skip to Main Content

Nên như trẻ thơ

26.2

Thứ Bảy trong tuần thứ Bảy Mùa Quanh Năm

Gc 5:13-20; Tv 141:1-2,3,8; Mc 10:13-16

Nên như trẻ thơ

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”. Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: “Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn”.

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em . Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em thì sẽ chẳng được vào ” (Mc. 10, 13- 15)

Để được vào Nước Trời, cần phải có thái độ của trẻ nhỏ: “Ai không đón nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ sẽ chẳng được vào”. Thái độ của trẻ nhỏ không phải là thái độ sống vô trách nhiệm và ngây thơ, nhưng là ý thức về thân phận yếu đuối bất toàn của mình , để sống ngoan ngoãn tin tưởng, vâng phục. Điều này không dễ dàng đối với những ai quen tự quyết tự trị, đến mức không chấp nhận bất cứ tiêu chuẩn bên ngoài nào.

Suốt cuộc đời Người và khi thi hành sứ vụ. Đức Giêsu Kitô đã chỉ có một sứ mệnh duy nhất là làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa : “Sự sống đời đời, chính là họ nhận biết Cha và Đấng Cha sai”. Và Chúa đã thực hiện tốt sứ mệnh đó bằng việc làm cũng như bằng lời nói tốt hơn nữa bằng những quan hệ giữa con người cũng như bằng những phép lạ của Người. Các Phúc âm phần lớn đều là tường thuật về những quan hệ của Chúa Giêsu với người ta. Trong mối quan hệ của Người với tha nhân, Chúa Giêsu tỏ ra hoàn toàn tự do, hoàn toàn độc lập đối với dư luận quần chúng và người xung quanh. Các môn đệ thì muốn dân chúng ở xa Người, tạo nên một bức màn che chắn Người. Các ông làm như thể muốn sàng lọc những người có thể đến với Chúa Giêsu. Trước một dụng ý như thế, Chúa Giêsu bực mình, nặng lời khiển trách các ông… rồi Người gọi trẻ em đến với mình, đặt tay chúc lành cho chúng và ôm hôn chúng. Lời mời gọi nên như trẻ thơ

Chúa Giêsu không đành đón tiếp các trẻ em như đón tiếp các người thu thuế và tội lỗi, Người đi xa hơn nhiều, Người lấy chúng làm gương mẫu cho những thính giả của mình : “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”. Nên giống như trẻ em, có nghĩa là gì? Chúng ta vốn nghĩ, trẻ em chẳng có chi hoàn hảo, chẳng có chi đáng bắt chước về mọi phương diện. Ông La Bruyère đã viết một cách cay nghiệt rằng : “Trẻ em là đồ ăn cắp, nói dối, chúng đã là những người lớn đấy”. Cũng không phải là chuyện trở lại vẻ hồn nhiên trong trắng của trẻ em như trở lại vẻ tinh tuyền ban đầu của nguyên tổ khi Ơû vườn địa đường. Kinh thánh không nhìn trẻ em ở khía cạnh này. Vả lại đòi hỏi một người lớn phải khổ sở vì không còn là một đứa trẻ nữa có lẽ đó là một yêu cầu có phần nào bệnh hoạn.

Tuổi thơ đồng nghĩa với tươi mát, hồn nhiên, đơn sơ. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận Nước Thiên Chúa với những tâm tình này, nghĩa là với niềm hân hoan vui sướng như được một cái mới, không tính toán, không hậu ý, nhưng đồng thời cũng phải nhận thức rằng mình tùy thuộc vào Chúa và liên quan tùy thuộc đối với người khác. Tuy nhiên trong bất cứ trường hợp nào, ta không được là con người ấu trĩ và từ chối làm cho chính ta điều gì có thể làm được. Bởi lẽ, tinh thần thơ ấu mà Chúa Giêsu đề nghị không phải là một sự “nhõng nhẽo”, ươn lười, nhưng là một tâm hồn rộng mở đón nhận lời Chúa với tinh thần đơn sơ vậy.

Nước trời hay sự sống vĩnh cửu chỉ được ban cho những ai biết tin cậy vào Thiên Chúa, và đơn sơ thi hành những gì Ngài chỉ dạy. Đây là công việc cam go, mà tự sức riêng, chúng ta không thể làm được. Để có được tâm hồn đơn sơ của trẻ nhỏ, để có được thái độ tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, chúng ta cần phải có tác động của Thánh Thần. Chính Thánh thần sẽ soi sáng cho ta nhận ra thánh ý Chúa một cách quảng đại.

Trở nên trẻ nhỏ không có nghĩa là sống ngây ngô, vô tâm nhưng là có một tâm hồn đơn sơ, phó thác ; mỗi người đứng trước mặt Thiên Chúa phải tự nhận mình là hèn yếu, thiếu thốn, như thái độ của con cái hoàn toàn cậy dựa vào cha mẹ mà thôi.

Theo gương thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chúng ta hãy nên thánh bằng con đường thơ ấu thiêng liêng, làm tất cả vì lòng mến Chúa và chỉ tìm đẹp lòng Ngài, nhờ đó mọi công việc của chúng ta đều có giá trị trước mặt Chúa và đem lại ơn cứu độ đời đời.

Xin Chúa cho chúng ta có thái độ đơn sơ phó thác khiêm tốn, để biết hoàn toàn cậy trông nơi Chúa, nhờ đó, chúng ta sẽ nhận được Nước Trời làm cơ nghiệp của mình.

 

Back To Top