môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em, vì thế không nên phẫn nộ với anh em, không nên chửi rủa anh em.
Luật dâng lễ vật: lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là cuộc sống đầy lòng yêu thương. Do đó trước khi dâng lễ vật, phải lo hòa giải với người anh em nào có chuyện bất hòa với mình.
Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ Ngài phải công chính hơn các luật sĩ và biệt phái (nghĩa là đừng bao giờ tự mãn vì đạo đức của mình). Một phương diện cụ thể của đức công chính mới là tương giao: phải coi mọi người là anh em của mình (chữ “anh em” được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất trong đoạn này). Trên cơ sở tình huynh đệ ấy, đừng mắng chửi, cũng đừng nuôi giận hờn lâu, hãy cố gắng làm hoà với nhau.
Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ cũng như chúng ta phải công chính hơn các luật sĩ và biệt phái. Điều này có nghĩa là chúng ta phải giữ luật, bất cứ luật gì, đều phải trọn vẹn cả hình thức lẫn nội dung, bên ngoài cũng như ý hướng nội tâm: lý do là vì Chúa thấu suốt cả bên ngoài lẫn bên trong con người chúng ta.
Các luật sĩ và biệt phái chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài của luật, nhưng chúng ta phải giữ luật từ ý hướng bên trong là căn bản, biểu lộ ra bên ngoài là hình thức.
Luật cũ chỉ đòi hỏi bảo vệ thể xác con người khi áp dụng điều răn thứ năm: chớ giết người. Còn Đức Giêsu lại đi xa hơn, Ngài dạy: phải bảo vệ con người cả thể xác lẫn tinh thần. Luật mới của Chúa vượt trên luật cũ của Cựu ước và vượt trên cả công lý nữa, nghĩa là công lý hay luật pháp chỉ kết án một người phạm tội giết người cụ thể, rõ ràng. Còn Chúa nói đến nguồn gốc của tội là gì và kết án ngay từ trứng nước.
Nói rõ hơn, người xưa chỉ kết tội khi giết người, còn Chúa lên án ngay từ đáy lòng kẻ mắc tội ấy, vì kẻ giết người thì thường bắt đầu từ chỗ ghen ghét, ganh tị, giận dỗi, tức giận, và Chúa cấm ngay từ chỗ tư tưởng đó chứ không chờ cho việc xảy ra bằng hành động, Chúa cấm từ trong trứng nước là thế.
Chúa dạy chúng ta phải làm hoà với nhau trước dâng của lễ cho Thiên Chúa. Hoà giải là một danh từ của thời đại, hoà giải là một nhu cầu cần thiết của thời đại, vì thế hoà giải là mục tiêu phải đạt tới của nhiều phe nhóm kình chống nhau, cũng như của các quốc gia trước đây, coi nhau như thù địch.
Trên bình diện tôn giáo cũng thế, các hoạt động đại kết của các Giáo hội Kitô chỉ đạt được, nếu có sự hoà giải chân thành, khiêm tốn, nhìn nhận lỗi lầm của mình, đồng thời cố gắng tìm hiểu nhau, khám phá những gì giúp liên kết nhau, hơn là đào sâu hố chia rẽ.
Hôm nay Chúa có ý bảo chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Tha thứ là điều kiện để được thông hiệp với Thiên Chúa. Vì thế trong phụng vụ thánh lễ, để xứng đáng cử hành và tham dự, nhất là để hiệp lễ, Hội thánh đòi hỏi chúng ta phải sám hối và tha thứ cho nhau.
Việc làm hòa với tha nhân được coi như một món nợ phải đền, và đền cách trọn vẹn đầy đủ đến đồng xu cuối cùng. Chi tiết này cho thấy việc hòa giải là cần thiết và cấp bách, vì nó cần cho sự thông hiệp với Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu.
Hãy giải quyết với nhau khi còn dọc đường, đừng để khi đến toà rồi thì đã muộn. Cùng trong một ý tưởng trên, Đức Giêsu nhắn nhủ chúng ta, bao lâu chúng ta còn thời giờ (trong thời đại chúng ta đang sống), hãy lo giao hoà với Chúa, với anh em và lo canh tân đời sống, đừng để khi phải ra trước tòa chung thẩm, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, và chúng ta sẽ phải đền trả nơi luyện tội cho tới khi đủ số ngày (Đồng xu cuối cùng).
Nguyên nhân gây nên bất hòa thì có đủ kiểu đủ cách, lỗi về phía này hoặc phía kia và thường khi là lỗi cả hai bên. Nhưng cho dù là lỗi thuộc về ai thì Chúa cũng dạy phải đi làm hòa, cả khi đã đem của lễ đến trước bàn thờ thì cũng cứ để của lễ lại đó. Nghĩa là phải chủ động đi làm hòa và phải đi bước trước. Người ta hay đưa ra lý do để biện minh cho việc trì hoãn làm hòa với nhau, nào là nó gây nên thì nó phải xin lỗi tôi, hay nó ít tuổi hơn tôi thì phải xin lỗi tôi, hoặc nó là cháu tôi thì nó phải có lời trước… Khi Chúa dạy chúng ta phải đi làm hòa thì Người không phân biệt như thế. Điều đó có nghĩa là khi có mâu thuẫn, thì chính chúng ta phải chủ động đi bước trước để làm hòa, chủ động xin lỗi người anh em trước và như thế việc làm hòa được trở nên dễ dàng và đạt được hiệu quả tích cực.
Chúng ta biết Chúa yêu thương loài người chúng ta vì mỗi người là hình ảnh của Chúa Cha và là anh em của Chúa. Không có gì đụng chạm tới chúng ta người mà lại không đụng chạm tới chính Chúa. Chính khi nhập thể làm người, Chúa đã sống trọn vẹn kiếp người và đã tự đồng hóa với chính những kẻ bé mọn nhất. Vì thế, Chúa dạy chúng ta yêu thương anh em. Chúa dạy chúng ta chẳng những không được giết người, mà còn không được xúc phạm đến anh em khi nghĩ xấu, nói xấu, giận hờn, phẫn nộ hoặc thù ghét.