skip to Main Content

VỊ NGÔN SỨ VĨ ĐẠI NHƯNG KHIÊM NHƯỜNG

24  15  Tr  Thứ Năm Tuần XII Thường Niên.

SINH NHẬT THÁNH GIOAN BAO-TI-XI-TA, lễ trọng.

Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D3), trừ lễ an táng.

Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80.

VỊ NGÔN SỨ VĨ ĐẠI NHƯNG KHIÊM NHƯỜNG

Giáo Hội thường mừng lễ các thánh vào ngày các ngài qua đời. Đó là ngày các ngài được về với Thiên Chúa, ngày sinh nhật trên thiên quốc. Đối với thánh Gioan Tẩy Giả, Giáo hội mừng kính cả ngày ngài sinh ra và cả ngày ngài tử đạo. Ngày qua đời mừng ở bậc lễ nhớ. Ngày sinh nhật với bậc lễ trọng.

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu (25.12); Sinh nhật của Đức Maria (8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6). Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.
Gioan được sinh ra kỳ diệu, ơn gọi huyền nhiệm và được trao sứ vụ cao trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Qua sinh nhật và ơn gọi huyền nhiệm của Gioan,Thiên Chúa đã đặt ngài làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? ” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như : Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ? Và lý do gì mà Giáo hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế ?
Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ?

Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends (ngày mùng ), ides (ngày 15) và nones (ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

Thánh Augustinô nói : “ Giáo hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ sinh nhật của ngài ”.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương, bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than, Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân. Qua mọi thời, những Ngôn sứ chân chính luôn thao thức với vận mạng Dân tộc. Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy Hêrôđiađê là vợ của anh trai mình. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu từ trong ngục. Đụng chạm đến những hôn quân bạo chúa thì chỉ chuốc lấy họa vào thân. Thế nhưng, lương tâm ngay chính, Gioan đã khẳng khái nói lên những lời cần phải nói cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống.
Sứ mạng Ngôn sứ thời nào cũng phải trả giá khi dám nói sự thật, khi dám đấu tranh cho công lý và dân chủ. Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành, bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: “Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7,28).
Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người hãy nghĩ về ngày sinh nhật của mình. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất cuộc đời.

Ngày ấy, cha mẹ, anh chị em hân hoan, bà con lối xóm đến chúc mừng. Ai cũng muốn nhìn con trẻ, mỉm cười muốn bồng ẵm và tự hỏi: trẻ này rồi sẽ nên như thế nào, ai cũng chúc phúc và đặt niềm hy vọng. Con trẻ được cha mẹ đặt tên. Ngày được Thanh tẩy, con trẻ có một tên Thánh. Chọn một vị Thánh làm bổn mạng cho con, cha mẹ xin vị Thánh Quan thầy cầu bầu che chở con và mong con noi gương bắt chước vị Thánh ấy trên đường nhân đức.

Thánh Gioan được sinh ra trong niềm vui của cha mẹ và mọi người. Ngài đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình. Thánh nhân để lại một mẫu gương khiêm nhường, thánh thiện cho muôn đời. Mỗi người được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm trong tình thương Thiên Chúa. Mỗi lần mừng sinh nhật của mình, mỗi người chúng ta nhớ đến bao nhiêu là hồng ân Thiên Chúa ban tặng để tạ ơn và sống xứng đáng hơn.

Gioan đã trở thành vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa, vì ngài đã trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sau thời gian sống ẩn dật trong rừng vắng, Gioan đã ra đi và thi hành sứ vụ. Ngài đã trở thành tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi, mọi hố sâu phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, đường quanh co phải uốn cho ngay… (x. Lc 3, 4-6).

Như vậy, Gioan nắm một vai trò trực tiếp có một không hai là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, khi ông công khai xuất hiện trước toàn dân và làm phép rửa, dân chúng đã tưởng là Đấng Cứu Thế! Lúc đó, nhiều người đã đến để thăm dò, chất vấn xem ông có phải là Đấng Kitô mà bao ngôn sứ đã loan báo, nay xuất hiện hay không? Khi đặt vấn đề ấy với ông, ông hoàn toàn phủ nhận và không những thế, Gioan còn đề cao Đấng Cứu Thế khi nói: “Có Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dép cho Ngài” (x. Lc 3, 16). Ngài cũng nói rõ vai trò của mình là người dọn đường, vì thế, khi Đấng Cứu Thế đến thì: “Ngài phải lớn lên còn tôi, tôi phải nhỏ đi” (x. Ga 3, 30). Khi uy tín của ông lên đến đỉnh điểm, có nhiều môn đệ đi theo, lẽ ra, lúc này, ông phải tự hào và hãnh diện cũng như củng cố uy tín…! Không! Khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông sẵn sàng chỉ về phía Ngài và giới thiệu cho các môn đệ của mình, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29).

Quả thật, Gioan là một người khiêm tốn. Điều này được chứng minh qua thân thế của ông như sau: sinh ra trong một gia đình có truyền thống Tư Tế, thượng lưu, Gioan có quyền được hưởng một cuộc sống sung túc và trưởng giả. Thế nhưng, cuộc đời của ông lại âm thầm và gắn liền với sa mạc. Thức ăn của ông là châu chấu và uống mật ong rừng. Ông sống nghèo đến độ lấy da thú làm áo che thân.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã ân thưởng cho Gioan xứng với vai trò của ông, nên Ngài đã khen ngợi, công nhận Gioan là người vĩ đại khi nói: “Anh em vào sa mạc để xem gì? Một cây lau phất phơ trước gió ư?… Anh em xem thấy gì? Một vị ngôn sứ? Đúng thế, tôi nói cho anh em biết,  trong con cái của người phụ nữ, không ai lớn hơn Gioan” (x. Lc 7, 28).

Thánh Gioan Tẩy giả đã nêu gương khiêm tốn và làm chứng cho Chúa. Làm chứng trong cuộc sống hôm nay chính là: Tự làm mình lu mờ đi bằng việc ít nói về mình, không khoe khoang thành tích của mình, để Chúa được lớn lên nơi tha nhân. Làm chứng cho Chúa hôm nay cũng là: sống điều độ chừng mực, tránh thói tiêu xài xa hoa lãng phí và sự chè chén say sưa. Làm chứng cho Chúa hôm nay còn là chỉ đường giúp nhiều người nhận biết và theo làm môn đệ của Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn biết sống đơn sơ khó nghèo, can đảm làm chứng cho sự thật và không bao giờ chịu lùi bước trước những khó khăn trở ngại gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.

Back To Top