skip to Main Content

KẾT HIỆP MẬT THIẾT

02  21  Tr  CHÚA NHẬT V PHỤC SINH.

Ca vịnh tuần I.

 

Thánh Giu-se Nguyễn Văn Lựu, Trùm họ (U1854), Tử đạo.

Không cử hành lễ thánh A-tha-na-si-ô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Và không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.

Cv 9,26-31; 1 Ga 3, 18-24; Ga 15,1-8.

 

KẾT HIỆP MẬT THIẾT

Đối với người Do Thái thì cây nho là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi, giống như hình ảnh cành tre khóm trúc đối với người Việt Nam. Thế nhưng Chúa Giêsu muốn nói gì qua hình ảnh cây nho?

Xin thưa rằng: Qua hình ảnh cây nho, Ngài cho chúng ta biết rằng Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài đến không phải chỉ để trông nom chăm sóc vườn nho, mà hơn thế nữa, còn để trở thành chính cây nho, hầu có thể trực tiếp thông ban sự sống của mình cho chúng ta; như thân cây nuôi ngành cây bằng nhựa sống của nó. Từ hình ảnh trên, chúng ta thấy được hai ý nghĩa nổi bật.

Ý nghĩa thứ nhất: Thiên Chúa là người trồng nho, còn chúng ta là những cây nho. Thế nhưng kể từ nay giữa chúng ta và Thiên Chúa, còn có một trung gian đó là Đức Kitô. Và như chúng ta đã biết: Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, có nghĩa là Ngài cũng đã trở thành một cây nho, một cây nho hảo hạng, một cây nho giống tốt để tạo nên một vườn nho mới. Nói cách khác, Đức Kitô là một con người mới, là một Adong mới hầu tạo nên cho Thiên Chúa một nhân loại mới, theo đúng hình ảnh của Ngài.

Ý nghĩa thứ hai đó là một sự trao đổi kỳ lạ, được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể. Đúng thế, với mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã bước xuống phận con người, để con người được bước lên ngôi Thiên Chúa. Ngài đã trở thành cây nho, để chia sẻ cho chúng ta, những cành nho của Ngài, chính nhựa sống thần linh. Kể từ nay, mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa, không phải chỉ là mối liên hệ cứng nhắc giữa Đấng hoá công và loài người thụ tạo, nhưng là một liên hệ thân thương, gần gũi và gắn bó mật thiết như cành liền cây hiệp thông cùng một nhựa sống, đến nỗi chúng ta có thể nói: Thiên Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Thiên Chúa. Hay: Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.

Bất cứ ai sống trên đời cũng đều có quan hệ không nhiều thì ít với những người chung quanh, nhất là những người có cùng một máu mủ với mình. Mối quan hệ đó càng khắng khít bao nhiêu là tùy thuộc vào sự hiệp thông có mật thiết hay không.

Cuộc sống đấy ắp yêu thương chỉ có thể tồn tại khi con người đặt tình thương yêu cào tất cả các mối quan hệ, giao tiếp và thông hiệp với nhau trong tình người với người, hơn nữa trong tình anh em ruột thịt.

Ngoài những mối giây liên hệ giao tiếp bình thường như những người khác, người Kitô hữu còn có dây liên hệ với Thiên Chúa là Cha mình và với Hội Thánh cùng các chi thể của Ngài. Mối dây liên hệ này có được sẽ làm phong phú thêm những giá trị vốn có trong cuộc đời.

Với mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người đã trở nên cây nho thật, một cây nho tốt, để tạo nên một vườn nho mới, một dân tộc mới, một sức sống mới cho con người đã từng mang mầm mống của tội lỗi và diệt vong.

Tương quan giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa như tương quan giữa cây nho và ông chủ vườn. Cây nho luôn tùy thuộc chủ vườn. Người chủ vườn luôn quan tâm và chăm bón để cây nho có nhựa sống cung cấp cho nhành cây, để sinh nhiều hoa trái. Đây là hình ảnh, nó chỉ diễn tả phần nào sự thật. Thiên Chúa luôn có sáng kiến tuyệt vời, để làm những điều kỳ diệu, và ngay cả có thể làm cho những cành nho như thể khô đét có được sức sống và sinh trái. Thiên Chúa là người chủ vườn tuyệt vời. Thiên Chúa làm chúng ta có sức sống và sinh trái qua Chúa Giêsu.

Do đó, niềm vui mừng và hy vọng lớn lao nhất của con người chính là được thông hiệp với Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, Ngài đã trở thành cây nho và chúng ta là những cành lá của cây nho ấy. Điều đó có nghĩa chúng ta là những chi thể của Ngài và được mang lấy chính sự sống thần linh của Ngài. Với mầu nhiệm nhập thể, chúng ta còn thấy: Thiên Chúa làm người là để cho con người được trở nên Thiên Chúa và có sự sống viên mãn nhờ Đức Kitô. Muốn có được sự sống mới ấy, chúng ta phải thực thi tình yêu thương và phục vụ như Đức Kitô bằng những hành động và việc làm cụ thể.

Ngoài ra, để có một cuộc sống mới thật phong phú và sinh hoa kết trái dồi dào thì ngay từ giờ chúng ta cần phải hy sinh quên mình, giống như cành nho nào được cắt tỉa, thì đó chính là cành nho có nhiều hoa trái hơn cả.

Cuộc sống của người Kitô hữu càng kết hiệp với Đức Kitô, càng hiệp thông với các chi thể khác của Ngài, trong đó có những người anh em bất hạnh và khổ đau, đòi hỏi nhiều hy sinh, thì cuộc sống của người Kitô hữu ấy càng phong phú và nhiều hy vọng hơn cả. Bởi vì, nếu ta chết với Đức Kitô, thì chúng ta sẽ cùng sống với Ngài. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, thì chúng ta sẽ cùng Người hiển trị.

Kết hợp với Chúa là sống thân mật với Chúa trong tình yêu. Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Tôi đã tìm thấy ơn kêu gọi của tôi: Ơn kêu gọi của tôi là Tình Yêu”. Hai người kết hợp với Chúa trong tình yêu thì Chúa dùng để đem lại kết quả cho các linh hồn một cách phong phú nhiệm lạ. Mặc dù là một nữ tu kín, Têrêsa đã được Giáo Hội nhìn nhận và tôn phong làm quan thầy xứ truyền giáo cùng Thánh Phanxicô Xaviê. Vì truyền giáo là đem đức tin, đem lửa đến cho các linh hồn và càng có nhiều lửa, càng gây được đám cháy vĩ đại, như lời Chúa phán: Ta xuống trần gian và đem lửa đến để thiêu đốt lòng mọi người.

Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.

 

Back To Top